22/01/2025

ĐTC Phanxicô cổ vũ có thêm các nhà thần học nữ trong Giáo hội

ĐTC Phanxicô cổ vũ có thêm các nhà thần học nữ trong Giáo hội

Sáng thứ Năm 30/11/2023, gặp gỡ các thành viên của Uỷ ban Thần học Quốc tế, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có thêm nhiều nhà thần học nữ và kêu gọi Uỷ ban đề xuất “một nền thần học loan báo Tin Mừng, thúc đẩy đối thoại với thế giới văn hoá”.

ĐTC Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế

ĐTC Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Uỷ ban Thần học Quốc tế  (Vatican Media)

Hai nguyên tắc “Phêrô” và “Maria”

Đức Thánh Cha đã ứng khẩu nói rằng “người nữ có khả năng suy tư thần học khác với nam giới. Giáo hội là nữ. Và nếu chúng ta không hiểu phụ nữ là gì hoặc thần học của một người nữ là gì, thì chúng ta sẽ không bao giờ hiểu Giáo hội là gì”. Ngài mô tả việc “nam giới hoá” Giáo hội như một “tội nặng” của chúng ta.

Đức Thánh Cha mời gọi theo nguyên tắc phân biệt do nhà thần học Dòng Tên Hans Urs von Balthasar đề xuất. Đó là nguyên tắc “Phêrô” hay nguyên tắc thừa tác, và nguyên tắc “Maria” hay nguyên tắc thần bí. Ngài nói: “Đức Maria quan trọng hơn Thánh Phêrô, bởi vì có Giáo hội hiền thê, Giáo hội mang đặc tính của người nữ, không bị nam giới hoá.”

Và Đức Thánh Cha yêu cầu Uỷ ban suy tư nhiều hơn về Giáo hội như là người nữ và hiền thê. Đặc biệt, loại bỏ “việc nam giới hoá” Giáo hội.

Một cuộc hoán cải truyền giáo của Giáo hội

Trong bài diễn văn đã dọn sẵn, được trao cho các tham dự viên, Đức Thánh Cha nói: “Ngày nay chúng ta được mời gọi cống hiến hết mình với tất cả nghị lực của trái tim và tâm trí cho ‘một cuộc hoán cải truyền giáo của Giáo hội’.” Ngài nói, đây là một câu trả lời “đối với lời mời gọi truyền giáo của Chúa Giêsu, điều mà Công đồng Vatican II đã thực hiện và vẫn hướng dẫn hành trình của Giáo hội của chúng ta”.

Một thần học rao giảng Tin Mừng

Theo ý tưởng này, Đức Thánh Cha đề nghị “một thần học rao giảng Tin Mừng” cổ vũ đối thoại với thế giới văn hoá. Ngài nói thêm rằng các nhà thần học phải làm điều này trong sự hòa hợp với dân Chúa, với sự quan tâm đặc biệt dành cho người nghèo và người đơn sơ, và phải trong cầu nguyện và tôn thờ Thiên Chúa.

Tiếp đến, đề cập đến suy tư của Ủy ban về niềm tin vào Chúa Ba Ngôi và Kitô học như được Công đồng Nixêa tuyên xưng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh ý nghĩa thiêng liêng, hiệp hành và đại kết của Công đồng.

Lý do thiêng liêng

“Tại Nixêa, niềm tin vào Chúa Giêsu, Con Một của Chúa Cha, được tuyên xưng: Đấng đã làm người vì chúng ta và vì ơn cứu độ của chúng ta, là ‘Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng’”, ánh sáng soi đường dẫn chúng ta đi và xua tan bóng tối. Đức Thánh Cha nói rằng “các nhà thần học có nhiệm vụ truyền bá những tia sáng mới và đáng ngạc nhiên về ánh sáng vĩnh cửu của Chúa Kitô trong nhà Giáo hội cũng như trong bóng tối của thế giới”.

Ý nghĩa hiệp hành

Công đồng Nixêa là Công đồng Đại kết đầu tiên, trong đó Giáo hội có thể bày tỏ bản chất, đức tin, sứ mạng của mình. Đức Thánh Cha mời gọi các nhà thần học “hãy là nhân chứng, trong công việc tập thể của quý vị và trong việc chia sẻ những nét đặc thù về Giáo hội và văn hoá của quý vị, về một Giáo hội bước đi trong sự hài hoà của Thánh Thần, bắt nguồn từ Lời Chúa và Truyền thống sống động”.

Ý nghĩa đại kết

Và cuối cùng, nhấn mạnh ý nghĩa đại kết, Đức Thánh Cha lưu ý rằng tất cả “các môn đệ của Chúa Giêsu” đều hiệp nhất tuyên xưng Kinh Tin Kính được công bố tại Nixêa. Ngài lưu ý rằng vào Năm Thánh 2025, năm kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nixêa, tất cả các Kitô hữu sẽ cử hành Lễ Phục Sinh vào cùng một ngày. Ngài nói: “Sẽ đẹp biết bao nếu nó đánh dấu sự khởi đầu cụ thể của việc luôn cử hành lễ Phục Sinh chung!” (CSR_4852_2023)

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-12/dtc-phanxico-uy-ban-than-hoc-quoc-te-cong-dong-nixea.html