23/12/2024

Nghiên cứu lịch sử Indonesia trong các văn khố của Giáo hội ở Indonesia và Hà Lan

Nghiên cứu lịch sử Indonesia trong các văn khố của Giáo hội ở Indonesia và Hà Lan

Một hội thảo kéo dài hai ngày được tổ chức tại Đại học Công giáo Soegijapranata ở Samarang, trên đảo Trung Java, Indonesia, với chủ đề “Bảo tồn di sản tài liệu Công giáo ở Indonesia”, nhắm đánh giá các văn khố của Giáo hội như các nguồn lịch sử để nghiên cứu nhiều trang lịch sử Indonesia vẫn còn ẩn giấu trong các tài liệu của các tổ chức truyền giáo Hà Lan và các tổ chức Công giáo địa phương.

Lễ Giáng sinh tại một nhà thờ ở Indonesia

Lễ Giáng Sinh tại một nhà thờ ở Indonesia  (ANSA)

Dự án, nhờ vào việc số hoá các tài liệu, được tổ chức với sự cộng tác của Đại học Radboud của Nijmegen, nơi đang nghiên cứu các văn khố của các dòng truyền giáo Hà Lan đã thực hiện hoạt động tông đồ ở Indonesia.

Giáo sư Marit Monteiro, thuộc Đại học Radboud, đã nhấn mạnh tiềm năng to lớn của những tài liệu này đối với việc nghiên cứu lịch sử. Ông cũng nhấn mạnh việc cấp thiết bảo tồn các văn khố của các tổ chức tôn giáo ở Indonesia cũng như gìn giữ chúng.

Tiến sĩ Maaike Derksen giải thích về công việc đang được tiến hành thông qua các hình thức cộng tác để “số hoá” các tài liệu nhằm mục đích lập bản đồ, bảo tồn và giúp có thể tiếp cận được các bộ sưu tập Công giáo hiện nằm rải rác ở những nơi khác nhau.

Với các đối tác Indonesia, hoạt động này bắt đầu bằng việc “số hóa” hàng ngàn tài liệu thuộc bốn tổ chức: tỉnh Dòng Tên Indonesia, trại trẻ mồ côi Karangpanas ở Semarang, trại trẻ mồ côi Vinh Sơn ở Jakarta và các Tu huynh Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Semarang.

Cha Budi Subanar hy vọng rằng khoa lịch sử của Đại học Sanata Dharma ở Yogyakarta có thể tận dụng tốt nhất những tài liệu này: hàng ngàn tài liệu vẫn còn “nguyên vẹn” – cả ở Indonesia và ở Hà Lan – trên thực tế có thể cung cấp tài liệu cho một lượng lớn nghiên cứu và các ấn phẩm. (AsiaNews 20/09/2023)

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2023-09/nghien-cuu-lich-su-indonesia-trong-van-kho-giao-hoi-ha-lan-indo.html