23/12/2024

Chúa Nhật XXIII TN A 2023: Món nợ tình yêu

Chúa Nhật XXIII TN A 2023

Món nợ tình yêu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay nói đến những hành động con người phải làm cho nhau để cho cộng đồng xã hội hạnh phúc hơn, như cảnh báo người tội lỗi để họ hối cải trong Bài đọc I (x. Ed 33,7-9), sửa lỗi cho người phạm tội trong bài Tin Mừng (x. Mt 18,15-20). Đây là món nợ tương thân tương ái được thánh Phaolô khuyên dạy trong Bài đọc II (x. Rm 13,8-10): “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ yêu thương nhau, vì yêu thương là chu toàn lề luật”.

Nhưng sao ta lại can thiệp vào những chuyện phiền toái của người khác như thế trong khi ta cũng còn nhiều lầm lỗi như họ. Sợ rằng: “Chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người!”. Ta chỉ có thể hiểu được lý do tại sao, nếu biết con người thật sự là ai, với phẩm giá vô cùng cao quý của mình.

HÃY SỬA LỖI CHO NHAU.(Mt 18,15)

1. Con người có phẩm giá vô cùng cao quý

Chúa Nhật XX vừa qua, chúng ta đã tìm hiểu những khám phá mới nhất của khoa học về con người. Chúng ta biết rằng cấu trúc ADN gồm 3 tỉ base trong 23 đôi nhiễm sắc thể của con người đồng nhất với nhau để tất cả chúng ta hợp thành một đại gia đình nhân loại. Hơn nữa, 75 ngàn tỉ tế bào sống động trong cơ thể con người lại chỉ gồm những chất vô cơ như Carbon, Hydrô, Ôxy, Nitơ… đổi thay từng giây phút. Cuối cùng, nếu phân tích thấp hơn các chất vô cơ đó, ta thấy thân xác mình chỉ là một khối trống rỗng với các nhân proton và âm điện tử xoay quanh ở cách xa nhau. Vậy mà mỗi người chúng ta vẫn ý thức mình là một ngôi vị, một chủ thể trong suốt cuộc đời, chứ không phải là một khối vật chất vô hồn.

Tất cả như mời gọi ta tìm hiểu tinh thần con người thật sự là gì vì chính tinh thần định hình cho thân xác vật chất không ngừng biến đổi này. Ta đang sống, đang nghĩ, đang yêu, nhưng sự sống, tư tưởng, tình yêu lại không tìm thấy trong bất cứ một bộ phận nào của cơ thể, dù với máy móc tinh vi hiện đại nhất, vì chúng là những giá trị tinh thần của con người. Chúng bắt nguồn từ một Đấng gọi là Thiên Chúa Tạo Hoá. Ngài là nguồn của mọi hiện hữu, nguồn của tình yêu, hạnh phúc, tự do, chân thiện mỹ,… Nhờ đó ta nhận ra mình có tinh thần không bị lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian và mở ra tới vô biên để tiếp xúc với Thiên Chúa và muôn vật, muôn người.

Tinh thần hay linh hồn này được định nghĩa là “tổng thể nói chung những ý nghĩ, tình cảm, hoạt động thuộc về đời sống nội tâm của con người” (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2013, Vietlex, mục từ “Tinh thần”, tr. 1281). Linh hồn, theo Thánh Kinh, chỉ “toàn bộ nhân phẩm” (x. Mc 14,34; Lc 1,46); hay chỉ “cái thâm sâu nhất, giá trị nhất trong con người” (x. GLHTCG, số 363), làm cho con người là hình ảnh của Thiên Chúa và bất tử (x. St 2,7.27; Mt 10,28).

Linh hồn con người được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng, chứ không phải do cha mẹ sinh ra. Linh hồn và thân xác, khi còn sống tại thế, kết hợp mật thiết với nhau trong một ngôi vị hay chủ thể duy nhất; khi chết, xác hồn tách rời nhau, nhưng sẽ tái hợp với nhau vào ngày sống lại sau hết, trong một dạng thức mới như Đức Giêsu Phục Sinh (x. GLHTCG, số 365,366; x. HĐGMVN, Từ điển Công giáo 2019, Mục từ “Linh hồn”, tr. 533-534).

Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh mình (x. St 1,26-27). Vì thế, con người là thụ tạo duy nhất thể hiện Đấng Tạo Hoá trong công trình tạo dựng và là “sinh vật duy nhất trên trái đất mà Thiên Chúa muốn có mặt, vì lợi ích riêng của chính họ” (x. Gaudium et Spes, số 24). Vì là một ngôi vị do Thiên Chúa tạo dựng, nên mỗi người không phải là một thứ gì đó, mà là một ai đó và có giá trị độc nhất, vô cùng cao quý. Chúng ta gọi đó là nhân phẩm hay phẩm chất và giá trị của con người.

