23/11/2024

Indonesia sẽ chính thức sử dụng thuật ngữ “Yesus Kristus” khi đề cập đến Chúa Giêsu, thay vì thuật ngữ Hồi giáo

Indonesia sẽ chính thức sử dụng thuật ngữ “Yesus Kristus” khi đề cập đến Chúa Giêsu, thay vì thuật ngữ Hồi giáo

Trong một thông cáo vào ngày 12/9/2023, Bộ trưởng Điều phối Phát triển Con người và Văn hoá, Muhadjir Effendy, cho biết, nhằm đáp lại yêu cầu của các Kitô hữu, chính phủ đã quyết định chính thức thay thế thuật ngữ Hồi giáo “Isa Almasih” bằng “Yesus Kristus”, thuật ngữ chính thức mà các Kitô hữu Indonesia sử dụng khi đề cập đến Chúa Giêsu Kitô.

Lễ Giáng sinh tại một nhà thờ ở Indonesia

Lễ Giáng Sinh tại một nhà thờ ở Indonesia  (ANSA)

Từ lâu các Kitô hữu Indonesia đã yêu cầu không sử dụng các thuật ngữ Hồi giáo khi đề cập đến Chúa Giêsu Kitô trong các thông tin liên lạc chính thức.

Ông Effendy cho biết chính phủ sẽ sử dụng thuật ngữ Yesus Kristus trong các tài liệu chính thức, ví dụ như trong danh sách các ngày lễ nghỉ tôn giáo của quốc gia.

Ông Saiful Rahmat Dasuki, Thứ trưởng Bộ Tôn giáo, cho biết sự thay đổi này được khởi xướng bởi đề xuất của các Kitô hữu Tin Lành và Công giáo. Theo họ, tên được chọn để gọi nên được thay đổi theo những điều họ tin tưởng.

Trong lịch chính thức của Indonesia, chính phủ xác định ba ngày lễ nghỉ quốc gia liên quan đến Kitô giáo là Lễ Giáng Sinh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Lễ Thăng thiên. Trước đây, những ngày lễ này được gắn với thuật ngữ Isa Almasih, do đó, các ngày lễ lần lượt được gọi là ngày sinh của Isa Almasih, Sự chết của Isa Almasih và Sự Thăng thiên của Isa Almasih.

Khác biệt giữa hai tên “Isa Almasih” và “Yesus Kristus”

Cha Bernardinus Andereas Atawolo, giảng viên thần học tín lý tại Trường Triết học Driyarkara có trụ sở tại Jakarta, đánh giá cao sự thay đổi này. Cha nói: “Danh từ ‘Chúa Giêsu Kitô’ chứa đựng một ý nghĩa gần gũi hơn với tâm hồn người Kitô hữu: danh từ nói đến thiên tính của Chúa Giêsu; Người là Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ thế giới.”

Fransiskus Borgias, một nhà thần học giáo dân ở Tây Java cho biết: “Đây là một bước đột phá dũng cảm” vì “quyết định này giả định một số nền tảng thần học đặc biệt.” Theo ông, đó là sự thừa nhận rằng Chúa Giêsu của các Kitô hữu không giống với Isa của truyền thống Hồi giáo. Ông nói thêm: “Mặc dù người ta thường nói rằng Isa và Chúa Giêsu giống nhau, nhưng thực ra là khác nhau, không chỉ về mặt thần học mà còn về mặt xã hội học.”

Ông Borgias giải thích thêm rằng Chúa Giêsu là con Đức Maria và Thánh Giuse trong Kinh Thánh, còn Đức Maria là con của hai thánh Gioakim và Anna. Nhưng trong Hồi giáo, Isa là “con của bà Miriam, em gái của ông Môse và Aaron. Vì vậy, Chúa Giêsu là cháu của ông Môsê. Điều như vậy là không thể xảy ra theo niên đại của Kitô giáo và Do Thái giáo.”

Hơn nữa, theo Hồi giáo, Isa là một ngôn sứ và không “chết trên thập giá”. Còn theo “các Tin Mừng và lịch sử ngoài Kinh Thánh, Chúa Giêsu đã chết trên thập giá và vào ngày thứ ba đã sống lại từ cõi chết”.

Do đó, theo ông Borgias, sự thay đổi thuật ngữ này là một bước đáng hoan nghênh, “mô tả sự hiểu biết và kinh nghiệm về đức tin Kitô giáo dựa trên Kinh Thánh”. (Ucan News 12/09/2023)

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2023-09/indonesia-su-dung-thuat-ngu-yesus-kristus-khi-de-cap-chua-giesu.html