22/01/2025

ĐTC Phanxicô: Thần học phải giải thích Tin Mừng cho thế giới ngày nay

ĐTC Phanxicô: Thần học phải giải thích Tin Mừng cho thế giới ngày nay

Đức Thánh Cha trong một buổi Tiếp kiến chung (VATICAN MEDIA Divisione Foto)

Trong tự sắc ban hành ngày 1/11/2023 có tên “Ad theologiam promovendam”, Đức Thánh Cha đã cập nhật quy chế của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Thần học và nói rằng thần học là một môn học siêu việt nhưng đồng thời chú ý đến tiếng nói của con người”.

Đức Thánh Cha gọi việc cập nhật quy chế này là “cuộc cách mạng văn hoá can đảm” và dấn thân đối thoại dưới ánh sáng của Mặc khải.

Hàn lâm viện Toà Thánh về Thần học

Hàn lâm viện Toà Thánh về Thần học được Đức Clemente XI thành lập vào ngày 23/4/1718, nhắm “đặt thần học để phục vụ Giáo hội và thế giới”. Hàn lâm viện này đã phát triển qua nhiều năm thành một “nhóm học giả được kêu gọi để nghiên cứu và đào sâu các chủ đề thần học đặc biệt quan trọng”.

Theo Đức Thánh Cha, đã đến lúc phải xem lại các quy tắc điều chỉnh các hoạt động của Hàn lâm viện về thần học để làm cho chúng “phù hợp hơn với sứ mạng mà thời đại chúng ta đưa ra cho thần học”.

Một nền thần học có khả năng đọc và giải thích Tin Mừng trong những hoàn cảnh  sống

Mở lòng ra với thế giới và nhân loại, “với những vấn đề, những vết thương, những thách thức và tiềm năng của nó”, suy tư thần học phải dành chỗ cho “một việc suy nghĩ lại về nhận thức luận và phương pháp luận”, và do đó được kêu gọi thực hiện “một cuộc cách mạng văn hóa can đảm”.

Điều cần thiết là, Đức Thánh Cha nói tiếp, “một nền thần học theo bối cảnh cơ bản, có khả năng đọc và giải thích Tin Mừng trong những điều kiện mà con người nam nữ sống hàng ngày, trong những môi trường địa lý, xã hội và văn hoá khác nhau”.

Mở ra với mọi người

Trong tự sắc mới Đức Thánh Cha nói rằng thần học phải “phát triển trong một nền văn hoá đối thoại và gặp gỡ giữa các truyền thống khác nhau và các ngành khác nhau, giữa các hệ phái Kitô giáo khác nhau và các tôn giáo khác nhau”; phải tương tác “cách cởi mở với tất cả mọi người, cả những người có đức tin cũng như những người không có niềm tin”.

“Cách tiếp cận xuyên ngành”

Đức Thánh Cha xác định “đây là cách tiếp cận xuyên ngành”. Do đó, thần học phải “sử dụng các phạm trù mới được phát triển bởi các hình thức hiểu biết khác, để thâm nhập và truyền đạt các chân lý đức tin cũng như truyền tải giáo huấn của Chúa Giêsu bằng các ngôn ngữ ngày nay, với tính độc đáo và nhận thức phê bình”.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha nói rằng thần học có thể đóng góp “vào cuộc tranh luận hiện nay về ‘tư tưởng suy nghĩ lại’, chứng tỏ rằng, với tư cách là một môn học khôn ngoan, thần học là một môn học phê bình thực sự”.

Thần học mang tính thiêng liêng

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng thần học không được là một môn học “trừu tượng và ý thức hệ, nhưng mang tính thiêng liêng”, “được thực hiện bằng cách quỳ gối, suy tư trong thờ lạy và cầu nguyện; một môn học siêu việt, đồng thời, chú ý đến tiếng nói của con người”.

Thần học mang dấu ấn mục vụ

Đó là một “nền thần học bình dân, đề cập một cách nhân từ đến những vết thương mở của nhân loại và thụ tạo cũng như trong khuôn khổ lịch sử nhân loại, nơi thần học báo trước về niềm hy vọng về một sự viên mãn cuối cùng”.

Trong thực tế, đối với Đức Thánh Cha, thần học nói chung phải mang “dấu ấn mục vụ”, và do đó, suy tư thần học phải bắt đầu “từ những bối cảnh và hoàn cảnh cụ thể khác nhau mà các dân tộc sống”, đặt mình “để phục vụ việc truyền giáo”.

Vatican News