HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN – Năm A

Nếu ngày mai tận thế hay ngày mai Chúa gọi tôi, tôi có sẵn sàng cầm đèn sáng đi đón Chúa không? Làm sao để ngọn đèn của tôi luôn luôn sáng?

Lời Chúa (Mt 25,1-13)

1 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này : “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. 2 Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô khôn. 3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. 4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. 5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. 6 Nửa đêm, có tiếng la lên : ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi !’ 7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. 8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng : ‘Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em sắp tắt rồi !’ 9 Các cô khôn đáp : ‘Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.’ 10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. 11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi : ‘Thưa Ngài, thưa Ngài ! mở cửa cho chúng tôi với !’ 12 Nhưng Người đáp : ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả !’ 13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

HỌC HỎI:

  1. Một đám cưới ngày xưa của người Do-thái ở Palestine diễn ra như thế nào?
  2. Đọc dụ ngôn trong bài Tin Mừng này, bạn có thấy những nét của một đám cưới ngày xưa như thế không?
  3. Tìm những điểm giống nhau và khác nhau giữa năm cô trinh nữ khôn và năm cô dại. Bạn thấy các cô dại có nhiều thiện chí không?
  4. Các cô trinh nữ tượng trưng cho ai? Chàng rể tượng trưng cho ai?
  5. Đọc Mt 25,4. Theo bạn, “dầu” tượng trưng cho điều gì? Thiếu “bình dầu” dự trữ là thiếu điều gì?
  6. Đọc Mt 25,8-9. Tại sao các cô khôn lại không chịu chia sẻ dầu dự trữ của mình cho các cô dại? Họ có thiếu bác ái không?
  7. Đọc Mt 25,11-12. Mẩu đối thoại này có thể xảy ra trong một đám cưới không? Đâu là điều Đức Giêsu muốn nói với chúng ta qua hai câu này? Đọc thêm Mt 7,21-24 và Lc 13,25.
  8. Theo bạn, Đức Giêsu kể dụ ngôn này với mục đích gì? Ngài muốn dạy ta điều gì? Đọc Mt 25,10.13 và Mt 24,42.

GỢI Ý SUY NIỆM:

Nếu ngày mai tận thế hay ngày mai Chúa gọi tôi, tôi có sẵn sàng cầm đèn sáng đi đón Chúa không? Làm sao để ngọn đèn của tôi luôn luôn sáng?

PHẦN TRẢ LỜI:

