ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý Niềm Đam Mê Rao Giảng Tin Mừng: Lòng nhiệt thành tông đồ. 27. Công bố dành cho tất cả mọi người
Hôm nay chúng ta hãy tập trung vào khía cạnh thứ hai: nó dành cho tất cả mọi người, việc công bố Kitô giáo là một niềm vui cho tất cả mọi người.
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TIẾP KIẾN CHUNG
Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô
Thứ Tư, 22 tháng 11 năm 2023
____________________________
Loạt Bài Giáo lý Về Niềm Đam Mê Rao Giảng Tin Mừng:
Lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu.
Bài 27. Công bố dành cho tất cả mọi người
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Lần trước, sau khi thấy việc công bố Kitô giáo là niềm vui, hôm nay chúng ta hãy tập trung vào khía cạnh thứ hai: nó dành cho tất cả mọi người, việc công bố Kitô giáo là một niềm vui cho tất cả mọi người. Khi chúng ta thực sự gặp Chúa Giêsu, điều kỳ diệu của cuộc gặp gỡ này sẽ thấm nhập vào cuộc sống của chúng ta và đòi hỏi chúng ta phải vượt xa chính mình. Người muốn Tin Mừng của Người dành cho tất cả mọi người. Thực vậy, trong đó có một “sức mạnh nhân bản hoá”, một sự nên trọn cuộc sống vốn được định sẵn cho mọi người nam nữ, bởi vì Chúa Kitô đã sinh ra, đã chết, đã sống lại cho tất cả mọi người. Cho tất cả mọi người: không loại trừ ai.
Trong Niềm Vui Tin Mừng chúng ta đọc thấy: “Mọi người đều có quyền đón nhận Tin Mừng. Các Kitô hữu có nhiệm vụ công bố nó mà không loại trừ bất cứ ai, không phải như những người áp đặt một nghĩa vụ mới, nhưng như những người chia sẻ niềm vui, báo hiệu một chân trời tươi đẹp, dâng lên một bữa tiệc đáng mơ ước. Giáo hội không phát triển nhờ việc cải đạo nhưng “nhờ sự thu hút” (số 14). Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cảm nhận mình đang phục vụ mục đích phổ quát của Tin Mừng, dành cho mọi người; và chúng ta hãy tự phân biệt mình bằng khả năng thoát ra khỏi chính mình – một lời loan báo là một lời loan báo đích thực phải xuất phát từ lòng vị tha – và cũng phải có khả năng vượt qua mọi biên giới. Các Kitô hữu thấy mình ở trên nhà thờ nhiều hơn là ở trong phòng áo lễ, và đi “ra các đường phố trong thị thành” (Lc 14:21). Họ phải cởi mở và chan hoà, các Kitô hữu phải là những người “hướng ngoại”, và tính cách này của họ phát xuất từ Chúa Giêsu, Đấng đã biến sự hiện diện của Người trên thế giới thành một hành trình liên tục, nhằm đến với mọi người, thậm chí học hỏi từ một số cuộc gặp gỡ nào đó.
Theo nghĩa này, Tin Mừng gợi lại cuộc gặp gỡ đầy ngạc nhiên của Chúa Giêsu với một phụ nữ ngoại quốc, một người Canaan, người cầu xin Người chữa lành cho đứa con gái bị bệnh của mình (x. Mt 15:21-28). Chúa Giêsu từ chối, nói rằng Người chỉ được sai đến “với những con chiên lạc của nhà Israel” và “không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con” (c. 24,26). Nhưng người phụ nữ, với sự khăng khăng đặc trưng của những người đơn giản, đã trả lời rằng “ngay cả chó cũng ăn những mảnh vụn trên bàn của chủ rơi xuống” (c. 27). Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với bà: “Này bà, đức tin của bà mạnh lắm! Bà muốn thế nào thì được như vậy” (c. 28). Cuộc gặp gỡ với người phụ nữ này có điều gì đó độc đáo. Không phải một ai đó đã thay đổi tâm trí Người, mà đó là một phụ nữ, người ngoại quốc và ngoại giáo; nhưng chính Chúa đã xác nhận rằng việc rao giảng của Người không nên bị giới hạn vào những người mà Người thuộc về, nhưng phải cởi mở với tất cả mọi người.
Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng khi Thiên Chúa kêu gọi một người và lập giao ước với một số người, thì tiêu chuẩn luôn là thế này: Người chọn một ai đó để đến với người khác, đây là tiêu chuẩn của Thiên Chúa, của ơn gọi của Thiên Chúa. Tất cả bạn bè của Chúa đều cảm nghiệm được vẻ đẹp nhưng cũng trải nghiệm trách nhiệm và gánh nặng khi được Người “chọn”. Và họ hết thẩy đều cảm thấy chán nản trước những điểm yếu hoặc sự mất an toàn của mình. Nhưng có lẽ cám dỗ lớn nhất là coi ơn gọi nhận được như một đặc ân, làm ơn, anh chị em đừng coi như vậy, ơn gọi đó không bao giờ là một đặc ân cả. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta có đặc quyền so với những người khác, không. Ơn gọi là để phục vụ. Và Chúa chọn một người để yêu thương mọi người, để đến với mọi người.
Cũng để ngăn chặn cám dỗ muốn đồng nhất hoá Kitô giáo với một nền văn hoá, với một sắc tộc, với một hệ thống. Tuy nhiên, do đó, họ đánh mất bản chất Công Giáo thực sự của mình, tức là bản chất phổ quát đối với tất cả mọi người: họ không phải là một nhóm nhỏ những người được chọn hạng nhất. Chúng ta đừng quên: Thiên Chúa chọn một người để yêu thương mọi người. Chân trời phổ quát này. Tin Mừng không chỉ dành cho tôi mà còn dành cho tất cả mọi người, chúng ta đừng quên điều đó. Cảm ơn anh chị em.
Lời kêu gọi hòa bình
Trong buổi yết kiến hôm nay, Đức Phanxicô cũng đã tha thiết xin mọi người cầu nguyện cho hoà bình, nhất là cho những người Israel và Palestine đang đau khổ vì khủng bố, chiến tranh:
“Chúng ta đừng quên kiên trì cầu nguyện cho những người đang phải chịu đau khổ vì chiến tranh ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là dân tộc Ukraine thân yêu, dân tộc Ukraine đang bị đau khổ, dân tộc Israel và Palestine. Sáng nay tôi đã tiếp đón hai phái đoàn, một phái đoàn người Israel có người thân bị làm con tin ở Gaza và một phái đoàn khác là người Palestine có người thân đang đau khổ ở Gaza. Họ đau khổ rất nhiều và tôi nghe thấy cả hai đều đau khổ như thế nào: chiến tranh gây ra điều này, nhưng ở đây chúng ta đã vượt ra ngoài chiến tranh, đây không phải là tiến hành chiến tranh, đây là khủng bố. Làm ơn, chúng ta hãy tiến tới hoà bình, cầu nguyện cho hoà bình, cầu nguyện thật nhiều cho hoà bình. Xin Chúa nhúng tay vào đó, xin Chúa giúp chúng ta giải quyết các vấn đề và không tiến về phía trước với những đam mê mà cuối cùng sẽ giết chết mọi người. Chúng ta cầu nguyện cho người dân Palestine, chúng ta cầu nguyện cho người dân Israel, cho hoà bình được đến”.
Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholicnews.net/