22/01/2025

Tiếp kiến chung 20/09/2023 – ĐTC Phanxicô: mọi người đều đóng vai chính trong sứ vụ loan báo Tin Mừng

Tiếp kiến chung 20/09/2023 – ĐTC Phanxicô: mọi người đều đóng vai chính trong sứ vụ loan báo Tin Mừng

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 20/9/2023, Đức Thánh Cha nhận xét rằng Thánh Daniel Comboni đã đi trước thời đại khi nhận ra sự cần thiết của việc loan báo Tin Mừng với sự tham gia của các giáo sĩ, giáo lý viên và lãnh đạo giáo dân địa phương. Ngài nói rằng chứng tá của thánh nhân cho thấy rằng mọi người đều tham gia và giữ vai chính trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 20/9, Đức Thánh Cha tiếp tục trình bày với các tín hữu về chứng tá của lòng say mê loan báo Tin Mừng, cụ thể là chứng tá của Thánh Daniel Comboni, vị tông đồ cho Châu Phi, với tầm nhìn truyền giáo mang tính ngôn sứ và tập trung vào sức mạnh giải phóng của Tin Mừng.

Trong bối cảnh xã hội đánh dấu bởi sự ác độc của chế độ nô lệ, Thánh Daniel Comboni đã rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại như nguồn tự do đích thực, không chỉ giải thoát khỏi tội lỗi mà còn khỏi mọi hình thức nô lệ làm hạ thấp phẩm giá con người của chúng ta.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng thánh nhân đã đi trước thời đại khi nhận ra sự cần thiết của việc loan báo Tin Mừng với sự tham gia của các giáo sĩ, giáo lý viên và lãnh đạo giáo dân địa phương, dựa trên sứ điệp Tin Mừng và lời kêu gọi xây dựng một trật tự xã hội công bằng, liên đới và nhân đạo. Ngài cũng nhấn mạnh rằng đối với Thánh Daniel Comboni, lòng bác ái Kitô giáo, được thể hiện trong tình liên đới của chúng ta với những người đau khổ, là nguồn cảm hứng và động lực tối thượng đằng sau mọi hoạt động truyền giáo. Ngài cầu xin tình yêu của thánh nhân đối với Giáo hội, sự dấn thân của thánh nhân đối với sứ mạng phổ quát của Giáo hội và mối quan tâm mục vụ của thánh nhân đối với tương lai của các dân tộc Châu Phi tiếp tục truyền cảm hứng cho những nỗ lực truyền giáo của Giáo hội trong thời đại chúng ta.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong loạt bài giáo lý về lòng say mê loan báo Tin Mừng, hôm nay chúng ta tập trung vào chứng tá của Thánh Daniel Comboni. Ngài là một tông đồ nhiệt thành cho Châu Phi. Về những dân tộc đó, ngài đã viết: “Họ đã chiếm lấy trái tim chỉ sống vì họ của tôi” (Scritti, 941), “Tôi sẽ chết với Châu Phi trên môi miệng” (Scritti, 1441). Và ngài đã nói với họ như thế này: “ngày hạnh phúc nhất trong những ngày của tôi sẽ là ngày mà tôi có thể cống hiến cả cuộc đời mình cho anh chị em” (Scritti, 3159). Đây là cách diễn tả của một người yêu mến Thiên Chúa và những người anh em mà họ phục vụ trong sứ mạng, những người mà họ không bao giờ mệt mỏi nhớ rằng “Chúa Giêsu Kitô cũng đã chịu đau khổ và chết vì họ” (Scritti, 2499; 4801).

Hãy ngừng bóp nghẹt Châu Phi!

