26/11/2024

COP 28: Một môi trường truyền giáo và một cuộc gặp gỡ với Hồi giáo

COP 28: Một môi trường truyền giáo và một cuộc gặp gỡ với Hồi giáo

Chỉ còn 2 tuần nữa Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP 28 sẽ diễn ra tại Dubai, thủ đô Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Đối với Đức cha Paolo Martinelli, Đại diện Tông toà Nam Ả Rập, chủ đề khí hậu có liên quan đến tôn giáo như một yếu tố đạo lý. Các sự kiện được lên chương trình trong hai tuần này ở Vùng Vịnh nhắc đến một yếu tố từ lâu đã là trung tâm của công cuộc truyền giáo và tạo thành một khu vực đặc biệt trong hoạt động đối thoại với Hồi giáo.

Đức cha giải thích: “Trong xã hội Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, cũng như ở nước láng giềng Oman, có một sự quan tâm lớn đến vấn đề môi trường, đặc biệt nơi những người trẻ đã đọc và đào sâu các nội dung được đề xuất trong thông điệp Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Và khi COP 28 đến gần, vấn đề càng trở nên quan trọng hơn.”

Từ ngày 30/11 đến 12/12/2023, Dubai sẽ tổ chức Hội nghị Khí hậu Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về khí hậu, với sự hiện diện của hàng ngàn tham dự viên, bao gồm các nguyên thủ quốc gia, quan chức chính phủ, các nhà công nghiệp quốc tế và các đại diện của khu vực tư nhân. Trong số các tham dự viên còn có các học giả, các chuyên gia, những người trẻ, tất cả cùng thảo luận, đào sâu các nội dung của Thoả thuận Paris và sẽ được tổng hợp để đưa ra một đánh giá toàn cầu đầu tiên về vấn đề này, và để nhấn mạnh những tiến bộ đạt được đối với các mục tiêu và phân tích các yếu tố quan trọng và những điểm chưa được giải quyết.

Vị Đại diện Tông toà Nam Ả Rập nói: “Chủ đề tập trung vào đời sống Giáo hội và của giới trẻ, và chính họ là những người yêu cầu đào sâu. Chúng ta nói về hoán cải sinh thái, sinh thái toàn diện, những cách diễn đạt không chỉ chỉ ra một khía cạnh cụ thể nhưng còn đề cập đến một chủ đề cụ thể vốn là một phần thực tại của những người trẻ. Những điều liên quan đến họ ở bình diện con người, trong các tương quan liên cá nhân và với các tín ngưỡng khác. Đây là con đường mà vị tiền nhiệm của tôi, Đức cha Paul Hinder và chính tôi đã ủng hộ mạnh mẽ ở bình diện mục vụ.”

Đức Thánh Cha tại COP 28

Toà Thánh đã xác nhận Đức Thánh Cha sẽ hiện diện tại COP 28, trong khuôn khổ chuyến viếng thăm chính thức Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất từ ngày 01 đến 03/12. Thời điểm quan trọng nhất của cuộc viếng thăm sẽ là ngày 02/12. Trong ngày này, Đức Thánh Cha sẽ có một bài diễn văn tại Dubai trước các nguyên thủ quốc gia và chính phủ, và sau đó là các cuộc gặp gỡ song phương.

Ngày hôm sau, trước khi trở về Roma, ngài sẽ khánh thành “Gian hàng Đức tin”. Gian hàng có 6 mục tiêu chính: 1) Truyền cảm hứng cho các lãnh đạo tôn giáo trở thành những tác nhân hành động cho khí hậu; 2) Chỉ ra các hành động cụ thể của các tổ chức và cộng đồng tôn giáo nhằm hạn chế biến đổi khí hậu bằng các chỉ số có thể đo lường được và cơ chế giám sát; 3) Tạo ra một liên minh toàn cầu gồm các nhà lãnh đạo tôn giáo cùng nhau làm việc vì khí hậu; 4) Khuyến khích các lãnh đạo tôn giáo tham gia đối thoại về khí hậu và truyền cảm hứng cho sự thay đổi; 5) Tăng cường hỗ trợ các hoạt động vì khí hậu; 6) Thống nhất và bảo đảm sự hiệp lực bao nhiêu có thể của các lãnh đạo tôn giáo hiện diện.

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin vào Chúa Nhật vừa qua, khi công bố sẽ tham dự COP 28, Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô cầu nguyện cho sự kiện toàn cầu này, để Hội nghị đạt được những mục tiêu mong đợi. Một mục tiêu thiết yếu là tạo nên cho cuộc sống – trong một thế giới ngày càng bị chia rẽ, xung đột và bạo lực – các chính sách chung và một sự cộng tác hiệu quả nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và xác minh tác động của biến đổi khí hậu. Trong cái nhìn này, Hội nghị phù hợp với Nền tảng hành động Laudato Si’ ra đời cách đây 2 năm, liên kết với thông điệp nhằm cung cấp các công cụ hữu ích để chăm sóc điều mà Đức Thánh Cha đã nhiều lần kêu gọi là “ngôi nhà chung của chúng ta”. Một sáng kiến được Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện nghiên cứu và đề ra các phản ứng để đối phó với cuộc khủng hoảng sinh thái và môi trường, một chủ đề cũng được trình bày trong Laudate Deum. Cũng trong buổi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã nhắc lại Nền tảng hành động Laudato Si’ ra đời cách đây 2 năm và cám ơn những ai đã tham gia sáng kiến, và khích lệ mọi người tiếp tục hành trình hoán cải sinh thái, đồng thời xin tất cả cầu nguyện cho Hội nghị về Biến đổi Khí hậu tại Dubai.

