Tiếng nói của các Giáo hoàng về Giêrusalem và Thánh Địa
Từ năm 1948, khi Israel lập quốc, cho đến nay, các Giáo hoàng luôn khẳng định quan điểm của Toà Thánh về tính chất đặc biệt của thành Giêrusalem, cũng như khẳng định giải pháp hai Nhà nước như là con đường duy nhất để tiến tới sự chung sống hoà bình của Israel và Palestine
Từ một tháng qua, Thánh Địa trở thành điểm nóng được báo chí thế giới không ngừng đưa tin sau cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 7/10/2023 của quân Hồi giáo Hamas ở Gaza vào các làng của người Do Thái sống quanh Dải Gaza, lấy đi sinh mạng của hơn 1.000 người và bắt cóc khoảng 250 người. Sau đó là phản ứng trả đũa của Israel, với những cuộc dội bom vào Dải Gaza, tính đến nay đã khiến cho khoảng 11.000 người chết, trong đó khoảng một nửa là trẻ em. Dải Gaza do Hamas kiểm soát đang rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng khi bị Israel phong tỏa, cắt nguồn điện nước, lương thực, vật tư y tế, nhiên liệu, viễn thông,… Quan chức Liên Hiệp Quốc gọi Gaza là “địa ngục trần gian, nghĩa địa của hàng ngàn trẻ em”.
Các lãnh đạo các nước kêu gọi hai bên ngừng bắn, đàm phán để tránh gây thương vong cho dân thường. Tuy nhiên phía Israel nói rõ rằng họ không có ý định ngừng bắn vào lúc này. Thủ tướng Bẹnamin Netanyahu tái tuyên bố sẽ không chấp nhận ngừng bắn cho đến khi Hamas trả tự do cho tất cả con tin.
Giải pháp hai Nhà nước và quy chế đặc biệt cho Giêrusalem
Từ khi cuộc xung đột bùng nổ, Toà Thánh, đặc biệt là Đức Thánh Cha Phanxicô đã không ngừng kêu gọi ngừng bắn, kêu gọi hai bên ngồi vào bàn đối thoại để tìm ra giải pháp hoà bình trong công lý. Toà Thánh luôn khẳng định giải pháp hai Nhà nước (Israel-Palestine) vẫn mang lại hy vọng cho một nền hòa bình dựa trên công lý và tôn trọng những nguyện vọng chính đáng của cả hai bên, và là con đường duy nhất để chấm dứt chu kỳ bạo lực lâu dài tại Thánh Địa.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây của Đài Truyền hình TG1 của Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại rằng người Israel và người Palestine là hai dân tộc phải chung sống với nhau, với giải pháp sáng suốt hai dân tộc hai Nhà nước và một quy chế đặc biệt cho Giêrusalem. Qua đó, một lần nữa Đức Thánh Cha tái khẳng định lập trường của Vatican về Thánh Địa từ khi Israel lập quốc vào năm 1948, dưới thời Đức Giáo hoàng Pio XII.
Đức Pio XII: đặc tính quốc tế của Thành Thánh Giêrusalem
Trong Thông điệp In multiplicibus curis, ban hành năm 1948, Đức Piô XII đã nhắc lại đặc tính quốc tế của Thành Thánh Giêrusalem: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng những lời cầu xin và những khát vọng này, dấu hiệu cho thấy giá trị mà phần lớn gia đình nhân loại gắn liền với những nơi thánh, sẽ củng cố các diễn đàn, trong đó thảo luận về các vấn đề hoà bình, thuyết phục về cơ hội trao cho Giêrusalem và vùng phụ cận, nơi có rất nhiều hồi ức quý giá về cuộc đời và cái chết của Đấng Cứu Thế, một đặc tính quốc tế mà trong hoàn cảnh hiện tại dường như đảm bảo tốt hơn cho việc bảo vệ các nơi thánh. Tương tự như vậy, sẽ cần phải được bảo vệ bằng những đảm bảo quốc tế cả về quyền tự do tiếp cận các nơi thánh nằm rải rác trên khắp Palestine, cũng như quyền tự do thờ phượng và tôn trọng các phong tục và truyền thống tôn giáo.”