Ngài tuyên bố điều này trong bối cảnh đặc trưng bởi sự kinh hoàng của chế độ nô lệ mà ngài đã chứng kiến. Chế độ nô lệ “đồ vật hóa” con người, giá trị của họ bị giảm xuống chỉ còn hữu ích cho ai đó hoặc thứ gì đó. Nhưng Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, đã nâng cao phẩm giá của mỗi con người và vạch trần sự giả dối của chế độ nô lệ ngày nay. Thánh Comboni, dưới ánh sáng của Chúa Kitô, đã nhận thức được tội ác của chế độ nô lệ; ngài cũng hiểu rằng tình trạng nô lệ xã hội bắt nguồn từ tình trạng nô lệ sâu xa hơn, tình trạng nô lệ của trái tim, tình trạng nô lệ tội lỗi mà Chúa đã giải thoát chúng ta. Vì vậy, là Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi đấu tranh chống lại mọi hình thức nô lệ. Tuy nhiên, thật không may, chế độ nô lệ, giống như chủ nghĩa thực dân, không phải là chuyện của quá khứ. Ở Châu Phi được thánh Comboni yêu quý, ngày nay bị xâu xé bởi nhiều cuộc xung đột, “cuộc xung đột chính trị đã nhường chỗ cho một ‘chủ nghĩa thực dân kinh tế’ cũng tương đương với chủ nghĩa nô lệ (…). Đó là một bi kịch mà thế giới kinh tế tiên tiến nhất thường nhắm mắt, bịt tai và bịt miệng”. Do đó, tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình: “Hãy ngừng bóp nghẹt Châu Phi: đây không phải là một mỏ để khai thác hay một vùng đất để bị cướp bóc” (Cuộc gặp gỡ các cấp chính quyền, Kinshasa, ngày 31 tháng 1 năm 2023).

“Hãy cứu Châu Phi bằng Châu Phi”

Chúng ta hãy quay trở lại câu chuyện của Thánh Daniel. Sau thời gian đầu ở Châu Phi, ngài phải rời nhiệm sở vì lý do sức khỏe. Quá nhiều nhà truyền giáo đã chết sau khi mắc bệnh sốt rét, căn bệnh trở nên phức tạp hơn do sự nhận thức chưa đầy đủ về tình hình địa phương. Tuy nhiên, nếu những người khác bỏ rơi châu Phi thì Thánh Comboni lại không như vậy. Sau một thời gian phân định, ngài cảm thấy Chúa đang truyền cảm hứng cho ngài bằng một cách truyền giáo mới, mà ngài tóm tắt bằng những lời này: “Hãy cứu Châu Phi bằng Châu Phi” (Scritti, 2741f).

Tất cả Kitô hữu là những nhân vật chính trong hoạt động truyền giáo

Đó là một trực giác mạnh mẽ, góp phần canh tân sự dấn thân truyền giáo: những người được rao giảng Tin Mừng không chỉ là “đối tượng”, mà còn là “chủ thể” của sứ mạng truyền giáo. Thánh Daniel muốn biến tất cả các Kitô hữu thành những nhân vật chính trong hoạt động truyền giáo. Với tinh thần này, ngài đã suy nghĩ và hành động một cách toàn diện, thu hút sự tham gia của các giáo sĩ địa phương và cổ vũ các giáo dân làm giáo lý viên. Các giáo lý viên là một gia sản của Giáo hội: là những người tiến bước trong việc loan báo Tin Mừng. Ngài cũng quan niệm sự phát triển con người theo cách này, quan tâm đến nghệ thuật và nghề nghiệp, phát huy vai trò của gia đình và phụ nữ trong việc biến đổi văn hóa và xã hội. Điều rất quan trọng, ngay cả ngày nay, là thăng tiến đức tin và sự phát triển con người từ bên trong bối cảnh truyền giáo, thay vì cấy ghép các mô hình bên ngoài hoặc giới hạn chúng vào “chủ nghĩa phúc lợi” không sinh kết quả! Dùng văn hóa làm con đường loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng văn hóa và hội nhập Tin Mừng vào văn hóa: hai việc này đi đôi với nhau.