  1. Chúng ta không biết nhiều về hình thức đám cưới ở xứ Palestin vào thời Đức Giêsu. Tuy nhiên, ta cũng biết được một số nét chính. Trước hết là giai đoạn hứa hôn: chàng trai đem tiền cưới đến cho cha của cô gái, lúc đó cô khoảng mười ba hay mười bốn tuổi. Nếu được chấp thuận, hai cô cậu đã hứa hôn được coi như vợ chồng rồi về mặt pháp lý (x. Mt 1,19.24), vì thế nếu muốn chia tay, vị hôn phu phải viết giấy ly dị (x. Mt 1,19). Vị hôn thê sẽ tiếp tục sống với cha mẹ mình có khi cả năm trước khi về nhà chồng. Giai đoạn hai sẽ là lễ thành hôn, thường được cử hành lúc chiều tối. Chú rể, tức vị hôn phu, và nhà trai sẽ đi đến nhà gái để đón dâu. Cô dâu, tức vị hôn thê, sẽ được đưa về nhà chồng. Đám rước dâu trong buổi tối thật tưng bừng, với ca hát múa nhảy suốt đường đi, với đèn đuốc của các cô phù dâu đi theo, với họ hàng hai bên và bạn bè quan khách. Khi đám rước đến nhà trai, tiệc cưới bắt đầu và kéo dài cả tuần, với bao lời chúc mừng của những khách đến dự tiệc. Từ đó hai người bắt đầu sống chung như vợ chồng.
  2. Bài Tin Mừng này cho chúng ta một số chi tiết về đám cưới ngày xưa vào thời Đức Giêsu. Chú rể đi đón dâu vào ban đêm (Mt 25,6), các cô phù dâu có mang đuốc để đưa cô dâu về nhà chồng, sau đó có tiệc cưới ở nhà chú rể (Mt 25,10). Cũng có những chi tiết có vẻ không phù hợp với thực tế, như việc đóng cửa khi diễn ra tiệc cưới, hay câu từ chối kỳ lạ của chú rể đối với các cô đến muộn (x. Mt 25,11-12).
  3. Năm cô trinh nữ khôn và năm cô dại có nhiều điểm giống nhau. Tất cả đều là trinh nữ, nghĩa là chưa lập gia đình, đều làm nhiệm vụ phù dâu, đều mang theo “đèn” (đúng hơn là “đuốc”) để tham dự đám rước đưa cô dâu về nhà chồng. Tất cả đều ở nhà cô dâu, chờ đợi phái đoàn chú rể và nhà trai đến. Vì chú rể đến chậm mà trời đã khuya, nên mười cô đều thiếp đi và ngủ cả. Khi nghe báo chú rể đến, cả mười cô đều thức dậy, sửa soạn đèn đuốc của mình. Mười cô phù dâu, kể cả các cô dại, đều háo hức được dự lễ đưa dâu và được dự tiệc cưới ở nhà chú rể. Các cô dại không phải là không có những hành động thiện chí: họ đã xin các cô khôn cho dầu khi thấy đuốc của mình bị tắt; khi bị từ chối, họ đã vâng lời đi mua dầu (Mt 25,8-10); và khi có dầu rồi, họ đã xin được vào dự tiệc cưới (Mt 25,11). Nói chung, có nhiều điểm giống nhau giữa mười cô này. Chỉ có một khác biệt duy nhất giữa năm cô khôn và năm cô dại, đó là năm cô dại không đem thêm bình dầu dự trữ vì không nghĩ đến chuyện chú rể đến chậm, đèn sẽ hết dầu (Mt 25,3). Khi phải đi đưa dâu, thì họ không có đèn cháy sáng.
  4. Các cô trinh nữ ở đây tượng trưng cho chính chúng ta, những người thuộc về cộng đoàn kitô hữu. Chú Rể là Đức Giêsu. Chúng ta như các trinh nữ đang chờ mong ngày quang lâm của Đức Giêsu. Ngày Ngài trở lại có thể “đến chậm” (Mt 25,5), nên người tín hữu phải sẵn sàng ra đón Ngài vào bất cứ lúc nào với đèn đuốc sáng.
  5. Các cô trinh nữ khôn mang theo “bình dầu” dự trữ (Mt 25,4). Còn các cô dại thì không. Bình ở đây hầu chắc là bình bằng đất nung. Người ta có thể nhúng đầu quấn giẻ của đuốc vào bình dầu mỗi khi đuốc tắt. Như thế dầu rất quan trọng nếu muốn đuốc cháy sáng. Trong Tin Mừng Mát-thêu, dầu có thể tượng trưng cho “những công việc tốt đẹp” (ta kala erga), vì nhờ chúng mà ánh sáng của người môn đệ chiếu tỏa trước mặt mọi người (Mt 5,16). Nếu đèn sáng là dấu hiệu của tình bạn với Đức Kitô, thì dầu là bất cứ điều gì nuôi dưỡng tình bạn ấy.
  6. Các cô khôn không chịu chia sẻ dầu dự trữ của mình cho các cô dại không phải vì thiếu bác ái mà vì “sợ không đủ cho chúng em và các chị đâu” (Mt 25,9). Các cô khôn nghĩ rằng nếu mình chia sẻ dầu dự trữ cho các cô dại thì có thể xảy ra một chuyện không hay, đó là vào một lúc nào đó, tất cả các ngọn đuốc trong đám rước đều tắt ngúm vì tất cả đều hết dầu. Như thế đám rước trong đêm sẽ mất vui và gặp khó khăn khi di chuyển. Vậy giải pháp tốt nhất là: “các chị ra hàng mà mua cho mình thì hơn” (Mt 25,9). Hơn nữa, vào ngày có đám cưới, hàng quán thường mở cửa rất khuya.
  7. Tiệc cưới ở làng quê ngày xưa là một lễ vui cho mọi người, nên việc đóng cửa ở Mt 25,10 là chuyện lạ. Cuộc đối thoại giữa các cô trinh nữ đến chậm với chàng rể cũng lạ (Mt 25,11-12). Các cô dại xin được vào dự tiệc cưới, nhưng chàng rể từ chối: “Tôi không biết các cô là ai!” (x. Mt 7,21-24 và Lc 13,25). Ta không nên hiểu những câu trên theo nghĩa đen. “Cửa đóng” là hình ảnh của việc chấm dứt những cơ hội để được cứu độ vào ngày quang lâm của Đức Kitô. Khi cửa đã đóng rồi, thì không thể mở được nữa. Lối nói “tôi không biết các cô” cho thấy một sự từ chối dứt khoát mọi tương quan với người đang nói chuyện với mình.
  8. Mátthêu 25,13 cho thấy ý nghĩa của dụ ngôn mười trinh nữ. Đức Giêsu đòi ta phải luôn “sẵn sàng” (Mt 25,10) và “canh thức” (Mt 25,13; x. 24,42) vì chúng ta không biết ngày giờ Ngài quang lâm. “Sẵn sàng” là lúc nào cũng có đèn thắp sáng để nghênh đón Đức Kitô trở lại. “Canh thức” không phải là không ngủ, nhưng là luôn thi hành theo đúng ý Thiên Chúa trong cuộc sống.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thu âm lớp học do Anh Tuấn thực hiện: