22/01/2025

Các GM Hoa Kỳ kêu gọi các lãnh đạo thế giới cam kết đẩy nhanh quá trình khử carbon

Các GM Hoa Kỳ kêu gọi các lãnh đạo thế giới cam kết đẩy nhanh quá trình khử carbon

Các Giám mục Hoa Kỳ tham gia các lời kêu gọi trên toàn thế giới, thúc giục hơn 70.000 nhà lãnh đạo và tham dự viên COP28, cam kết đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng sạch để ngăn chặn tác động tàn phá của biến đổi khí hậu, và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong quá trình biến đổi này.

Trong một tuyên bố đưa ra trước Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu của Liên Hợp Quốc, các Giám mục Hoa Kỳ đã mô tả quá trình khử carbon của nền kinh tế toàn cầu, thông qua việc thay thế nhiên liệu hoá thạch bằng năng lượng sạch, đáng tin cậy, giá cả phải chăng và sạch, là một thách đố về môi trường ưu việt mà tất cả các quốc gia phải đối diện.

Tuyên bố của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã đề cập đến Tông huấn gần đây của Đức Thánh Cha Laudate Deum, trong đó ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động về biến đổi khí hậu khi hành tinh gần đến “điểm không thể quay trở lại”.

Trích văn kiện của Đức Thánh Cha, các Giám mục viết: “Cuộc khủng hoảng khí hậu là một cơ hội để tái thiết lập các mối quan hệ quốc tế hướng tới công ích, nơi các quốc gia và cộng đồng có thể làm việc cùng nhau để đạt được sự tăng tốc quyết định của quá trình chuyển đổi năng lượng.” Và các Giám mục lưu ý: “Mặc dù sự tăng trưởng to lớn của năng lượng tái tạo trên toàn thế giới, hệ thống kinh tế toàn cầu vẫn chủ yếu được cung cấp bởi nhiên liệu hoá thạch.”

Các Giám mục đã nhìn nhận những nỗ lực khử cacbon gần đây tại Hoa Kỳ, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất trong lịch sử, để hướng đầu tư lịch sử vào cơ sở hạ tầng khí hậu và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, các vị mục tử cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào để chuyển sang các nguồn tái tạo sẽ không thành công nếu chúng làm tăng đáng kể chi phí năng lượng cho công dân có thu nhập trung bình và thấp, và không có sự hỗ trợ tài chính của các quốc gia phát triển để thích ứng, phục hồi những người dễ bị tổn thương nhất.

Tuyên bố kết luận: “Các mục tiêu khí hậu phải đại diện cho cả tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo. Công lý cho người nghèo, bao gồm 3,3 tỷ người trên toàn thế giới với năng lượng hạn chế và 700 triệu người không có điện, tạo thành một thử nghiệm thiết yếu về chính sách khí hậu đạo đức.”

Vatican News