Nguồn mạch của khả năng truyền giáo là lòng bác ái

Tuy nhiên, niềm đam mê truyền giáo vĩ đại của Thánh Comboni không chủ yếu là kết quả của sự dấn thân của con người: ngài không được thúc đẩy bởi lòng can đảm của mình hay chỉ được thúc đẩy bởi những giá trị quan trọng, ví dụ như tự do, công lý và hòa bình; lòng nhiệt thành của ngài phát sinh từ niềm vui Tin Mừng, xuất phát từ tình yêu Chúa Kitô và dẫn đến tình yêu dành cho Chúa Kitô! Thánh Daniel đã viết: “Một sứ mạng gian khổ và đòi nhiều nỗ lực như sứ mạng của chúng ta thì không thể tồn tại bằng vẻ hời hợt bề ngoài, hay bởi những người có vẻ đạo đức nhưng lại ích kỷ và chỉ biết có chính mình, những người không quan tâm đến sức khỏe và sự hoán cải của các linh hồn như lẽ ra họ phải làm.” Và ngài nói thêm: “chúng ta phải khơi dậy lòng bác ái của họ, điều bắt nguồn từ Thiên Chúa và từ tình yêu của Chúa Kitô; và khi bạn thực sự yêu mến Chúa Kitô, thì những thiếu thốn, đau khổ và tử đạo đều ngọt ngào” (Scritti, 6656). Ước muốn của ngài là được nhìn thấy những nhà truyền giáo nhiệt thành, vui vẻ, tận tâm: những nhà truyền giáo – ngài viết – “thánh thiện và có khả năng”. […] Trước hết, họ là những vị thánh, nghĩa là xa lánh tội lỗi, và khiêm nhường. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, còn cần có lòng bác ái, là điều làm cho họ có khả năng truyền giáo” (Scritti, 6655). Vì vậy, đối với Thánh Comboni, nguồn mạch của khả năng truyền giáo là lòng bác ái, đặc biệt là lòng nhiệt thành nhận lấy nỗi đau của người khác như nỗi đau của mình.

Luôn hiệp thông với Giáo hội.

Hơn nữa, lòng say mê loan báo Tin Mừng của ngài không bao giờ khiến ngài hoạt động như một nghệ sĩ độc tấu, mà luôn hiệp thông với Giáo hội. “Tôi chỉ có một cuộc sống để thánh hiến cho sức khỏe của những linh hồn đó – ngài viết – tôi muốn có một ngàn cuộc sống để tiêu hao vì mục đích này” (Scritti, 2271).

Anh chị em thân mến, Thánh Daniel làm chứng cho tình yêu của vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng tìm kiếm những kẻ lạc lối và hiến mạng sống vì đoàn chiên. Lòng nhiệt thành của ngài rất mạnh mẽ và có tính ngôn sứ trong việc chống lại sự thờ ơ và loại trừ. Trong những lá thư của mình, ngài chân thành nhắc nhở Giáo hội thân yêu của mình, Giáo hội đã quên mất Châu Phi quá lâu. Ước mơ của Thánh Comboni là một Giáo hội chịu án chung với những người bị đóng đinh bởi lịch sử, để trải nghiệm sự phục sinh với họ.

Đừng quên người nghèo

Tôi đề nghị với anh chị em: Hãy nghĩ đến những người chịu đóng đinh trong lịch sử ngày nay: những người nam, người nữ, trẻ em, người già, tất cả, những người bị đóng đinh vì sự bất công và thống trị. Chúng ta hãy nghĩa đến họ và cầu nguyện cho họ. Chứng tá của ngài dường như lặp lại với tất cả chúng ta, những người nam nữ của Giáo hội: “Đừng quên người nghèo, hãy yêu thương họ, vì Chúa Giêsu chịu đóng đinh đang hiện diện nơi họ, đang chờ đợi để được phục sinh.”

Đức Thánh Cha lặp lại: Đừng quên người nghèo: trước khi đến đây, tôi đã gặp các nhà lập pháp Brazil, những người làm việc vì người nghèo, những người cố gắng thăng tiến người nghèo bằng phúc lợi và công bằng xã hội. Và họ không quên người nghèo: họ làm việc vì người nghèo. Tôi nói với anh chị em: đừng quên người nghèo, vì họ sẽ là người mở cửa Thiên đàng cho anh chị em. Cảm ơn anh chị em.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-09/tiep-kien-chung-20-09-2023.html