23/12/2024

Hoạt động loan báo Tin Mừng của Dòng Thừa sai Scheut ở Mông Cổ

Hoạt động loan báo Tin Mừng của Dòng Thừa sai Scheut ở Mông Cổ

Dòng Thừa sai Scheut (CICM) hay còn gọi là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Maria, đã hiện diện tại Mông Cổ vào đầu những năm 1990. Trong những ngày này, cùng với 1.500 tín hữu, các tu sĩ vui mừng chào đón sự hiện diện của người kế vị Thánh Phêrô đến viếng thăm.

People install a poster with an image of Pope Francis outside the bishop’s house, where he is expected to stay during his Apostolic Journey, one day ahead of his arrival in Ulaanbaatar

Cha Gilbert Sales, năm nay 60 tuổi, người Philippines, tu sĩ Dòng Thừa sai Scheut (CICM) đã đến Mông Cổ từ khi Giáo hội tại đây được tái sinh. Cha kể lại hành trình sứ vụ của cha và các anh em trong hội dòng như sau: “Chúng tôi bước những bước đầu tiên trong sứ vụ ở Mông Cổ với một cảm xúc nhất định và xúc động. Vào ngày 10/7/1992, chúng tôi e dè đến một đất nước xa lạ, chỉ được nâng đỡ bởi sự đồng hành của Chúa Giêsu, Đấng chúng tôi kêu cầu trong mỗi bước hành trình. Trong một vùng đất không quen một người nào, không biết ngôn ngữ của người dân địa phương, chúng tôi cảm thấy như người xa lạ. Nhưng chúng tôi không bao giờ thiếu niềm tin. Chúng tôi chắc chắn về sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa chúng tôi và chúng tôi luôn tin tưởng rằng mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp. Chúa sẽ mở những cánh cửa mà chúng tôi đã gõ và đưa tay dẫn chúng tôi vào thảo nguyên lạnh giá và bao la xung quanh. Chúa đã dẫn tôi đến đó cùng với hai anh em khác. Hôm nay tôi có thể làm chứng rằng Thiên Chúa đã thực sự mở mọi cánh cửa, Chúa đã ban cho chúng tôi ân sủng và tình yêu của Người, những điều đã sinh hoa trái trên đất Mông Cổ và đã làm cho Giáo hội tái sinh.”

Đến Mông Cổ và một lần nữa loan báo Tin Mừng, với sự đơn sơ, kiên nhẫn và bác ái là một khoảnh khắc đặc biệt, một trải nghiệm sẽ còn mãi trong tâm hồn cha Gilbert.

Các nhà truyền giáo Mông Cổ
Các nhà truyền giáo Mông Cổ

Đáp lời mời gọi của Chúa khi có cơ hội

Sự hiện diện của ba nhà truyền giáo tại Mông Cổ vào năm 1992 là những bước đầu tiên của điều mà chính các tu sĩ gọi là “một sự tái sinh”. Bối cảnh chính trị thế giới đã thay đổi, với sự sụp đổ của bức tường Berlin, và chính phủ mới của Ulaanbaatar đã thể hiện mong muốn thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Toà Thánh, với thoả thuận các nhà truyền giáo có thể đến đất nước. Cha Gilbert nhớ lại: “Khi Toà Thánh bày tỏ sự sẵn sàng truyền giáo ở Mông Cổ, chúng tôi đã nhiệt thành đáp lời. Đối với chúng tôi đó là cơ hội và lời mời gọi mới từ Thiên Chúa. Thực tế, ngay từ những năm 1990, anh em chúng tôi đã có ý định mở một cộng đoàn ở Mông Cổ, nhưng dự án bị bỏ dở do chiến tranh. Lúc đó tôi được 30 tuổi, vừa thụ phong linh mục và tôi rất sẵn sàng không lo sợ, trái lại luôn tin tưởng vào Chúa Giêsu. Người kêu gọi tôi thực hiện một sứ vụ đặc biệt.”

Sau khi thời gian được đào tạo ở Đài Loan, ba tu sĩ được chọn đã đến Mông Cổ để thành lập cộng đoàn. Ba vị thừa sai tiên phong bắt đầu cuộc phiêu lưu truyền giáo đến thủ đô Ulaanbaatar giữa những hy vọng và những điều chưa biết, đánh dấu một giai đoạn mới. Cha Gilbert kể lại giai đoạn này: “Để có can đảm, mỗi ngày chúng tôi đọc một đoạn Tin Mừng, trong đó Chúa nói ‘Ở đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa họ’. Đoạn Tin Mừng này đã cho chúng tôi sức mạnh để luôn tin chắc vào sự quan phòng của Chúa.”

Được chính quyền hỗ trợ

Về phía chính quyền, cha cho biết các nhà truyền giáo được chính quyền tiếp đón rất tử tế. Chính quyền đã cử đại diện tới tận sân bay để chào đón các tu sĩ với tất cả vinh dự. Nhờ sự giúp đỡ của một quan chức người Pháp, các nhà truyền giáo đã có thể thuê một căn hộ nhỏ để định cư.