Năm sau đó – năm 1949 – trong Thông điệp Redemptoris nostris – Đức Piô XII một lần nữa yêu cầu mọi người “hành động bằng mọi cách thế hợp pháp, để các nhà cầm quyền và tất cả những người chịu trách nhiệm quyết định một vấn đề quan trọng như vậy được thuyết phục trao cho thành thánh và các khu vực xung quanh nó một tình trạng pháp lý thuận lợi, nơi mà sự ổn định của nó, trong hoàn cảnh hiện tại, chỉ có thể được bảo đảm bằng sự hiểu biết chung của các quốc gia yêu chuộng hoà bình và tôn trọng quyền của người khác. Nhưng cũng cần phải bảo vệ tất cả các nơi thánh, không chỉ ở Giêrusalem và vùng lân cận mà còn ở các thành phố và làng mạc khác của Palestine.”
Đức Phaolô VI: Giêrusalem là thành phố mở và bất khả xâm phạm
Sau đó, trước cuộc Chiến tranh Sáu ngày vào năm 1967, Đức Phaolô VI đã viết một sứ điệp cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc vào ngày 5/6: “Chúng tôi vô cùng đau buồn và quan ngại về những diễn biến của các sự kiện ở Trung Đông và trong khi chúng tôi cầu nguyện để lòng thương xót Chúa bảo vệ khu vực đó và thế giới khỏi đau khổ và huỷ diệt, chúng tôi yêu cầu quý vị nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng Liên Hiệp Quốc có thể ngăn chặn xung đột. Chúng tôi nhân danh Kitô giáo bày tỏ niềm hy vọng mãnh liệt rằng, trong trường hợp không may, điều chúng tôi tin tưởng chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra, tình hình trở nên tồi tệ hơn, Giêrusalem có thể, do tính chất thiêng liêng và thánh thiện đặc biệt của nó, được tuyên bố là một thành phố mở và bất khả xâm phạm.”
Và hai ngày sau, trong buổi tiếp kiến chung, ngài lặp lại lời kêu gọi “sự an toàn của các nơi thánh; trên thực tế, mối quan tâm lớn đối với tất cả con cháu của dòng dõi thiêng liêng của Tổ phụ Abraham, người Do Thái, người Hồi giáo, Kitô hữu, là Giêrusalem được tuyên bố là một thành phố mở, và không có bất kỳ hoạt động quân sự nào, vẫn thoát khỏi các hậu quả của chiến tranh vốn đã ảnh hưởng đến nó và thậm chí còn dễ dàng đe doạ nó hơn. Chúng tôi đưa ra lời kêu gọi nhân danh tất cả các Kitô giáo đang run sợ vì lý do này, thực sự, vì mục đích này, chúng tôi đóng vai trò là người diễn giải của toàn thể thường dân bên cạnh các lãnh đạo của các quốc gia đang xung đột và cho các nhà lãnh đạo quân sự của các quân đội chiến đấu rằng: cầu mong Giêrusalem thoát khỏi chế độ chiến tranh, và cầu mong thành thánh vẫn là nơi ẩn náu cho những người không có khả năng tự vệ và những người bị thương, một biểu tượng của hy vọng và hòa bình cho tất cả mọi người.”
Đức Gioan Phaolô II: bảo tồn tính thánh thiêng, độc đáo và không thể thay thế của thành
Năm 1984 với Tông thư Redemptionis Anno, Đức Gioan Phaolô II cũng quay trở lại vấn đề Giêrusalem và Thánh Địa, nhắc lại đường lối của Toà Thánh. “Các Giáo hoàng Roma, đặc biệt là trong thế kỷ này, luôn lo lắng theo dõi các sự kiện đau thương liên quan đến Giêrusalem trong nhiều thập kỷ và đã hết sức chú ý đến những tuyên bố của các tổ chức quốc tế quan tâm đến Thành Thánh. Trong nhiều trường hợp, Toà Thánh đã mời gọi suy tư và kêu gọi tìm ra một giải pháp thích hợp cho vấn đề phức tạp và tế nhị này. Toà Thánh làm như vậy bởi vì Toà Thánh quan tâm sâu sắc đến hòa bình giữa các dân tộc, không kém gì các lý do thiêng liêng, lịch sử, văn hoá mang đậm tính chất tôn giáo. Toàn thể nhân loại, trước hết là các dân tộc và các quốc gia, những người có các anh em trong đức tin ở Giêrusalem, các Kitô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo, có lý do để cảm thấy tham gia và làm mọi điều có thể để bảo tồn tính thánh thiêng, độc đáo và không thể thay thế của thành phố này. Không chỉ các di tích hay các nơi thánh, mà toàn bộ Giêrusalem lịch sử và sự tồn tại của các cộng đồng tôn giáo, tình cảnh của họ, tương lai của họ không thể không là điều được mọi người quan tâm và chú ý. Trên thực tế, cần phải tìm ra, với thiện chí và tầm nhìn xa, một cách thức cụ thể và công bằng trong đó các lợi ích và nguyện vọng khác nhau được thể hiện một cách hài hoà và ổn định và được bảo vệ một cách đầy đủ và hiệu quả bởi một quy chế đặc biệt được quốc tế bảo đảm, để bên này hay bên kia không thể đưa quy chế trở lại tình trạng phân biệt đối xử. Tôi cũng cảm thấy nhiệm vụ cấp bách, trước các cộng đồng Kitô hữu, những người tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất và cam kết bảo vệ các giá trị cơ bản của con người, phải nhắc lại rằng vấn đề Giêrusalem là vấn đề nền tảng cho hòa bình chính đáng ở Trung Đông. Tôi tin rằng căn tính tôn giáo của thành phố và đặc biệt là truyền thống chung về đức tin độc thần có thể mở đường cho việc thúc đẩy sự hòa hợp giữa tất cả những người cảm thấy Thành Thánh là của riêng họ.”
