23/12/2024

ĐHY tân cử Sebastian Francis mời gọi các Kitô hữu Á châu sống căn tính Kitô giáo giữa sự đa dạng

ĐHY tân cử Sebastian Francis mời gọi các Kitô hữu Á châu sống căn tính Kitô giáo giữa sự đa dạng

Trang mạng Missions Etrangères de Paris đã có cuộc phỏng vấn với Đức cha Sebastian Francis, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Malaysia, Singapore và Brunei, về những vấn đề liên quan đến Giáo hội tại Á châu cũng như tầm nhìn sứ vụ của Hồng y tân cử cho tương lai của Giáo hội tại châu lục này .

ĐHY tân cử Sebastian Francis

ĐHY tân cử Sebastian Francis  

Trong số 21 vị sẽ được Đức Thánh Cha thăng Hồng y trong Công nghị vào ngày 30/9/2023 có Đức cha Sebastian Francis, 72 tuổi, người Malaysia gốc Ấn Độ. Từ tháng 7/2012 ngài là Giám mục Giáo phận Penang, Malaysia và từ tháng 1/2017 được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Malaysia, Singapore và Brunei.

Là thành viên Uỷ ban Trung ương của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (Fabc), Đức cha Francis cũng là một nhân vật được đánh giá cao trong xã hội dân sự của Malaysia: ngài là phó chủ tịch hội đồng liên tôn địa phương và vào năm 2016, ngài đã nhận được Giải thưởng Darjah Setia Pangkuan Negeri từ Thống đốc bang Penang.

Trang mạng Missions Etrangères de Paris đã có cuộc phỏng vấn với Đức cha Sebastian Francis về những vấn đề liên quan đến Giáo hội tại Á châu cũng như tầm nhìn sứ vụ của Hồng y tân cử cho tương lai của Giáo hội tại châu lục này .

** Sau khi biết tin có tên trong danh sách được Đức Thánh Cha thăng Hồng y, Đức cha đã tuyên bố muốn “làm chứng cho tính phổ quát của Giáo hội Công giáo”. Trong Công nghị sắp tới sẽ có nhiều Hồng y đến từ khắp các châu lục, vậy điều này có đặc biệt quan trọng với Đức cha không?

– Khi công bố danh sách tên các tân Hồng y, Đức Thánh Cha đã nói rằng “nguồn gốc của các vị thể hiện tính phổ quát của Giáo hội; hãy tiếp tục loan báo tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho mọi người trên trái đất”. Làm chứng cho tính phổ quát của Giáo hội Công giáo là trung thành với sứ vụ nền tảng của Giáo hội. Tính phổ quát của Giáo hội Công giáo bắt đầu với sự tuôn đổ Thánh Thần vào Lễ Ngũ Tuần, nơi sự hiệp nhất giữa các chủng tộc và văn hoá, người châu Á, người Do Thái, người Ả Rập và người Roma, cùng những người khác, đã được đề cập trong Công vụ 2, 9-11. Điều này khẳng định rằng tất cả chúng ta đều hiệp nhất trong sự đa dạng.

Việc bổ nhiệm các Hồng y từ khắp nơi trên thế giới chứng tỏ rằng dân Chúa trải nghiệm và cảm thấy cùng một cảm giác thuộc về Giáo hội hoàn vũ, không cảm thấy bị loại trừ hay cô lập. Trong lá thư bổ nhiệm tôi, Đức Thánh Cha đã bao gồm hai thuật ngữ diễn tả ý nghĩa đích thực của tính phổ quát: “phổ quát” chứ không phải “đồng nhất”. Giáo hội tiếp tục loan báo Tin Mừng, làm chứng và truyền bá sứ điệp Kitô giáo, Tin Mừng của niềm vui, lòng thương xót và hy vọng cho mọi chủng tộc và nền văn hoá ở Malaysia, châu Á và xa hơn nữa. Vai trò của tôi với tư cách là Giám mục Giáo phận Penang sẽ là tiếp tục làm chứng cho tất cả những điều này.

