22/01/2025

Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục sẽ công bố “Thư gửi Dân Chúa” vào ngày 25/10/2023

Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục sẽ công bố “Thư gửi Dân Chúa” vào ngày 25/10/2023

Paolo Ruffini, Chủ tịch Uỷ ban Thông tin của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16

Trong cuộc họp báo chiều ngày 23/10/2023, ông Paolo Ruffini, Chủ tịch Uỷ ban Thông tin của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16, cho biết bản thảo “Thư gửi Dân Chúa” đã được đọc trong Đại hội, đón nhận những đề nghị thay đổi và bổ sung, và sẽ được phê duyệt và công bố vào thứ Tư 25/10. Trong khi đó, “Tài liệu Tổng hợp” sẽ được công bố vào tối thứ Bảy 28/10.

Áp dụng phương pháp hiệp hành trong Giáo hội

Một câu hỏi được đưa ra trong cuộc họp báo đề cập đến phương pháp được chọn cho Đại hội và khả năng áp dụng nó trong Giáo hội ở mọi cấp độ, đồng thời mở rộng sự tham gia của giáo dân và phụ nữ, Đức Hồng y Christoph Schönborn, Dòng Đaminh, Giám mục của Vienna, nhắc lại bài phát biểu của ngài vào năm 2015 về chủ đề tính hiệp hành, giải thích rằng bắt đầu từ Công đồng Giêrusalem, trước hết và quan trọng nhất, phương pháp là lắng nghe, nghĩa là lắng nghe những gì Thiên Chúa thể hiện qua kinh nghiệm bước đi. Kết luận của Thượng Hội đồng đến từ việc lắng nghe này, từ sự phân định chung.

Đức Hồng y chia sẻ về kinh nghiệm làm việc tại Tổng Giáo phận Vienna của ngài: từ năm 2015 cho đến nay đã có 5 hội nghị giáo phận với 1400 người tham gia, một biểu hiện của toàn thể dân Chúa. Ngài nói, ngay cả khi không có cuộc bỏ phiếu nào được thực hiện, thì việc lắng nghe và hiệp thông vẫn được trải nghiệm. Ngài nhấn mạnh rằng điều quan trọng là cuối cùng phải đạt được các quyết định. Thực vậy, Công đồng Giêrusalem đã đưa ra một quyết định căn bản về lịch sử Giáo hội; và con đường đạt được điều đó như chúng ta đọc trong Công vụ Tông đồ. Phương pháp này được đặc trưng bởi ba giai đoạn: lắng nghe, thinh lặng và thảo luận.

Tính toàn vẹn của Thượng Hội đồng Giám mục

Trả lời những lời chỉ trích và đặt câu hỏi về tính toàn vẹn của Thượng Hội đồng Giám mục vì nó bao gồm các đại biểu giáo dân, Đức Hồng y Schönborn nói rằng đây không phải là vấn đề, vì Thượng Hội đồng vẫn là một Thượng Hội đồng Giám mục mặc dù có sự tham gia thực sự của các thành phần giáo dân. Nó tạo thành một cơ quan nhằm thực hiện trách nhiệm tập thể. Bản chất của nó không thay đổi; nó chỉ được mở rộng và trải nghiệm chắc chắn là tích cực. Mặt khác, Đức Hồng y cho biết, luôn luôn có các chuyên gia giáo dân, với một số phát biểu rất quan trọng, nhưng giờ đây có một mối quan hệ gần gũi hơn nhiều: một Thượng Hội đồng Giám mục với sự tham gia rộng rãi hơn.

Sự chia rẽ của các Kitô hữu là một trở ngại cho việc làm chứng tá

Đối với sự nghi ngờ liệu việc mất đi tính hiệp hành có dẫn đến sự chia rẽ trong Giáo hội hay không, và ở mức độ nào tất cả các Giáo hội có thể được mời đi vào một con đường chung, Đức Hồng y Schönborn đã chỉ ra rằng sự chia rẽ của các Kitô hữu là một trở ngại cho việc làm chứng tá; nhưng, nhắc lại những lời của một tu sĩ Chính thống Coptic, Đức Hồng y nói rằng có lẽ Thiên Chúa cho phép điều “xấu hổ” này vì chúng ta chưa có khả năng tận dụng tốt sự hiệp nhất vì lợi ích của nhân loại.

Việc sửa lại Giáo lý Công giáo

Liên quan đến việc một số người thuộc nhóm LGBT có thể cảm thấy bị tổn thương bởi những lời trong Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo đề cập đến “sự rối loạn” luân lý, Đức Hồng y Schönborn nhắc lại rằng ngài là Tổng Thư ký của Uỷ ban soạn thảo Sách Giáo lý. Ngài nói, đó là công việc của Giáo hội, được Đức Giáo hoàng ban hành. Và kể từ đó chỉ có một sự thay đổi duy nhất, khi Đức Thánh Cha Phanxicô thay đổi về phần án tử hình. Việc có những thay đổi khác hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Đức Thánh Cha. Sau đó Đức Hồng y khuyên nên luôn đọc toàn bộ các văn bản. Ngài nói thêm, đây là những vấn đề liên quan đến thần học luân lý, nhưng nguyên tắc là có một trật tự khách quan và có những con người. Họ luôn có quyền được tôn trọng, ngay cả khi họ phạm tội, và có quyền được Chúa chấp nhận như họ vốn có.

Tính bất biến của giáo lý và cách thức trình bày giáo lý

Cuối cùng, về mối quan hệ giữa tính thời sự của huấn quyền với sự đóng góp của các nhà thần học và “sensum fidelium”, một lần nữa Đức Hồng y Schönborn giải thích rằng chúng ta cần nhìn vào Thánh Gioan XXIII và những gì ngài đã nói khi bắt đầu Công đồng Vatican II về tính bất biến của giáo lý và cách thức trình bày giáo lý. Ngài nói thêm, có những điều rất phát triển ở mức độ hiểu biết, nhưng cũng có tính bất biến của đức tin: người ta không thể thay đổi giáo lý về Chúa Ba Ngôi, về Nhập thể hoặc về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể. Ngài gợi ý rằng dựa trên điều này, một tín điều có giá trị ở mọi nơi trên thế giới, đồng thời lưu ý rằng ngay cả khi các nền văn hoá khác nhau, bản chất của đức tin không thể thay đổi, ngay cả khi nó đã phát triển rất nhiều kể từ thời các Tông đồ.

Vatican News