Như mọi hoạt động truyền giáo, bước đầu tiên khi đến Mông Cổ là học ngôn ngữ địa phương. Tiếng Mông Cổ rất khó học, các nhà truyền giáo cố gắng phát âm và đôi khi làm cho người địa phương phì cười nhưng họ không bỏ cuộc. Các tu sĩ ghi danh theo học ngôn ngữ ở trường, đồng thời cố gắng giao tiếp với mọi người. Và từng bước mọi người đã biết đến sự hiện diện của các nhà thừa sai cùng với những cử hành các Bí tích phù hợp với đức tin Công giáo.

Cộng đoàn Công giáo Mông Cổ
Cộng đoàn Công giáo Mông Cổ

Hãy đến mà xem

Các linh mục cử hành Thánh lễ trong một ngôi nhà. Một căn phòng của ngôi nhà đã được biến thành nhà nguyện. Đến tham dự Thánh lễ gồm các đại sứ Công giáo và đôi khi có một số người dân địa phương vì hiếu kỳ cũng đến tham dự. Cha Gilbert lưu ý đó là hình thức loan báo Tin Mừng đầu tiên, một sứ vụ Thánh Thể. Chúa Giêsu hiến thân cho nhân loại và trao ban chính mình cho cả người Mông Cổ. Sứ vụ được thực hiện nhờ những tiếp xúc không chính thức và những người đã đáp lại lời mời gọi “hãy đến mà xem”. Cha nói: “Chúng tôi đón tiếp tất cả mọi người với nụ cười đầy niềm vui. Người dân đến nói chuyện và hỏi chúng tôi về đức tin của chúng tôi, về Chúa Giêsu. Sau đó, những người Mông Cổ đầu tiên đến tham dự Thánh lễ. Chúng tôi không bao giờ thiếu tin tưởng vào Chúa, Đấng mỗi ngày tỏ cho chúng tôi tình yêu của Người và hành động bằng cách chạm đến tâm hồn mọi người.”

Ba nhà truyền giáo dần dần bắt đầu hòa nhập vào một bối cảnh hoàn toàn mới, có những mối quan hệ con người đầu tiên và thiết lập tương quan tình bạn với người dân địa phương, nhưng cũng thiết lập mối liên hệ với các tổ chức dân sự, xã hội và văn hoá. Các tu sĩ đã cung cấp các kỹ năng và nguồn lực của mình và chẳng bao lâu sau, cha Gilbert Sales, một mặt là người đang học tiếng Mông Cổ, mặt khác đã tổ chức một khoá học tiếng Anh tại trường Đại học, dạy những người trẻ Mông Cổ.

Trung tâm Chăm sóc Verbist

Trong khuôn khổ này, những hoạt động xã hội đầu tiên do cộng đoàn Công giáo bé nhỏ ra đời. Cha Gilbert nói: “Tôi từng thấy nhiều thanh thiếu niên đi lang thang một mình trên đường phố. Các bạn học ở đại học giải thích cho tôi rằng đó là những trẻ em đường phố Ulaanbaatar. Trong mùa đông lạnh âm 40 độ C, các em thường tìm cách trốn lạnh dưới các cống rãnh nơi có đường ống dẫn nhiệt đi qua. Tôi đã tìm đến với các em trong những ngôi nhà nghèo nàn, những người trẻ từ 8 đến 15 tuổi thường nghiện rượu, bạo lực, bệnh tật và dễ bị tổn thương trong hoàn cảnh quan hệ tình dục bừa bãi. Tôi đến với các em và tâm hồn trào dâng niềm thương cảm đối với thế hệ trẻ bị lãng quên. Tôi trở lại với các em nhiều lần sau đó và mang theo thức ăn cho các em. Dần dần giữa chúng tôi trở nên thân thiết hơn, các em đã nở nụ cười và tin tưởng chúng tôi. Chúng tôi cố gắng đưa các em ra khỏi những cạm bẫy đen tối của cuộc đời.”

Như thế sáng kiến bác ái xã hội đầu tiên của các nhà truyền giáo mới đã được hình thành: một trung tâm dành cho các trẻ em đường phố do cha Gilbert điều hành, nằm ờ tầng trệt của một toà nhà ở thủ đô. Đó là Trung tâm Chăm sóc Verbist chính thức mở cửa vào năm 1995. Cha Gilbert nói: “Các trẻ em đường phố bắt đầu đón nhận lời mời gọi thay đổi cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi dành cho các em sự chăm sóc, tình thương. Các em đến từ những gia đình có cha mẹ nghiện rượu hoặc bạo hành. Với chúng tôi, các em bắt đầu phục hồi chiều kích của những người bé nhỏ không có khả năng tự vệ và cần được yêu thương. Trung tâm được trang bị để cung cấp thức ăn, chỗ ở, chăm sóc y tế và giáo dục giúp các em tái hoà nhập xã hội. Nhiều em trong số này giờ đây đã hoàn thành đại học, có việc làm ổn định và là những người cha của gia đình. Một số vẫn còn liên lạc với chúng tôi. Họ mãi biết ơn vì sự giúp đỡ đã làm thay đổi cuộc đời họ. Tôi luôn nói với họ cùng ca tụng Chúa.”