Vấn đề “hai dân tộc và hai quốc gia”
Đức Gioan Phaolô II sau đó đã đề cập đến vấn đề “hai dân tộc và hai quốc gia”. Ngài viết: “Trong bối cảnh này, điều tự nhiên là phải nhớ rằng trong khu vực, hai dân tộc, người Israel và người Palestine, đã đối đầu nhau trong nhiều thập kỷ trong một sự đối kháng dường như không thể giảm bớt được. Giáo Hội nhìn lên Chúa Kitô Cứu Thế và nhìn thấy hình ảnh của Người nơi khuôn mặt của mỗi người, kêu gọi hoà bình và hòa giải cho các dân tộc trên mảnh đất vốn là của Người. Đối với những người Do Thái sống ở Nhà nước Israel và những người ở vùng đất đó lưu giữ những chứng tích quý giá về lịch sử và đức tin của họ, chúng tôi phải kêu gọi sự an toàn được mong muốn và sự yên bình đúng đắn vốn là đặc quyền của mọi quốc gia và điều kiện sống và tiến bộ cho mỗi xã hội. Người dân Palestine, những người có nguồn gốc lịch sử ở vùng đất đó và đã sống phân tán trong nhiều thập kỷ, có quyền tự nhiên, theo công lý, tìm được một quê hương và có thể sống trong hoà bình và yên bình với các dân tộc khác trong khu vực.”
Đức Biển Đức XVI: hai dân tộc có thể sống trong hoà bình trên quê hương của họ
Khi thăm Israel vào tháng 5/2009, Đức Biển Đức XVI, đã xác nhận lập trường của vị tiền nhiệm. Ngài nói: “Trong thời gian ở Giêrusalem, tôi cũng sẽ hân hạnh được gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo lỗi lạc của đất nước này. Một điểm chung của ba tôn giáo độc thần lớn là sự tôn kính đặc biệt đối với Thành Thánh này. Tôi tha thiết hy vọng rằng tất cả những người hành hương đến các nơi thánh sẽ có cơ hội đến các nơi này một cách tự do và không bị hạn chế, tham dự các nghi lễ tôn giáo và thúc đẩy việc bảo trì xứng đáng các cơ sở thờ phượng ở các nơi thánh. Mặc dù cái tên Giêrusalem có nghĩa là ‘thành phố hoà bình’, nhưng rõ ràng là trong nhiều thập kỷ hoà bình đã vuột khỏi tầm tay những cư dân của miền đất thánh này một cách bi thảm. Thế giới đang hướng nhìn về người dân trong khu vực này khi họ đấu tranh để đạt được một giải pháp công bằng và lâu dài cho những cuộc xung đột đã gây ra quá nhiều đau khổ. Niềm hy vọng của vô số người nam nữ và trẻ em về một tương lai an toàn và ổn định hơn phụ thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán hoà bình giữa người Israel và người Palestine. Hợp với tất cả những người thiện chí, tôi khẩn cầu những người có trách nhiệm khám phá mọi cách thế có thể để tìm ra giải pháp công bằng cho những khó khăn to lớn, để cả hai dân tộc có thể sống trong hoà bình trên quê hương của họ, bên trong các biên giới an toàn và được quốc tế công nhận.”