“Vì là một ngôi vị nên con người có khả năng nhận biết bản thân và suy ngẫm về chính mình, đưa ra những quyết định tự do và bước vào mối tương quan với những người khác để tạo nên cộng đồng xã hội” (x. Docat, số 47). Tuy nhiên cũng vì được tự do, nên khi chiều theo những tham vọng và dục vọng, con người đã gây nên tội ác và lầm lỗi. Vì thế họ cần phải được giúp đỡ để nhận ra lầm lỗi và sửa đổi chính mình.

Hơn nữa, vì Thiên Chúa vẫn yêu thương con người sau khi họ phạm tội, cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa nên đã sai Con Một của Ngài làm người để cứu độ và làm cho tất cả trở thành con cái của Ngài. “Vì thế không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả chúng ta chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô” (Gl 3,28).

Nếu đã coi nhau như là chi thể trong thân thể nhiệm mầu của Đức Giêsu Kitô, thì ta có trách nhiệm phải làm cho thân thể đó an toàn, lành mạnh, và phát triển bằng việc cảnh báo lỗi lầm cho nhau, sửa chữa những ai phạm tội, sẵn sàng chịu đựng những nhục mạ và cả cái chết như Đức Giêsu để đền tội cho anh chị em mình, vì Người đã dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chỉ có tình yêu như thế, ta mới phát huy được những ân sủng Chúa ban để trở thành, không phải chỉ là một con người vĩ đại, nhưng là con Thiên Chúa hằng sống, tuyệt đối và cao cả vô cùng.

2. Món nợ tình yêu

Khi hiểu được phẩm giá cao quý của mỗi người như thế, chúng ta có trách nhiệm tinh thần đối với anh chị em mình, không thể để mặc kệ ai muốn làm gì thì làm. Ta không thể nhân danh chiêu bài “tôn trọng tự do và sự riêng tư của người khác” để sống thu mình vào trong vỏ ốc dửng dưng, lãnh đạm của những con người ích kỷ. Tại sao?

Trước hết, vì chúng ta đều thuộc về gia đình nhân loại nên phải làm cho gia đình này được bình an, phát triển, hạnh phúc. Thứ hai, chúng ta đều là con cái của Cha Trên Trời, người Cha này muốn tất cả chúng ta cùng giúp nhau trở nên hoàn thiện như Cha là Đấng hoàn thiện. Thứ ba, chúng ta đều là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, bất cứ chi thể nào yếu kém đều ảnh hưởng đến sự sống của toàn thân. Vì thế chúng ta có nhiệm vụ cùng giúp nhau vượt qua những lầm lỗi, yếu kém về thể xác cũng như về tinh thần.

Cuộc đấu tranh chống lại tội lỗi vừa mang tính cách quyết liệt nghĩa là chúng ta cương quyết loại trừ chúng ra khỏi cộng đồng nhân loại, nhưng đồng thời vừa phải thực hiện bằng tình yêu khiêm tốn và nhẫn nại, bởi vì tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau trong gia đình Thiên Chúa, đều là những tội nhân còn nhiều thiếu sót như bất cứ ai. Chúng ta mắc nợ tình yêu với Chúa vì Ngài ban bao ân phúc cho ta: mỗi ngày ta thở hơn 10 ngàn lít không khí mà chưa trả cho Chúa một xu nhỏ, mỗi ngày ta suy nghĩ, yêu thương, cảm nhận niềm vui và hạnh phúc nhưng chưa trả cho Ngài một lời cảm ơn.

Chúng ta mắc nợ nhau, vì những ân phúc ta có được đó, bắt nguồn từ những cố gắng, hy sinh, chịu đựng của bao người trên khắp thế giới cũng như trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Bát cơm ta ăn có khi còn thấm máu đào của người nông dân bị cụt chân vì một trái mìn nổ chậm còn sót lại trên ruộng đồng. Miếng cá ta ăn có thể phải đánh đổi bằng mạng sống của người ngư dân chết chìm trong cơn bão tố. Bài học vật lý, hoá sinh ta học hôm nay có thể đã được đánh đổi bằng mạng sống của các nhà khoa học làm việc miệt mài trong phòng thí nghiệm. Niềm vui hay thành công của ta hôm nay có thể nhờ vào lời cầu nguyện của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng trong cuộc xung đột ở Ucraina.

Kết luận

Vì thế tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với nhau và giúp nhau sống tốt đẹp. Đó là món nợ tương thân tương ái mà chúng ta mắc với nhau trong cuộc sống và cố gắng trang trải hết nợ cho nhau vào lúc cuối đời, để khi ra trình diện trước mặt Chúa, chúng ta cùng vui mừng với muôn vật, muôn loài. Amen.

HKK