22/01/2025

Trung tâm Truyền hình Vatican: 40 năm phục vụ Đức Giáo hoàng và hướng tới tương lai

Trung tâm Truyền hình Vatican: 40 năm phục vụ Đức Giáo hoàng và hướng tới tương lai

40 năm thành lập Trung tâm Truyền hình Vatican

Cách đây 40 năm, vào ngày 22 tháng 10 năm 1983, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ký Phúc chiếu thành lập Centro Televisivo Vaticano (Trung tâm Truyền hình Vatican), với tên gọi tắt là CTV, một cơ quan phát thanh và truyền hình chính thức của Tòa Thánh, với mục đích “trả lời cho nhiều câu hỏi về hoạt động hiệu quả hơn của Giáo hội liên quan đến truyền thông xã hội, đặc biệt là truyền thông nghe nhìn, và để cung cấp các công cụ mới để thực hiện sứ mạng phổ quát của Giáo hội trên thế giới”.

Nói cụ thể hơn, mục đích thành lập Trung tâm Truyền hình Vatican là để truyền bá việc loan báo Tin Mừng, bắt đầu từ tài liệu truyền hình về những hoạt động của Đức Giáo Hoàng và các thành viên khác của Toà Thánh.

Trong 40 năm, Trung tâm Truyền hình Vatican – kể từ năm 2017, với cuộc cải cách của các phương tiện truyền thông Vatican, đã mang tên là Vatican Media – đã phát sóng trực tiếp tất cả các hoạt động của Đức Thánh Cha, bao gồm các chuyến thăm mục vụ, ở Ý và nước ngoài, và cách tổng quát hơn là các sự kiện diễn ra tại Vatican.

Ngày nay, Vatican Media là một điểm tham khảo rất quan trọng liên quan đến những tin tức chính thức của Tòa Thánh. Được lãnh đạo bởi ông Stefano d’Agostini, kênh truyền hình này là một phần của Liên minh Phát thanh Truyền hình Châu Âu.

Tầm nhìn xa và sự quan tâm đến truyền thông của Đức Gioan Phaolô II

Theo ông Stefano D’Agostini, giám đốc hiện tại của Vatican Media, “Tầm nhìn xa và sự quan tâm đến các phương tiện truyền thông” là hai đặc điểm của Thánh Gioan Phaolô II. Ông D’Agostini nhấn mạnh: “Qua phúc chiếu giáo hoàng do ngài ký và quy chế thành lập sau đó, trong đó tính chất, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định rõ ràng hơn, hoạt động truyền hình của Tòa Thánh bắt đầu”.

Ông D’Agostini nhắc lại rằng “Các giai đoạn quan trọng khác là phúc chiếu thứ hai của Giáo hoàng ngày 25 tháng 11 năm 1996, trong đó Đức Gioan Phaolô II công nhận Trung tâm Truyền hình Vatican là một trong những tổ chức được kết nối hoàn toàn với Tòa Thánh, đưa Trung tâm từ một giai đoạn thử nghiệm đến một giai đoạn phát triển cụ thể hơn, và ngày 1 tháng 6 năm 1998, quy chế mới có hiệu lực, trong đó xác định rõ hơn các nhiệm vụ, xác định các hành động và tổ chức để phù hợp với bối cảnh truyền thông toàn cầu”.

Một điểm tham chiếu

Giám đốc của Vatican Media thuật lại rằng trong buổi tiếp kiến ​​do Đức Gioan Phaolô II tổ chức, ông Emilio Rossi, cựu chủ tịch hội đồng quản trị của Trung tâm Truyền hình Vatican, “đã giới thiệu Trung tâm như một đứa trẻ sắp bước vào tuổi thiếu niên và sự trưởng thành sau đó”. Theo ông D’Agostini, đây là một sự so sánh rất thực tế, vì trong những năm tiếp theo, đặc biệt là trong Năm Thánh 2000, sự phát triển của Trung tâm Truyền hình Vatican ở cấp độ quốc tế và trong lĩnh vực sản phẩm đã tăng tốc hướng tới việc được công nhận hoàn toàn là cơ quan tham chiếu cho việc sản xuất truyền hình của Tòa Thánh và các hoạt động của Đức Thánh Cha.