** Sứ vụ của Đức cha trong Giáo hội ở Malaysia và châu Á có thay đổi gì không khi Đức cha trở thành Hồng y?

–  Không thay đổi gì cả. Tuy nhiên, với tư cách là một Hồng y, tôi muốn sử dụng cách diễn đạt tiếng Mã Lai địa phương, “turun padang”, có nghĩa là “cúi xuống trước thực tế hiện tại”. Tôi cảm thấy có mối liên hệ sâu sắc với Giám mục đoàn, những người kế vị các Tông đồ. Hồng y đoàn không thay đổi quan điểm nền tảng và cơ bản này, mặc dù bao gồm Hồng y cử tri, những người tham gia mật nghị theo truyền thống Công giáo.

** Năm nay, Đức cha đã trải qua những sự kiện quan trọng như việc Nhà thờ Thánh Anna ở Bukit Mertajam, thuộc Giáo phận Penang, được nâng lên thành tiểu vương cung thánh đường. Đây có phải là nơi thờ phượng quan trọng đối với Giáo hội địa phương không?

– Nhà thờ Thánh Anna được thành lập vào năm 1846 bởi các nhà truyền giáo người Pháp thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP). Các nhà truyền giáo đã đến Bukit Mertajam để chăm sóc mục vụ cho các gia đình Công giáo trong khu vực. Cha Adolphe Couellan đã xây dựng nhà nguyện đầu tiên, hiện nay vẫn còn tồn tại ở địa điểm ban đầu. Bốn năm sau, cha François Allard trở thành linh mục thường trú đầu tiên. Chính cha Pierre Sorin đã xây một nhà thờ lớn hơn vào năm 1888. Nhà thờ này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Việc nâng Nhà thờ Thánh Anna lên thành một tiểu vương cung thánh đường là một cột mốc quan trọng đối với Giáo hội ở khu vực Malaysia- Singapore-Brunei, vì đây là vương cung thánh đường đầu tiên của chúng tôi. Lý do chính để thỉnh cầu Toà Thánh nâng nhà thờ này lên thành tiểu vương cung thánh đường là để tôn vinh những người hành hương thuộc mọi quốc tịch, tôn giáo, tín ngưỡng, chủng tộc và văn hóa tụ tập tại đây, vì tình yêu đặc biệt đối với Thánh Anna và Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ. Tuyên bố này cũng củng cố mối liên kết giữa Tiểu Vương cung Thánh đường Thánh Anna ở Malaysia với Giáo hội Rôma và cá nhân với Đức Thánh Cha.

Thánh đường Thánh Anna còn được gọi là Thánh đường Hoà hợp, đã trở thành điểm trung tâm của cuộc hành hương hàng năm trong dịp lễ Thánh Anna, được cử hành vào ngày 26/7 hằng năm. Cuộc hành hương hằng năm thu hút khoảng 250.000 người, cả Công giáo và không Công giáo, từ khắp nơi trên đất nước và các nơi khác trên thế giới. Nhiều người đã làm chứng về những phép lạ và phúc lành nhận được từ Thiên Chúa qua sự chuyển cầu của Thánh Anna.

** Năm 2023, Đức cha cũng trở thành chủ tịch Văn phòng Truyền thông Xã hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC). Trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 57, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Chúng ta đừng sợ phải công bố sự thật nhưng hãy sợ làm như vậy mà không có bác ái.” Tin Mừng được loan báo ở Malaysia như thế nào, nơi các Kitô hữu thường là thiểu số?

– Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm 2022. Chúng tôi là một lục địa rộng lớn với nhiều nền văn hoá, chủng tộc và tôn giáo. Sự kết hợp giữa văn hoá và tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng đối với việc hội nhập văn hoá đức tin. Chúng tôi có kế hoạch trở thành một giáo hội châu Á bản địa thực sự.

Liên quan đến thực trạng thiểu số, tôi nghĩ rằng chúng ta không nên coi một bộ phận nhỏ dân cư là thiểu số. Đã có quá nhiều nhãn mác dẫn đến những ý nghĩa tiêu cực. Sự phân chia giữa đa số và thiểu số, tự do và bảo thủ, hay cánh hữu và cánh tả là không phù hợp trong bối cảnh châu Á.

Chúng ta không được nhìn sang bên phải hay bên trái nhưng hãy hướng lên trên, hướng tới Vương quốc Thiên Chúa trên Thiên đàng: “Triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6, 10). Tại châu Á, Trời và Đất hợp nhất thành một thực tại duy nhất trong Vương quốc Thiên Chúa. Dụ ngôn hạt cải nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả một lượng đức tin nhỏ nhất cũng có thể dời núi, và dụ ngôn men dạy rằng Nước Thiên Chúa có thể có những khởi đầu khiêm tốn, nhưng sẽ lớn lên và phát triển ảnh hưởng từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài.

Đây là lý do tại sao người Công giáo sẽ hành động trong một nền văn hoá như men, như những tác nhân thay đổi, dần dần thay đổi nền văn hoá từ bên trong để hội nhập các giá trị của Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Chúng ta phải sống hoà hợp với căn tính Kitô giáo của mình giữa sự đa dạng về văn hoá và tôn giáo. Đó là châu Á!

** Vào năm 2017, Đức cha cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Malaysia- Singapore-Brunei, và là Phó Chủ tịch Hội đồng Liên tôn của Hội đồng này. Đây là một trong những vấn đề cơ bản đối với Giáo hội trong khu vực…

Thông điệp Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha “về tình huynh đệ và tình bạn xã hội” là con đường hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp, công bằng và hoà bình hơn. Chúng ta phải sống hoà hợp với những người Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ và các tín ngưỡng khác, như một gia đình nơi chúng ta là anh chị em trong nhân loại. Tôi đã gặp nhiều nhà lãnh đạo tinh thần của Hồi giáo và các tôn giáo khác, và nhiều người có chung mong muốn về tình huynh đệ và tình nhân đạo.

Nhiều lần chúng tôi đã đề cập đến tình huynh đệ nhân loại bao gồm tất cả mọi người và hợp nhất họ thành một nhân loại duy nhất. Chúng tôi kêu gọi người dân Malaysia và những người thiện chí phấn đấu vì sự hòa hợp và thống nhất trong sự đa dạng. Phải có tình yêu thương, sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, nhất là khi chúng ta đang sống trong một đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo và đa văn hoá.

Trong các cuộc gặp gỡ liên tôn, cá nhân tôi đã chia sẻ về Thông điệp Fratelli Tutti. Lòng trắc ẩn là một thuộc tính quý giá, cả trong Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác, phải là nguyên tắc cơ bản của chúng ta, đặc biệt khi đối xử với người nghèo, trẻ mồ côi, người bệnh, người vô gia cư, nơi trú ẩn và những người cần giúp đỡ nhất.

Trong các cuộc họp mặt liên tôn với anh em Hồi giáo, chúng tôi luôn chia sẻ với các tham dự viên một bản sao của “Tài liệu về tình huynh đệ nhân loại vì hoà bình thế giới và sự sống chung”, tuyên ngôn Al Azhar, được Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Iman Ahmad al Tayyeb của Đền thờ và Đại học Al Azhar ký chiều ngày 04/02/2019. Tài liệu này khuyến khích người Công giáo và người Hồi giáo, cũng như tất cả những ai tin vào Thiên Chúa, cùng nhau hợp tác để xây dựng một nền văn hoá hoà bình, tình yêu và tình huynh đệ. Tài liệu này luôn giúp phá vỡ bầu khí lạnh lùng, và một khi họ nhìn thấy những bức ảnh Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Iman Ahmad al Tayyeb ôm nhau, luôn gợi lên những nụ cười và những trao đổi thân mật.

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-09/dhy-tan-cu-sbastian-francis-kito-huu-a-chau-can-tinh-kito.html