ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý Niềm Đam Mê Rao Giảng Tin Mừng: Lòng nhiệt thành tông đồ.
19. Cầu nguyện và phục vụ với niềm vui: Kateri Tekakwitha, vị thánh bản địa đầu tiên của Bắc Mỹ

Cầu mong chúng ta cũng như Thánh Kateri Tekakwitha, nhận được sức mạnh từ Chúa và học cách làm những việc bình thường theo những cách phi thường…

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Đại Thánh đường Phaolô VI
Thứ Tư, 30 tháng 8 năm 2023

____________________________

Loạt Bài Giáo lý Về Niềm Đam Mê Rao Giảng Tin Mừng:
Lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu.

Bài 19. Cầu nguyện và phục vụ với niềm vui: Kateri Tekakwitha, vị thánh bản địa đầu tiên của Bắc Mỹ

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Bây giờ, tiếp tục bài giáo lý về chủ đề lòng nhiệt thành tông đồ và niềm đam mê loan báo Tin Mừng, hôm nay chúng ta nhìn vào Thánh Kateri Tekakwitha, người phụ nữ bản địa Bắc Mỹ đầu tiên được phong thánh. Sinh vào khoảng năm 1656 tại một ngôi làng ở ngoại ô New York, cô là con gái của một tù trưởng Mohawk chưa được rửa tội và một bà mẹ Kitô hữu người Algonquin, người đã dạy Kateri cầu nguyện và hát thánh ca tôn vinh Thiên Chúa. Nhiều người trong chúng ta cũng được dẫn nhập về Chúa lần đầu tiên trong môi trường gia đình, đặc biệt là từ mẹ và bà của chúng ta. Đây là cách việc truyền giáo bắt đầu và quả thực, chúng ta không nên quên rằng đức tin luôn được các bà mẹ, các bà nội ngoại truyền đạt bằng phương ngữ này. Đức tin nên luôn được truyền tải bằng phương ngữ, và chúng ta đã nhận được nó bằng phương ngữ từ các người mẹ và người bà. Việc truyền giảng Tin Mừng thường bắt đầu như thế này: bằng những cử chỉ đơn giản, nhỏ nhoi, chẳng hạn như cha mẹ giúp con cái học cách nói chuyện với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện và kể cho chúng nghe về tình yêu vĩ đại và thương xót của Người. Và nền tảng đức tin đối với Kateri, và thường đối với cả chúng ta nữa, đã được đặt theo cách này. Cô đã nhận được nó từ mẹ cô bằng phương ngữ, phương ngữ của đức tin.

Khi Kateri lên bốn tuổi, một trận dịch đậu mùa nghiêm trọng ập đến với người dân của cô. Cả cha mẹ và em trai cô đều qua đời, còn bản thân Kateri thì để lại những vết sẹo trên mặt và các vấn đề về thị lực. Từ đó trở đi, Kateri phải đối mặt với nhiều khó khăn: chắc chắn là những khó khăn về thể chất do ảnh hưởng của bệnh đậu mùa, nhưng cũng có cả những hiểu lầm, bắt bớ và thậm chí cả những lời đe dọa tử vong mà cô phải chịu sau khi chịu Phép rửa vào Chúa nhật Phục sinh năm 1676. Tất cả những điều này đã mang lại cho Kateri một tình yêu lớn lao đối với Thập Giá, dấu chỉ dứt khoát tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình cho đến cùng vì chúng ta. Thật vậy, việc làm chứng cho Tin Mừng không chỉ là những gì làm hài lòng; chúng ta cũng phải biết cách vác thập giá hàng ngày của mình với lòng kiên nhẫn, tin tưởng và hy vọng. Kiên nhẫn trước những khó khăn, trước thập giá: kiên nhẫn là một nhân đức lớn lao của Kitô giáo. Ai không kiên nhẫn thì không phải là một Kitô hữu tốt. Kiên nhẫn để bao dung: bao dung với người khác, những người đôi khi gây khó chịu hoặc gây khó khăn. Cuộc đời của Kateri Tekakwitha cho chúng ta thấy rằng mọi thử thách đều có thể vượt qua nếu chúng ta mở lòng ra với Chúa Giêsu, Đấng ban cho chúng ta ân sủng mà chúng ta cần. Sự kiên nhẫn và tấm lòng rộng mở với Chúa Giêsu – đây là công thức để sống tốt.

Sau khi được rửa tội, Kateri buộc phải ẩn náu giữa những người Mohawks trong cơ sở truyền giáo Dòng Tên gần thành phố Montreal. Ở đó, cô tham dự Thánh lễ mỗi sáng, dành thời gian để chầu Thánh Thể, lần hạt Mân côi và sống một cuộc đời sám hối. Những thực hành tâm linh này của cô đã gây ấn tượng với mọi người ở Khu Truyền Giáo; họ nhận ra nơi Kateri một sự thánh thiện hấp dẫn vì nó xuất phát từ tình yêu sâu sắc của cô dành cho Thiên Chúa. Điều này phù hợp với sự thánh thiện: thu hút. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta qua sự thu hút; Người kêu gọi chúng ta với ước muốn được gần gũi với chúng ta và người ta cảm nhận được sự thu hút thiêng liêng này. Đồng thời, cô dạy các em trong Khu Truyền Giáo cầu nguyện; và qua việc thường xuyên chu toàn các trách nhiệm của mình, bao gồm cả việc chăm sóc người bệnh và người già, cô đã nêu gương về sự phục vụ khiêm tốn và yêu thương đối với Thiên Chúa và người lân cận. Đức tin luôn được phát biểu bằng phục vụ. Đức tin không phải là tô điểm, tô điểm linh hồn; không, đức tin là để phục vụ.

Mặc dù được khuyến khích kết hôn nhưng Kateri vẫn thích hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa Kitô hơn. Không thể bước vào đời sống thánh hiến, cô đã khấn trọn đời đồng trinh vào ngày 25 tháng 3 năm 1679. Sự lựa chọn này của cô cho thấy một khía cạnh khác của lòng nhiệt thành tông đồ mà cô có: đó là sự phó thác hoàn toàn cho Chúa. Tất nhiên, không phải tất cả mọi người đều được mời gọi tuyên khấn như Kateri, nhưng mọi Kitô hữu đều được mời gọi cống hiến hết mình hàng ngày cho ơn gọi và sứ mạng được Thiên Chúa giao phó, phục vụ Thiên Chúa và tha nhân trong tinh thần bác ái.

Anh chị em thân mến, cuộc đời của Kateri là một bằng chứng nữa cho thấy lòng nhiệt thành tông đồ bao hàm cả sự kết hợp với Chúa Giêsu, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và các bí tích, lẫn ước muốn truyền bá vẻ đẹp của sứ điệp Kitô giáo qua việc trung thành với ơn gọi đặc biệt của mình. Những lời cuối cùng của Kateri rất hay. Trước khi chết, cô ấy nói: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu Chúa”.

Cầu mong chúng ta cũng như Thánh Kateri Tekakwitha, nhận được sức mạnh từ Chúa và học cách làm những việc bình thường theo những cách phi thường, lớn lên hàng ngày trong đức tin, bác ái và lòng nhiệt thành làm chứng cho Chúa Kitô.

Chúng ta đừng quên: Mỗi người chúng ta được mời gọi nên thánh, nên thánh mỗi ngày, nên thánh trong đời sống bình thường của Kitô hữu. Mỗi người chúng ta đều có ơn gọi này: chúng ta tiến bước trên con đường này. Chúa sẽ không làm chúng ta thất vọng.

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholicnews.net/