23/12/2024

Nhà truyền giáo hết lòng với cộng đồng di dân tại Hoa Kỳ

Nhà truyền giáo hết lòng với cộng đồng di dân tại Hoa Kỳ

Câu chuyện về cách Sơ Dolores Armer, một nữ tu thuộc Dòng Thánh Gia, thực hiện ước mơ của người sáng lập, nhằm chữa lành trái tim và cứu rỗi linh hồn của những người sơ gặp dọc những con phố đông đúc của các thành phố. Sự dấn thân của Sơ Michaela O’Connor với người dân Kmhmu’ sống ở California đã trở thành mối liên kết yêu thương bền vững với họ.
Các thành viên cộng đồng Kmhmu trước nhà thờ Thánh Đavít xứ Wales
Các thành viên cộng đồng Kmhmu trước Nhà thờ Thánh Đavít xứ Wales 

Sơ Michaela O’Connor cố gắng giữ cho những câu chuyện Kinh Thánh được ghi nhớ cách sống động trong lòng cộng đồng người Kmhmu’ ở Richmond, California. Sơ là giáo viên yêu thích của họ, người bạn của họ, người bạn tâm giao họ tin tưởng. Nhiều người Kmhmu’ lớn tuổi không biết đọc nên họ thường đến với Sơ Michaela và háo hức nài nỉ: “Xin hãy kể cho chúng tôi một câu chuyện trong Kinh Thánh!”

Được chào đón

Sơ Michaela lần đầu tiên biết đến người Kmhmu’ vào đầu những năm 1990 khi sơ đang làm việc cho Giáo phận Oakland. Mặc dù Giáo phận có Văn phòng Sắc tộc, nhưng người Kmhmu’ cảm thấy lạc lõng trong cơ cấu này vì họ là một nhóm nhỏ không có ngôn ngữ chung với các nhóm dân tộc khác. Họ tìm đến Giáo phận để được giúp đỡ vì họ lo lắng về cách truyền đức tin của mình cho con cái.

Ngay từ lần gặp đầu tiên với họ, Sơ Michaela đã cảm thấy bị thu hút bởi họ. “Họ là những người hiền lành, đáng yêu, có giá trị gia đình và cộng đồng bền chặt và rất thân thiện. Tôi rất muốn giúp đỡ họ nhưng Văn phòng Giáo dục Tôn giáo đang được tái cơ cấu và tôi không biết mình có thể hứa với họ điều gì.” Sơ Michaela bắt đầu gặp gỡ không chính thức với những phụ nữ Kmhmu mỗi tuần một tối với tư cách là tình nguyện viên và từ đó sơ đã luôn ở bên họ.

Người Kmhmu’ là ai?

Người Kmhmu’ đến từ vùng đồi núi của Lào và bị chính phủ bỏ rơi trong nhiều năm. Các nhà truyền giáo người Pháp và Ý đã giới thiệu Kitô giáo cho họ vào giữa những năm 1900. Người Kmhmu’ đã cố gắng tạo ra một dạng chữ viết bằng ngôn ngữ của họ, nhưng nó chưa bao giờ thực sự được chấp nhận. Cách duy nhất để họ được học hành là rời bỏ nhà cửa của họ ở trên những ngọn đồi. Hơn nữa, các lớp học được tổ chức bằng tiếng Lào, một ngôn ngữ mà họ không biết. Do đó, rất ít người Kmhmu’ biết đọc.

Vì sao người Kmhmu’ rời Lào

Khi cộng sản chiếm Lào vào giữa những năm 1970, người Kmhmu’ bị đàn áp vì tôn giáo của họ. Những người có thể, đã trốn sang các nước khác. Vì vậy, vào đầu những năm 1980, một số ít người tị nạn Kmhmu’ đã định cư ở Richmond, California, để xây dựng cuộc sống mới cho gia đình họ. Họ đến đó và biết rất ít về cuộc sống ở Mỹ và hầu hết họ không nói được tiếng Anh. Cách tự nhiên là họ tìm đến Giáo hội để được giúp đỡ và Sơ Michaela đã bước vào cuộc đời họ.