Ông Stefano D’Agostini muốn bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt tới “tất cả những người tin tưởng chắc chắn vào tầm quan trọng của một tổ chức hiệu quả của Tòa Thánh, đã dẫn dắt sự khẳng định và phát triển của Trung tâm Truyền hình Vatican trong thời gian qua: Đức Hồng Y John Patrick Foley, Fiorenzo Tagliabue, Sandro Baldoni, Emilio Rossi, Cha Antonio Stefanizzi, Ugo Moretto, Cha Federico Lombardi và Đức ông Dario Edoardo Viganò, người đã lãnh đạo Trung tâm nhân kỷ niệm 30 năm hoạt động, hướng tới các mục tiêu công nghệ tiên tiến (sản xuất 3D và 4K) cũng như truyền hình cấp cao và sản xuất phim, ví dụ như bộ phim “A Man of His Word” của đạo diễn Wim Wenders.

Hướng đến Năm Thánh 2025

Ông D’Agostini kết luận: “Tinh thần phát triển của những năm đầu tiên chưa bao giờ mất đi, ngay cả trong Bộ Truyền Thông ngày nay sau cuộc cải cách do Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn, với tất cả những lợi thế của một hướng đi chung của các phương tiện truyền thông Vatican và các cơ quan liên kết. Do đó, Trung tâm Truyền hình Vatican – Vatican Media tiếp tục phát triển và nghiên cứu, cũng thông qua các ngôn ngữ truyền hình mới, để thực hiện sứ mạng phổ quát là phổ biến hình ảnh của Đức Thánh Cha và huấn quyền của ngài trên mọi phương tiện nghe nhìn và để đảm bảo một nguồn lưu trữ độc đáo và cần thiết cho các nhà sử học tương lai. Giai đoạn tiếp theo là Năm Thánh 2025 dưới ánh sáng của các công nghệ sản xuất mới và các nền tảng phổ biến mới”.

Đức ông Viganò: sức mạnh gợi tưởng của hình ảnh

Theo Đức ông Dario Edoardo Viganò, chủ tịch của tổ chức Những Ký ức Nghe nhìn của Công giáo và phó Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội, tầm nhìn hết sức hợp thời của Đức Gioan Phaolô II, người đã hiểu được rằng các câu chuyện và chuyện kể cũng cần đến hình ảnh, là cơ sở cho sự ra đời của Trung tâm Truyền hình Vatican vào bốn mươi năm trước. Nghĩa là ngài đã cảm nhận được sự thay đổi trong chiến lược truyền thông, động lực, ngôn ngữ và hình thức của nó. Trung tâm Truyền hình Vatican không chỉ kể câu chuyện về Giáo hoàng, mà qua nhiều năm, nó đã trở thành một cơ cấu giúp tạo ra các nguồn nghe nhìn quan trọng đối với lịch sử. Đức ông Viganò đưa ra một ví dụ về sức mạnh gợi nhớ của hình ảnh: “Nếu chúng ta nói về Đức Giáo hoàng và Covid, chúng ta nghĩ ngay đến Đức Giáo hoàng khi ngài cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô trong Statio Orbis, buổi cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt vào tối ngày 27 tháng 3 năm 2020”.

Cha Lombardi: những tường thuật “lịch sử” của Trung tâm Truyền hình Vatican

Còn Cha Federico Lombardi, hiện là chủ tịch Tổ chức Ratzinger, Giám đốc Trung tâm Truyền hình Vatican từ năm 2001 đến 2013, nhớ lại rằng trước khi Thánh Gioan Phaolô II thành lập Trung tâm Truyền hình Vatican, ở Vatican, chúng ta phải nhờ đến đài truyền hình Rai trong tất cả các sự kiện lớn và truyền hình của họ. Cha nói: “Với Trung tâm Truyền hình Vatican, Vatican đã dần dần trở nên có khả năng hơn và tự chủ hơn trong việc truyền phát đến toàn bộ thế giới các hình ảnh trực tiếp và được ghi lại”. Vào thời điểm được bổ nhiệm, Cha Lombardi đã là giám đốc Đài phát thanh Vatican. Cha nhắc lại: “Nhiệm vụ mới này đã cho phép tôi có một tầm nhìn đầy đủ hơn và đóng góp rộng rãi hơn cho công tác truyền thông của Tòa Thánh, không chỉ từ quan điểm thông tin và nội dung âm thanh, mà còn từ quan điểm hình ảnh, đó là điều hết sức nền tảng”.

