Chúa Nhật XXIX TN A 2023 – Chúa Nhật Truyền giáo: Hội nhập văn hoá để loan báo Tin Mừng
Chúa Nhật XXIX TN A 2023 – Chúa Nhật Truyền giáo
Hội nhập văn hoá để loan báo Tin Mừng
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Hôm nay toàn thể Giáo Hội dành Chúa Nhật này để suy niệm về bản chất truyền giáo của mình và mời gọi từng tín hữu tích cực loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho muôn loài. “Vì khi chúng ta loan báo Tin Mừng, không phải chỉ có lời chúng ta nói mà còn có quyền năng, có Thánh Thần và một niềm xác tín sâu xa” (1Ths 1,5) như thánh Phaolô quả quyết trong Bài đọc II.
Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 đang họp tuần cuối ở Rôma và sẽ kết thúc vào ngày 29/10. Chủ đề Thượng Hội đồng nhắc nhở ta về sứ mệnh truyền giáo: muốn có một Giáo Hội đồng hành với thế giới và nhân loại, ta cần phải hiệp thông với Chúa Ba Ngôi để nhận được quyền năng và ân sủng Thánh Thần, từ đó ta mới có thể tham gia vào mọi hoạt động của Giáo Hội và mới thi hành các sứ vụ truyền giáo cách hiệu quả.
Hôm nay cũng là ngày lễ kính nhớ thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vị thánh đã định hướng việc truyền giáo cho thời đại hôm nay là phải “hội nhập văn hoá để loan báo Tin Mừng” thì mới có kết quả, nhưng nhiều người lại không quan tâm. Vì thế, chúng ta dành ít phút để tìm hiểu điều này.
1. Lịch sử truyền giáo gắn chặt với việc hội nhập văn hoá
Công đồng Vaticanô II đã xác định trong Sắc lệnh Truyền giáo Ad Gentes ở số 2 rằng: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là người được sai đi vì cội nguồn của Giáo Hội gắn liền với việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Chúa Cha”. Như thế, Giáo Hội tự bản chất mang tính truyền giáo.
Sau khi con người phạm tội, Chúa Cha đã cho Con của Ngài là Ngôi Lời Nhập thể trở thành người, để đưa tất cả nhân loại và vũ trụ trở về với mình và được chia sẻ sự sống vĩnh hằng của con cái Thiên Chúa. Nhờ Chúa Thánh Thần quy tụ, Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập các môn đệ thành một dân mới là Giáo Hội và sai họ đi khắp thế gian để loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Do đó, lịch sử Giáo Hội chính là lịch sử truyền giáo và lịch sử của mỗi người môn đệ cũng là việc giới thiệu con đường của Đức Giêsu.
Tuy nhiên, việc giới thiệu Đức Giêsu và những lời dạy của Người cho một cá nhân hay cho một dân tộc tuỳ thuộc vào trình độ văn hoá của người loan báo Tin Mừng và cả người được loan báo, nghĩa là họ có khả năng nói cho người khác nghe và hiểu về Đức Giêsu để đón nhận Người.
Hoạt động truyền giáo này tương tự như mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Đức Giêsu. Người là Ngôi Lời Thiên Chúa vô hình, đã hoà nhập vào thế giới hữu hình, đón nhận nền văn hoá cụ thể của dân tộc Do Thái để rao giảng về Chúa Cha và giới thiệu con đường sự thật và sự sống của Người, như lời xác định trong bài Tin Mừng (x. Mt 22,15-21): “Chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa”.
Người cũng dùng cách suy nghĩ, các từ ngữ, hành vi, tâm tình của con người đồng thời với mình để loan báo Tin Mừng cứu độ. Đây là hoạt động mà ngày nay chúng ta gọi là hội nhập văn hoá, nghĩa là đem những giá trị cao quý của Thiên Chúa hoà nhập vào đời sống con người và biến đổi những giá trị tốt đẹp của con người thành cao quý, siêu việt như Thiên Chúa.
Lịch sử Giáo Hội toàn cầu và lịch sử Giáo hội Việt Nam đã chứng thực rằng khi người tín hữu rao giảng và sống theo những giá trị của Tin Mừng, họ luôn lôi cuốn và biến đổi người khác, biến đổi cả dân tộc và thế giới đi theo Chúa Giêsu Kitô.
