22/01/2025

Chúa Nhật 01.10.2023
Dụ Ngôn Ba Người Con

Chúa Nhật Tuần XXVI – Mùa Thường Niên

Kính Trọng Thể Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Ed 18,25-28 • Tv 24,4-5.6-7.8-9 (Đ. c.6a) • Pl 2,1-11 • Mt 21,28-32

SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ BA TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN NĂM B – GIÁO XỨ THIÊN ÂN

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mát-thêu

28 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.’ 29 Nó đáp: ‘Con không muốn!’ Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. 30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: ‘Thưa ngài, con đây!’ nhưng rồi lại không đi. 31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. 32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Dụ Ngôn Ba Người Con

Bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy, từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã tỏ rõ Ngài là Thiên Chúa thương xót và muốn cứu sống loài người tội lụy: “Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, nó sẽ được sống”. Vì thế, càng ý thức thân phận mỏng giòn, dân Chúa càng khấn xin Ngài “hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con”. Rồi khi lầm đường lạc lối, dân Chúa lại cả dám xin Ngài “đừng nhớ lỗi lầm khi con còn trẻ và tội ác, nhưng hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài”.

Dù Thiên Chúa muốn thương xót mỗi người và mọi người, ý muốn cứu độ đó lại cần tiếp nhận bởi ý muốn tự do của mỗi người. Không may, năng lực tự do cao quý của mỗi người cũng là thế lực bất truân tồi tệ làm cho họ ra hư hao. Vì thế, lòng thương xót của Thiên Chúa đã thúc đẩy Ngài ban tặng Người Con yêu dấu, để nên mẫu gương con thảo tuyệt hảo cho nhân loại. Dụ ngôn về hai người con giúp chúng ta hiểu thấu lòng thương xót của Thiên Chúa và nỗi yếu nhược của con người.

Hai người con trong dụ ngôn là biểu tượng của loài người yếu nhược trước lòng tốt của Thiên Chúa: người con “thưa vâng” nhưng lại “không đi làm vườn nho” là biểu tượng của những đứa con hư hỏng, bất hiếu với Cha trên trời; người con “bất truân” nhưng lại “hối hận” và đi làm vườn nho là biểu tượng của những đứa con yếu nhược, nhưng cố gắng vươn lên để nên con thảo của Cha trên trời.

Dĩ nhiên, Kitô hữu phải học loại khỏi đời mình hình ảnh người con bất hiếu và mặc lấy hình ảnh người con yếu nhược biết hoán cải. Nhưng hình mẫu người con hiếu thảo lý tưởng phải là “người con thứ ba”, vừa “thưa vâng” vừa mau mắn “thi hành” ý định tốt lành của cha mình. Tuy dụ ngôn không nói, chúng ta có thể hiểu người con thứ ba ấy chính là Chúa Giêsu, như bài đọc thứ hai diễn đạt: “Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu”.

Như thế, để trở nên người con hiếu thảo của Cha trên trời, Kitô hữu cần dõi bước Chúa Giêsu, học nhận ra thiên ý hay ơn gọi đời mình và sống thành toàn ơn gọi ấy. Đó cũng là cách thức làm vinh quang bản thân và vinh quang Thiên Chúa, Đấng tác tạo và tái tạo mỗi chúng ta! Amen!

Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam