23/12/2024

Đức Thánh Cha làm phép “Ngôi nhà Thương xót” của Giáo hội Mông Cổ

Đức Thánh Cha làm phép “Ngôi nhà Thương xót” của Giáo hội Mông Cổ

Thứ Hai 4/9/2023, trước khi từ giã Mông Cổ, Đức Thánh Cha đã gặp các nhân viên của các tổ chức bác ái ở Mông Cổ và làm phép và khánh thành Ngôi nhà Thương xót, một cơ sở bác ái của Phủ doãn Tông toà Ulaanbaatar.

2023.09.04 Viaggio Apostolico in Mongolia - Incontro con gli operatori della carita'

Ngôi nhà Thương xót

Ngôi nhà Thương xót nằm trong một cơ sở giáo dục cũ, trước đây thuộc sở hữu của các nữ tu Dòng Saint Paul de Chartres, ở quận Bayangol, thuộc khu vực trung tâm thành phố. Cơ sở bác ái ra đời từ sáng kiến của các vị lãnh đạo Giáo hội địa phương và Đức Hồng y Giorgio Marengo, Phủ doãn Tông toà Ulaanbaatar, và nhờ sự trợ giúp của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo của Úc, tổ chức Catholic Mission.

Cơ sở bác ái hiện có nơi đón tiếp tạm thời dành cho người nghèo, một phòng khám chăm sóc y tế cho người vô gia cư và các nạn nhân bạo lực gia đình. Ngôi nhà còn là nơi cư trú tạm thời cho người di cư và hỗ trợ ban đầu cho họ. Các nhân viên của cơ sở hoạt động có tương quan chặt chẽ với các cơ sở y tế, với cảnh sát địa phương và các nhân viên trợ giúp xã hội.

Đức Thánh Cha làm phép Ngôi nhà Thương xót
Đức Thánh Cha làm phép Ngôi nhà Thương xót

Ngôi nhà là nơi chào đón những người dễ bị tổn thương

Đến Ngôi nhà Thương xót, Đức Thánh Cha được giám đốc cơ sở đón tiếp giữa tiếng hát chào mừng của những người hiện diện. Chào mừng Đức Thánh Cha, thầy Anrê Trần Lê Phương, Dòng Don Bosco, đã trình bày với Đức Thánh Cha về mục đích của Ngôi nhà là đến gần với những người sống bên lề xã hội. Ngôi nhà là nơi mọi người được chào đón, nơi đón tiếp những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là các phụ nữ và trẻ em, để họ có thể sống trong môi trường yêu thương, an toàn và bình an. Đây cũng là trung tâm mà các tổ chức của Giáo hội đang hoạt động trong các lĩnh vực công bằng xã hội và trợ giúp người khốn khổ có thể quy tụ và trở thành một thực tại, một sự đóng góp chung và cụ thể của Giáo hội ở Mông Cổ.

Thầy Anrê Trần Lê Phương, dòng Don Bosco, giám đốc Ngôi nhà Thương xót
Thầy Anrê Trần Lê Phương, dòng Don Bosco, giám đốc Ngôi nhà Thương xót

Tiếp đến, Sơ Veronica Kim, Dòng Saint Paul de Chartres, đại diện cho nhóm y tế, chia sẻ về hoạt động của phòng khám Đức Maria. Sơ cho biết trong 5 năm vừa qua, mỗi năm phòng khám này chăm sóc cho trung bình từ 10.000 đến 12.000 bệnh nhân, với các hoạt động chăm sóc y khoa và thuốc men cho những người không thể đến bệnh viện vì không có giấy tờ tuỳ thân, phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bệnh tim, cung cấp các loại thuốc không dễ có ở Mông Cổ và khi cần thiết, hỗ trợ tài chính cho chi phí phẫu thuật, các nhu cầu cơ bản và chi phí y tế.

Từ một lần nhìn thấy những người vô gia cư chịu giá rét vào mùa đông, sơ bắt đầu phân phát trà và bánh mì vào buổi sáng; và sau một lần bị mất giày, sơ đã cung cấp giày cho những người thiếu thốn.

Sơ Kim chia sẻ: “Trong 8 năm qua, thực tế con đã thấy mình còn nghèo hơn những người mà chúng con phục vụ. Thực ra, ở bên họ, chính con là người dần dần tìm thấy sự an ủi và được bảo vệ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của thế giới vật chất của chúng ta. Mặc dù không phải lúc nào cũng dễ dàng phục vụ tất cả những người đến đây hàng ngày để tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng những trải nghiệm này đã dạy con mở lòng mình với Thiên Chúa và nhắc con nhớ rằng Người có một kế hoạch dành cho con. Con chân thành hy vọng rằng công việc của Phòng khám Đức Maria có thể mang lại niềm vui cho Thiên Chúa và người nghèo.”

Sơ Veronica Kim, dòng Saint Paul de Chartres
Sơ Veronica Kim, dòng Saint Paul de Chartres

Tiếp đến là chứng từ của Lucia Otgongerel, một người khuyết tật. Lucia được mời đến Giáo hội Công giáo vào năm 2002, với sự trợ giúp của các nữ tu dòng truyền giáo Consolata. Cô đã cảm nhận được Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá vì mình, vì tình yêu, vì các tội lỗi của mình, và cô cảm nhận rằng cô cần vui lòng vác thập giá. Cô đã vui tươi chấp nhận thập giá của sự khuyết tật. Cô đã nói với nhiều anh chị em bị khuyết tật rằng Thiên Chúa ban cho mỗi người cơ hội và tùy thuộc cách chúng ta đón nhận cơ hội này mà cuộc đời của chúng ta được đầy tràn tình yêu Chúa. Cô nói: “Tôi thiếu hai tay và hai chân, nhưng tôi muốn nói rằng tôi là người may mắn nhất thế giới. Bởi vì tôi đã quyết định chấp nhận hoàn toàn tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu của Chúa Giêsu.” Lucia kết thúc chứng từ với Thánh vịnh 23: “Chúa là mục tử của con, con chẳng thiếu thốn gì.”

Cô Lucia Otgongerel, một người khuyết tật
Cô Lucia Otgongerel, một người khuyết tật
Hồng Thuỷ
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-09/ngoi-nha-thuong-xot-giao-hoi-mong-co.html