Người ủng hộ tiến trình hội nhập

Cuối cùng, Sơ Michaela đã trở thành Nữ tu toàn thời gian tại Giáo xứ của họ. Lúc đầu, Giáo phận ủng hộ hoạt động của sơ. Khi nguồn tài trợ đó không còn nữa, cộng đoàn của sơ, các Nữ tu Thánh Gia, tiếp tục hỗ trợ Sơ Michaela với tư cách là nhà truyền giáo cho người Kmhmu’ trong nhiều thập kỷ. Đúng với tinh thần truyền giáo, Sơ Michaela quan tâm đến mọi nhu cầu của người dân – tinh thần, thể chất, tình cảm. Sơ đã làm bất cứ điều gì có thể để giúp cuộc sống của họ tốt hơn.

“Tôi đã làm tất cả các công việc xã hội mà tôi chưa bao giờ được đào tạo để làm, bao gồm cả công việc nhập cư, hỗ trợ phiếu thực phẩm và các chương trình khác của chính phủ, nhận học bổng cho trẻ em. Và tôi đã điền vào đủ loại đơm. Vì người Kmhmu’ không có chữ viết nên việc làm giấy tờ không phải là điều dễ dàng đối với họ.”

Các thành viên của cộng đồng người Kmhmu liên tục chạy đến với Sơ Michaela khi họ cố gắng hoà nhập với cuộc sống ở Hoa Kỳ. Sơ Michaela đã cùng vui với họ, cùng khóc với họ và nuôi dưỡng tình yêu của họ đối với Chúa Kitô. Dù người Kmhmu yêu thích đất nước mới của mình bao nhiêu thì họ cũng vẫn giữ được văn hoá và phong tục truyền thống của họ.

Thích ứng liên tục

Cộng đồng người Kmhmu’ gần đây đã được Đức Giám mục Barber mời chuyển từ giáo xứ lớn mà họ đã là thành viên trong nhiều thập kỷ đến Giáo xứ Thánh Đavít xứ Wale, một giáo xứ mới nhỏ hơn. Đó là một sự phù hợp tuyệt vời cho họ. Họ đã được chào đón vào giáo xứ và đã có nhiều kết nối mới, đồng thời vẫn là một nhóm của riêng họ, có Hội đồng Giáo xứ và Thánh lễ riêng bằng ngôn ngữ riêng của họ.

Hiện nay có những thế hệ người Kmhmu’ mới lớn lên ở Hoa Kỳ và không cần sự giúp đỡ để hoà nhập vào nền văn hoá. Tuy nhiên, ngay cả họ cũng mong muốn Sơ Michaela ở bên họ nhiều nhất có thể. Kể từ năm 2021, sứ vụ chính thức của Sơ Michaela nằm trong nhóm lãnh đạo của các Nữ tu Thánh Gia. Mặc dù sứ vụ chính thức của sơ không còn trực tiếp với họ nữa, sơ vẫn cống hiến cho người Kmhmu’ và dành thời gian cho họ với tư cách là một “tình nguyện viên”. Hầu như mỗi Thứ Bảy, sơ đều lái xe hàng giờ đồng hồ để tham dự Thánh lễ cùng họ và giao lưu.

Chăm sóc các gia đình, cả về mặt tinh thần lẫn thực tế, là đặc sủng các Nữ tu Thánh Gia đã thể hiện từ năm 1872. Đức Tổng Giám mục Joseph S. Alemany của San Francisco nói với người sáng lập của họ, Sơ Dolores: “Có những trái tim cần chữa lành và những linh hồn cần cứu rỗi trên những đường phố sầm uất của chúng ta. Đây là công việc Chúa muốn các chị làm.” Và giống như hàng trăm Nữ tu trước đó, Sơ Michaela mang tình yêu của Chúa Giêsu Kitô đến với mọi người nơi họ đang ở. Đối với sơ, đây là một góc nhỏ của Richmond, California, nơi sơ và ngườiKmhmu’ đã phát triển một mối quan hệ yêu thương và tin cậy sẽ tồn tại suốt cuộc đời của họ.

Bài và ảnh của Charlotte Hall

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-10/sisters-project-di-dan-kmhmu-lao-california.html