23/12/2024

Kinh Truyền Tin (1/10): Tội nhân nhưng không bại hoại

Kinh Truyền Tin (1/10): Tội nhân nhưng không bại hoại
Trưa Chúa Nhật ngày 1/10, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha có bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật 26 thường niên.

Bài huấn dụ của ĐTC trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay Tin Mừng nói về hai người con được cha bảo đi làm vườn nho (x. Mt 21,28-32). Một trong hai người trả lời ngay là “con đi”, nhưng sau đó lại không đi. Tuy nhiên, người còn lại từ chối, nhưng sau đó hối hận và đi.

Chúng ta nói gì về hai cách hành xử này? Ý nghĩ chợt đến rằng việc đi làm vườn nho đòi hỏi phải hy sinh và cái giá phải trả của sự hy sinh. Điều này không đến cách tự nhiên, dù cho họ biết tư cách là những người con và là những người thừa kế có đẹp thế nào đi nữa. Nhưng vấn đề ở đây không liên quan nhiều đến việc phản đối đi làm vườn nho, mà là sự chân thành đối với người cha và đối với chính mình. Thực tế, không có người con nào cư xử các hoàn hảo, một người thì nói dối, người kia thì mắc lỗi nhưng vẫn chân thành.

Hãy nhìn vào người nói “con đi” nhưng sau đó lại không đi. Anh không muốn làm theo ý muốn của người cha, nhưng anh cũng không muốn tranh luận và nói về điều đó. Vì vậy, anh giấu mình sau câu nói “con đi”, đằng sau một sự đồng ý giả tạo, che giấu sự lười biếng của mình và tạm thời giữ thể diện, là một người giả hình. Anh dễ dàng vượt qua mà chẳng gặp xung đột, nhưng anh lừa dối và làm cha mình thất vọng, thiếu tôn trọng ông theo cách còn tệ hơn cả việc nói “không” một cách thẳng thắn. Vấn đề của một người hành xử như vậy nằm ở chỗ anh không chỉ là một tội nhân mà còn là một kẻ bại hoại, bởi vì anh nói dối mà không gặp vấn đề gì để che đậy và nguỵ trang cho sự bất tuân của mình, không chấp nhận bất kỳ cuộc đối thoại hay đối đầu chân thành nào.

Người con còn lại đã nói “không” rồi sau đó lại đi, lại là người chân thành. Anh không hoàn hảo nhưng chân thành. Dĩ nhiên, chúng ta muốn thấy anh nói “vâng” ngay lập tức. Thực tế không được như vậy, nhưng ít nhất anh cũng thể hiện sự không sẵn lòng của mình một cách thẳng thắn và can đảm cách nào đó. Nghĩa là anh chịu trách nhiệm về hành vi của mình và hành động một cách công khai. Sau đó, với sự trung thực nền tảng này, cuối cùng anh tự vấn bản thân, hiểu ra rằng mình đã sai và quay lại bước đường của mình. Chúng ta có thể nói anh là một tội nhân, nhưng không phải là một kẻ bại hoại. Hãy nhớ rõ: người này là một tội nhân, nhưng không phải là một kẻ bại hoại. Và đối với tội nhân luôn có hy vọng được cứu; trong khi đối với kẻ bại hoại thì việc đó khó khăn hơn nhiều. Thật vậy, tiếng “đồng ý” giả tạo của anh, vẻ bề ngoài tao nhã nhưng đạo đức giả và sự giả vờ đã trở thành thói quen của anh giống như một “bức tường cao su” dày, nằm phía sau để che đậy khỏi tiếng chất vấn của lương tâm. Kẻ bại hoại thì làm nhiều điều xấu! Anh chị em thân mến, là tội nhân – tất cả chúng ta là tội nhân – nhưng đừng là kẻ bại hoại!

Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại chính mình và, dưới ánh sáng của tất cả những điều này, hãy tự hỏi mình một số câu hỏi. Khi đối diện với những khó khăn để sống một cuộc sống chân thành và quảng đại, dấn thân thực hiện ý Chúa Cha, tôi có sẵn sàng nói “xin vâng” mỗi ngày, dù phải trả giá không? Và khi tôi không thể làm được điều đó, tôi có thành thật đối diện với Thiên Chúa về những khó khăn, những vấp ngã và mong manh của tôi không? Và khi tối nói “không”, tôi có quay trở lại không? Hãy nói với Chúa về điều này. Khi phạm sai lầm, tôi có sẵn sàng ăn năn và rút lại bước đi của mình không? Hay tôi giả vờ như không có chuyện gì xảy ra và sống đeo mặt nạ, chỉ lo tỏ ra tốt lành và tử tế? Cuối cùng, tôi là một tội nhân, như tất cả mọi người, hay trong tôi có điều gì đó băng hoại? Chúng ta đừng quên: là tội nhân nhưng đừng là kẻ bại hoại.

Xin Mẹ Maria, tấm gương của sự thánh thiện, giúp chúng ta trở thành những Kitô hữu chân thành.

Vatican News