Cha Lombardi chia sẻ tiếp: “Ký ức mạnh mẽ nhất của tôi là đã đồng hành cùng Trung tâm Truyền hình Vatican trong toàn bộ giai đoạn cuối cùng khi Đức Gioan Phaolô II bị bệnh, sau đó là sự qua đời của ngài, mật nghị và sau đó là sự khởi đầu của triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô. Trung tâm Truyền hình Vatican được công nhận là dịch vụ truyền hình có khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình trong bối cảnh mới của truyền hình thế giới”. Cha cho biết “Việc phát sóng những hình ảnh Đức Gioan Phaolô II, người được cả thế giới vô cùng yêu mến, với những dấu hiệu rõ ràng về sự phát triển của căn bệnh, là một điều rất khó khăn. Điều này đã được trải nghiệm một cách sâu sắc bởi tất cả các nhân viên của Trung tâm Truyền hình, những người cảm thấy có trách nhiệm phải truyền đạt cho thế giới một con người được mọi người yêu mến trong sự mỏng manh về thể chất của ngài, với sự chân thật và sự tôn trọng, bởi vì ngài muốn tiếp tục làm Giáo hoàng và tích cực tham gia vào đời sống Giáo hội. Việc quay phim chụp hình và truyền tải lại bằng các hình ảnh của ngài là đáp lại ý muốn cũng như cách thức hướng dẫn và phục vụ Giáo hội và nhân loại của ngài trong những năm đó, ngay cả khi ngài đang bị bệnh”. Theo cha, “làm tốt điều đó trong khi tôn trọng ý định của ngài và đồng thời tôn trọng phẩm giá của một người bệnh rõ ràng là một điều rất khó khăn. Trong những năm đó, tôi rất tôn trọng những người điều hành và tất cả các kỹ thuật viên Trung tâm Truyền hình Vatican về cách họ thực hiện nhiệm vụ này. Và tôi cũng vô cùng biết ơn Đức ông Stanislaw Dziwisz (sau này là Hồng y của Tổng giáo phận Krakow, Ba Lan), người đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều khi cho chúng tôi những lời khuyên, đồng hành cùng chúng tôi và hiểu rất rõ sự dấn thân trong công việc của chúng tôi”.

Những tường thuật lịch sử

Theo Cha Lombardi, sự kiện quan trọng nhất được Trung tâm Truyền hình Vatican truyền phát khi ngài còn làm giám đốc Trung tâm Truyền hình Vatican là sự kiện “Đức Giáo Hoàng (Gioan Phaolô II) đau bệnh tham gia buổi suy niệm Via Crucis – Đàng Thánh Giá – lần cuối cùng tại Đấu trường Colosseo. Và cha cũng nhớ lại một “lần phát sóng lịch sử vĩ đại khác (của Trung tâm Truyền hình Vatican), dưới sự chỉ đạo của Đức ông Dario Viganò, đó là Đức Bênêđictô XVI, người đã từ nhiệm vào năm 2013, với chuyến bay trực thăng từ Vatican đến Castel Gandolfo. Mong muốn của Cha Lombardi nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập của Trung tâm Truyền hình Vatican – Vatican Media là nó “tiếp tục thực hiện vai trò như đã làm trong những năm qua, phát triển dần dần và luôn chứng tỏ sự phục vụ cao độ của mình”.

Sự phong phú của kho lưu trữ

Điều đáng lưu ý và đặc biệt quý giá ngày nay là kho lưu trữ các bản ghi âm nghe nhìn thuộc quyền sở hữu của Trung tâm Truyền hình Vatican: lưu giữ và phân loại mọi thứ được sản xuất từ ​​​​năm 1984 đến ngày nay bằng hệ thống máy tính tiên tiến chạy trong môi trường không khí được kiểm soát. Trong đó, video thánh lễ phong thánh cho 117 vị thánh tử đạo Việt Nam và buổi tiếp kiến sau đó vẫn được lưu giữ ở chất lượng cao.

Paolo Ondarza