Abu Dhabi, các tôn giáo vì khí hậu

Cam kết của các tôn giáo đối với khí hậu cũng đã xuất hiện trong hai ngày làm việc, ngày 6 và 7/11 vừa qua tại Abu Dhabi với “Hội nghị Thượng đỉnh Liên tôn Toàn cầu về Hành động Khí hậu”. Hội nghị là một trong những sự kiện chuẩn bị cho COP28

Khoảng 30 nhà lãnh đạo tôn giáo đại diện cho các cộng đồng và truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới đã ký Tuyên bố liên tôn cam kết thúc đẩy cộng đồng của họ chống lại biến đổi khí hậu và kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện hành động cụ thể tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP28 vào tháng 12.

Được tài trợ bởi Tổng thống Mohamed bin Zayed Al Nahyan của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, và được tổ chức bởi Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo, cùng với sự cộng tác của Toà Thánh, Hội nghị cũng ghi nhận việc ký kết của các lãnh đạo tôn giáo vào tuyên bố chung về  “những hành động cần phải làm vì khí hậu”. Tài liệu – có chữ ký của Đức Hồng y Pietro Parolin, đại diện Đức Thánh Cha, và đại diện của Hồi giáo, Do Thái giáo, Phật giáo, và các tôn giáo khác – đã kêu gọi một sáng kiến “khẩn cấp và quyết định” để nhiệt độ không tăng quá 1,5 độ C. Các lãnh đạo đức tin còn kêu gọi việc hỗ trợ cho “các cộng đồng dễ bị tổn thương” bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thảm khốc do khí hậu biến đổi.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, ông Ahmed Al Jaber, Chủ tịch COP 28 đã cho rằng lời kêu gọi này là một tuyên bố mạnh mẽ về ý định mà cả thế giới cần phải lắng nghe. Trong viễn cảnh này, các lãnh đạo tôn giáo trở thành những người bảo vệ niềm tin và nguyện vọng của phần lớn những người đang sống trên hành tinh, là tiếng nói cho nhiều cộng đồng không được lắng nghe.

Đây là một sự kiện cũng được thế giới Hồi giáo mong đợi, như được tái khẳng định bởi Tổng Thư ký Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo Mohamed Abdelsalam. Theo ông, sự hợp tác giữa tín ngưỡng và khoa học là nền tảng, sự hiện diện của các lãnh đạo tôn giáo như Đức Thánh Cha là một minh chứng cho sự khẩn thiết của cuộc khủng hoảng.

Về phần Đức Hồng y Parolin, ngài nói vấn đề khí hậu có một chiều kích luân lý và đạo đức, là điều mà Toà Thánh rất nhấn mạnh. Các nhà lãnh đạo tôn giáo có tiếng nói để nói điều gì đó và tạo thêm động lực cho sự cam kết hiện tại của thế giới nhằm giải quyết vấn đề này. Quốc vụ khanh Toà Thánh khẳng định rằng Đức Thánh Cha rất quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu. Bằng chứng cho điều đó là hai văn kiện của Đức Thánh Cha, Laudato Si’, vốn thực sự là điểm tham khảo của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới và của nhiều chính phủ tại thời điểm diễn ra COP Paris, khi họ ký thoả thuận về biến đổi khí hậu; và bây giờ là Laudate Deum, một tài liệu cố gắng cập nhật Laudato Si’.

Mảnh đất truyền giáo và đối thoại

Đại diện Tông tòa Nam Ả Rập nói rằng yếu tố liên tôn trong việc giải quyết các vấn đề khí hậu là một điểm trung tâm. Và lặp lại những lời của Đức Thánh Cha “nhiệm vụ chung của các tôn giáo là bảo vệ và thăng tiến thụ tạo”, Đức cha Paolo Martinelli nhấn mạnh: “Một khía cạnh thú vị là các tôn giáo có thể quy tụ về những đề tài sinh thái, tìm ra mảnh đất màu mỡ để gặp gỡ, giải quyết, đối thoại và hiểu biết, điều vốn đang được mở rộng đến cả di sản tinh thần và giáo thuyết.”

Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng, Đức cha nhắc lại những điều đã viết trong thư mục vụ gần đây gửi các tín hữu trong khu vực: “Thiên Chúa kêu gọi chúng ta và thu hút chúng ta đến với Người qua nét đẹp của sự vật và cuộc sống. Chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đến cái đẹp, điều thiện và tình yêu. Cuộc sống là một ơn gọi.” Và vị Đại diện tiếp tục nhắc lại lời giảng dạy của Thánh Phanxicô Assisi và Bài ca Anh Mặt Trời, mời gọi các tín hữu “bảo vệ thụ tạo và môi trường – như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần dạy chúng ta – bởi vì vạn vật là dấu chỉ của Thiên Chúa. Chúng dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Chăm sóc thụ tạo là một phần của ơn gọi chúng ta, bởi vì thụ tạo là hồng ân của Chúa, Đấng mời gọi chúng ta yêu thương.”

Đức cha kết luận rằng vậy nếu cuộc sống là một ơn gọi yêu thương và được yêu thương, thì khi chăm sóc thiên nhiên, ngôi nhà chung, người Kitô hữu tìm được mảnh đất màu mỡ để thực hiện chính sứ vụ của mình và để thiết lập một tương quan đối thoại với Hồi giáo và các tôn giáo khác.

Ngọc Yến