Giáo hội Công giáo đã giới thiệu cho xã hội loài người thời đó nền văn hoá Công giáo với những giá trị nền tảng. Giá trị cao cả nhất là Thiên Chúa Ba Ngôi như một sự thật để loại bỏ tất cả các thần linh giả tạo của tôn giáo Hy Lạp và La Mã. Giá trị con người với thể xác cần được tôn trọng và linh hồn bất tử cần được cứu độ thay cho nền văn hoá La Mã tôn thờ thân xác với các dục vọng của nó và đối xử tàn tệ với các dân tộc làm nô lệ cho họ. Giá trị của gia đình một vợ một chồng, chung thuỷ với nhau cho đến chết, bảo vệ nuôi dạy con cái thay vì đa thê, trọng nam khinh nữ, phá thai của xã hội thời đó. Giá trị của nền dân chủ cộng đồng đặt nền tảng trên tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người thay vì dựa trên quyền lợi và sức mạnh chiếm đoạt của con người dành cho một cá nhân hay một dòng họ theo chế độ quân chủ độc tài.
Các giá trị này đã biến đổi nhiều dân tộc và cả cộng đồng nhân loại cho đến ngày nay. Mỗi khi Giáo Hội thực hành việc hội nhập văn hoá là Giáo Hội thành công trong việc truyền giáo.
2. Hội nhập văn hoá để loan báo Tin Mừng
Công đồng VaticanôII đã nhận ra định luật hội nhập văn hoá này nên đã thúc đẩy việc hội nhập văn hoá của Giáo Hội trong các văn kiện của mình. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phân tích sâu xa định luật này trong Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á, ban hành tại Ấn Độ ngày 6/11/1999; ngài nhắc đến cả trăm lần từ văn hoá và hội nhập văn hoá trong một tông huấn. Còn ĐGH Phanxicô đã đúc kết Thượng Hội đồng Giám mục 13 năm 2012 với chủ đề: “Tân Phúc Âm hoá để thông truyền đức tin Kitô” bằng Tông huấn Niềm vui Tin Mừng cũng nói nhiều đến hội nhập văn hoá.
Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam chưa hiểu hội nhập văn hoá là gì. Người ta nghĩ rằng hội nhập văn hoá là mặc các bộ quần áo thời xưa, xây dựng nhà thờ với mái cong như đình chùa ở Việt Nam, hát các bài Thánh ca theo điệu nhạc dân tộc… mà không quan tâm đến việc phổ biến các giá trị nền tảng của nền văn hoá Công giáo bằng chính đời sống hằng ngày của mình.
Dù đau lòng, nhưng ta phải nhận ra sự thật này là nhiều người thời nay thờ ơ với tôn giáo, nhất là những người trẻ, và việc loan báo Tin Mừng không có kết quả khả quan ở hầu hết các nước trên thế giới, trừ một vài nước biết hội nhập văn hoá như Hàn Quốc. Người Công giáo hiện nay chỉ chiếm 17,7% dân số thế giới. Lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng khi những giá trị căn bản của Kitô giáo được các tín hữu can đảm loan báo bằng chính đời sống liêm chính, tốt đẹp, an vui thì đó là những thời kỳ truyền giáo hiệu quả.
Một điểm quan trọng nữa đó là việc hội nhập văn hoá đòi hỏi người tín hữu “đồng hành với thế giới và con người thời đại”. Những khám phá mới nhất của khoa học về con người trong khoảng 20 năm gần đây là lợi thế để giúp nhân loại xác tín về vị trí của con người trong vũ trụ, về giá trị của tinh thần con người không phải do tiến hoá tự nhiên của vật chất, về sự hiện hữu đầy yêu thương của Thiên Chúa. Nhưng những ngôn ngữ mới để truyền giáo đó lại chưa được tín hữu Công giáo biết đến. Điểm quan trọng thứ hai là xác tín về sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi vì chỉ khi nào ta gắn bó mật thiết với Chúa Ba Ngôi, ta mới nhận được tình yêu của Chúa Cha, quyền năng của Chúa Con và ân sủng của Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng và chứng minh lời loan báo bằng việc chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ và những phép lạ kèm theo như Chúa Giêsu.
Lời kết
Cầu chúc anh chị em trở thành những chứng nhân sống động của Chúa Giêsu qua việc loan báo Tin Mừng của Người. Amen.
HKK