Cộng đoàn Công giáo Mông Cổ
Cộng đoàn Công giáo Mông Cổ

Chứng tá Tin Mừng thu hút người dân Mông Cổ

Chứng tá Tin Mừng của các nhà truyền giáo đã thu hút người dân Mông Cổ. Các linh mục bắt đầu cử hành bí tích rửa tội đầu tiên. Cha Gilbert vẫn còn nhớ cảm xúc của người được rửa tội đầu tiên. Đó là một cậu bé người Mông Cổ được người Anh nhận làm con nuôi và lấy tên thánh rửa tội là Phêrô. Mọi người đều hát bài ca ngợi khen Chúa vì công trình Người đang thực hiện. Như vậy, trong những năm đầu tiên một cộng đoàn khoảng 30 người Công giáo Mông Cổ đã được hình thành. Đó thực sự là một cộng đoàn của các môn đệ, với đặc điểm giúp phân biệt: niềm vui, niềm vui được yêu thương, được Chúa Kitô cứu độ và mang tình yêu Chúa đến với những người lân cận.

Dần dần nhờ sự hỗ trợ của Toà Thánh và của các ân nhân từ khắp nơi trên thế giới, Giáo hội bé nhỏ Mông Cổ được phong phú có thêm các hoạt động mục vụ và xã hội, với sự hiện diện của các cộng đoàn tu sĩ.

Đức cha Wenceslao Padilla, người phụ trách sứ vụ, ngay lập tức có cái nhìn bao quát và muốn mời các hội dòng từ khắp nơi trên thế giới, với đoàn sủng đóng góp cho sứ vụ tại đất nước Trung Á mênh mông. Nhiều dòng tu đã đáp ứng tích cực lời mời và các nhà truyền giáo, các tu sĩ mới bắt đầu đến từ châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ Latinh. Các tu sĩ giúp thành lập các giáo xứ, trường kỹ thuật, trung tâm trẻ mồ côi, nhà cho người già, phòng khám nơi tạm trú cho những người bị bạo hành gia đình và các trường mẫu giáo. Ưu tiên việc thành lập các cơ sở này ở các vùng ngoại ô, nơi thiếu các dịch vụ cơ bản, mang lại thiện ích trước hết cho người nghèo.

Sứ vụ từng bước phát triển. Trong khoảng 10 năm, một Trung tâm Mục vụ Công giáo được thành lập và sau đó một nhà thờ, hiện nay là Nhà thờ Chính toà Ulaanbaatar, được cung hiến trong năm 2002. Lúc đó Đức cha Padilla, Phủ doãn Tông toà, đã nói rằng cần có một trung tâm và một nhà thờ để mang lại cho đất nước, chính quyền dân sự và dân chúng ý tưởng về một sự hiện diện ổn định và để nói: Chúng tôi đang ở đây, Mông Cổ và chúng tôi muốn ở lại, chúng tôi không phải chỉ là những người qua đường, dừng chân tạm thời. Chúng tôi muốn ở lại với anh chị em luôn mãi, như tình thương Chúa không bao giờ bỏ rơi.

Chuẩn bị chào đón ĐTC
Chuẩn bị chào đón ĐTC

Ơn gọi linh mục bản xứ đầu tiên

Ơn gọi linh mục đầu tiên của một thanh niên Mông Cổ được hình thành, và đồng thời hoạt động của các giáo lý viên và tình nguyện viên được tổ chức và củng cố, các giáo xứ được khai sinh. Cha Gilbert Sales được hội dòng chuyển qua một sứ vụ khác ở Philippines và vì thế ngài rời Mông Cổ khi cộng đoàn Công giáo ở đây có hơn 300 tín hữu và đang được mở rộng ra ngoài thủ đô Ulaanbaatar. Giờ đây, nhân dịp Đức Thánh Cha viếng thăm, cha trở lại đây với lòng biết ơn sâu sắc. Cha được gặp gỡ và chào đón bởi các tín hữu vẫn còn nhớ đến cha với tình cảm sâu sắc. Với cộng đoàn nơi dường như đã để lại một phần tâm hồn, cha muốn nói: “Anh chị em thân mến hãy tiến bước với sự kiên nhẫn. Chúa Thánh Thần thổi khi nào và nơi nào Người muốn sinh hoa trái. Hãy để chỗ cho ân sủng Chúa để Người có thể hướng dẫn những bước chân của anh chị em. Chúa đã làm và sẽ làm những điều vĩ đại. Chúng ta hãy cùng hát lên bài magnificat.”

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-08/hoat-dong-loaa-bao-tin-mung-dong-thua-sai-scheut-mong-co.html