18/10/2024

Chúa Nhật 20.08.2023
Sức Mạnh Của Lời Cầu Nguyện Công Minh Chính Trực

Chúa Nhật Tuần XX – Mùa Thường Niên

Is 56,1.6-7 • Tv 66,2-3.5.6 và 8 (Đ. c.4) • Rm 11,13-15.29-32 • Mt 15,21-28

Tin vào Chúa quyền năng và xót thương (09.08.2023 – Thứ Tư tuần XVIII Mùa Thường Niên) – HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mát-thêu

21 Khi ấy, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, 22 thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở vùng ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” 23 Nhưng Người không đáp lại một lời.

Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” 24 Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” 25 Nhưng bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” 26 Người đáp: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” 27 Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” 28 Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi bệnh.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Sức Mạnh Của Lời Cầu Nguyện Công Minh Chính Trực

Đối với người Kitô hữu, đời sống cầu nguyện được ví như hơi thở của cuộc sống (Mẹ Têrêsa Calcuta). Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên gặp gỡ Thiên Chúa và khiêm nhường là nền tảng của cầu nguyện (GLCG 2559). Tuy nhiên, không phải bất cứ ai thưa “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là đều được Chúa nhận lời. Bởi lời cầu nguyện cần phải xuất phát từ sự công minh chính trực.

Bài đọc I, Isaia Đệ Tam (Is 56-66) phản ánh khung cảnh của dân Chúa tại Giêrusalem thời hậu lưu đày, ông nhắc nhở dân Chúa: “Hãy tuân giữ điều chính trực, thực hành điều công minh”. Bởi chính Thiên Chúa là Đấng công minh chính trực (Tv 7,18.97,2; Đn 9,14), là Đấng yêu thích và cai trị theo lẽ công minh chính trực (Tv 33,5; Dcr 8,8). Ngài đã truyền lại cho Ápraham và cho con cháu ông phải tuân giữ, như là điều kiện để Ngài nhận lời thực hiện lời hứa ban ơn cứu độ (x. St 18,19). Vì thế, ai sống công minh chính trực sẽ được thấy mặt Chúa (Tv 17,15) và “thực thi điều công minh chính trực thì đẹp lòng Đức Chúa hơn là dâng hy lễ” (Cn 21,3).

Phúc Âm hôm nay mô tả về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ dân ngoại Canaan. Nhìn theo con mắt đức tin thì đây được xem là một buổi cầu nguyện của người đàn bà dân ngoại, bằng những lời cầu nguyện rất công minh chính trực, được thể hiện một cách thống nhất từ hình thức bên ngoài đến nội dung bên trong. Trước hết, bà chủ động ra đón gặp Chúa Giêsu trước khi Người bước vào vùng đất ngoại giáo của bà. Điều này cho thấy lòng khiêm tốn và chân thành trong sự hiểu biết của bà khi xác tín rằng chỉ đứng trong đất Israel, bà mới được Chúa thi ân.

Kế đến, bà tuyên xưng đức tin: “Lạy Ngài là con vua David, xin dủ lòng thương tôi!”. Lời cầu nguyện này minh chứng lòng khiêm tốn của bà nhìn nhận vai trò ưu tiên của dân Israel trên dân ngoại, vì “ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái” (Ga 4,22).

Hơn nữa, dù bị Chúa im lặng và công khai chối từ, bà vẫn tiếp tục chứng minh lời cầu nguyện công minh chính trực qua hành vi “bái lạy” vì tiếp tục nài van “xin cứu giúp”. Bà không xin bánh dành riêng của con cái Israel, cũng không xin một vị thế ngang bằng với con cái được Thiên Chúa tuyển chọn, bà chỉ xin “những mảnh vụn bánh từ trên bàn chủ rơi xuống”.

Đối diện với lời cầu nguyện công minh chính trực của bà, Chúa Giêsu hoàn toàn bị khuất phục và phải thán phục: “lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”.

Trong một xã hội thực dụng, đời sống cầu nguyện của người tín hữu hôm nay đang dần bị tục hóa và không còn thống nhất. Thay vì thể hiện mình là dân Thiên Chúa qua cách sống công minh chính trực từ lời cầu nguyện, các tín hữu lại sống không bằng những người, dù bị coi là lương dân nhưng lại biết tin, thờ phượng và giữ giới răn yêu thương của Chúa. Điều mà thánh Phaolô xác tín: bất kỳ ai, dù là Do Thái hay dân ngoại, nếu biết bày tỏ niềm tin vào Đức Giêsu Kitô đều được cứu độ (Bài đọc 2).

Ước mong sứ điệp Lời Chúa hôm nay, nhắc nhở chúng ta ý thức lại vai trò quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống đức tin. Đồng thời, một lời cầu nguyện phát xuất từ sự chính trực công minh sẽ được Chúa nhận lời. Amen.

Lm. Marco Phạm Hải

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam