30/12/2024

Chúa Nhật 03.12.2023
Bản Di Chúc Thiêng Liêng

Chúa Nhật Tuần I – Mùa Vọng

Is 63,16b-17.19b; 64,2b-7 • Tv 79,2ac và 3b.15-16.18-19 (Đ. c.4) • 1 Cr 1,3-9 • Mc 13,33-37

Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B - Canh thức (Mc 13,33-37)

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mác-cô

33 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. 34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. 35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. 36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. 37 Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Bản Di Chúc Thiêng Liêng

Trong bài Viết Cáo Phó Cho Mình (Writing Your Own Obituary), cha Ron Rolheiser chia sẻ một người Do Thái trưởng thành sẽ có thói quen lập di chúc thiêng liêng như là cách thức để lượng giá cuộc đời của mình. Bằng phương thế này, họ có một sự chuẩn bị và sẵn sàng cho những gì sẽ xảy đến trong tương lai.

Trong tư cách là một Kitô hữu, chúng ta cũng có thể áp dụng việc lập di chúc thiêng liêng như là phương thế giúp chúng ta sống tỉnh thức và sẵn sàng. Nội dung của di chúc thiêng liêng tập trung vào những điểm sau: Thiên Chúa muốn tôi làm gì trong cuộc đời? Tôi đã làm tốt hay tệ việc đó? Tôi cần phải nói lời xin lỗi với ai? Tôi có những điều gì hối tiếc? Trước khi qua đời, tôi muốn chúc phúc và trao lại món quà nuôi dưỡng cụ thể cho ai?

Lời Chúa của Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng có thể cho chúng ta những gợi ý rất hữu ích.

Trước hết, ngôn sứ Isaia đã gợi lên cho chúng ta tâm tình sám hối khi nhìn nhận thân phận yếu hèn, mỏng dòn và yếu đuối của chúng ta. Được dựng nên từ đất sét qua bàn tay của người thợ gốm là Thiên chúa, chúng ta được lãnh nhận những hồng ân, và cả những bổn phận trách nhiệm trong đời. Liệu rằng chúng ta đã chu toàn tốt những trách nhiệm mà Chúa đã giao cho chúng ta chưa?

Thứ đến, ngay khi ý thức được những lỗi lầm và thiếu sót trong bổn phận và trách nhiệm của bản thân, chúng ta cần có tâm tình sám hối. Từ đó, ta cần nói lời xin lỗi không chỉ với Thiên Chúa, nhưng còn với anh chị em nữa. Giống như người khác đã từng làm tổn thương ta, thì chúng ta cũng có thể đã từng làm tổn thương người khác. Vì thế nói lời xin lỗi chân thành và tìm cách khắc phục là một điều rất quan trọng.

Sau cùng, Lời Chúa nơi bài Phúc Âm là một sự nhắc nhở về tinh thần tỉnh thức. Chúng ta tỉnh thức vì bổn phận mà Chúa đã trao phó cho chúng ta trong tư cách là những người quản gia của Ngài. Là những quản gia của Chúa, chúng ta được mời gọi rao truyền và làm chứng về tình yêu của Chúa cho những ai chưa nhận biết Ngài. Nói cách khác, sau khi đã lãnh nhận quà tặng vô giá từ Thiên Chúa, chúng ta cũng phải có bổn phận trao tặng món quà ấy cho những anh chị em khác. Và quà tặng vô giá ấy chính là Đức Giêsu Kitô. Điều này thể hiện một tâm thế tỉnh thức với sứ mạng của chúng ta.

Lm. ArDL. Nguyễn Ngọc Duy Linh

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam