Sự tái sinh của Giáo hội Campuchia và việc rao giảng Tin Mừng ngoài chợ của các phụ nữ
Sự tái sinh của Giáo hội Campuchia và việc rao giảng Tin Mừng ngoài chợ của các phụ nữ
Vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX ở Campuchia, sau nỗi kinh hoàng của Khmer Đỏ, cuối cùng dân chúng cũng bắt đầu hít thở một bầu khí mới. Cô Ang Songvat, buổi sáng làm thư ký, buổi chiều đến chợ Kompong Cham làm thợ may, và vào cuối ngày, tham gia lớp học ban đêm để lấy bằng tốt nghiệp trung học. Do các cuộc đụng độ của chiến tranh du kích ở một số khu vực của đất nước, việc học của cô phải ngừng, giờ đây cô quyết tâm theo học lại.
Chính tại chợ, cô kết bạn với một người phụ nữ – người mà cô chưa biết – sẽ thay đổi cuộc đời cô. Đó là Bun Nath, người bán cá cùng với một người bạn khác tên là Bun Tharin. Bun Tharin đã biết đến Kitô giáo qua một linh mục người Pháp, trước khi các nhà truyền giáo bị trục xuất vào năm 1975. Lúc đó Bun Nath chỉ là một bé gái khi theo học tại nhà của Cha André Lesouef, thuộc Hội Thừa sai Paris, người từ năm 1968 được bổ nhiệm làm Phủ doãn Tông toà đầu tiên của Kompong Cham, nằm cách thủ đô Phnom Penh 120km về phía đông.
Vào thời điểm đó, Cha André đã chào đón các trẻ em chưa biết gì về Kitô giáo vào nhà xứ và trò chuyện với các em và cho các em vui chơi. Khi cha trở lại Campuchia vào năm 1992, tất cả các công trình của Giáo hội Công giáo đã bị mất, hoặc gần như vậy. Lúc này, Bun Nath đã trưởng thành, và khi biết nhà truyền giáo trở lại, cô đã viết một lá thư cho cha đang ở tại thủ đô Phnom Penh và đến gặp cha. Cuộc tái ngộ giữa ChaAndré và Bun Nath kết thúc bằng việc Bun Nath xin rửa tội, trở thành người Công giáo đầu tiên trong Giáo hội Công giáo Campuchia được tái sinh.
Ở chợ, Bun Nath bắt đầu kể lại trải nghiệm của mình về Kitô giáo. Ang Songvat là một trong số người lắng nghe chia sẻ này. Ngày qua ngày, những thắc mắc của thiếu nữ, sau này trở thành nữ tu, ngày càng phức tạp hơn, vì vậy, Bun Nath yêu cầu Bun Tharin đi cùng Ang Songvat đến gặp ChaAndré. Lúc đó, cha đang được hỗ trợ bởi hai nữ tu người Thái, Pelagie và Xavier, thuộc Dòng Mến Thánh Giá, một dòng tu được sáng lập ở Thái Lan bởi Đức cha Lambert De la Motte vào thế kỷ 17. Bun Tharin biết cha André qua lời kể của Bun Nath, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc chuyển từ Phật giáo sang Kitô giáo. Bun Tharin đã học hết cấp 2 nhưng sau đó do kinh tế gia đình khó khăn nên ra chợ bán cá.
Khi gặp ChaAndré, Ang Songvat không còn muốn hỏi những điều mình thắc mắc nữa. Trái lại nhà truyền giáo hỏi cô: “Bạn có muốn học Lời Chúa không?” Sau cuộc gặp gỡ này, hai người bắt đầu hành trình học giáo lý với nhà truyền giáo. Từ năm 1994 đến 1996, khi chưa đến 30 tuổi, cả hai đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội với tên thánh là Maria và Têrêsa. Hạnh phúc với lựa chọn của mình nhưng đó không phải là một quyết định đơn giản. Sơ Ang Songvat giải thích: “Theo truyền thống, chúng tôi là Phật tử, nhưng tôi cảm thấy xúc động trước ánh sáng của Chúa. Văn hoá là thứ mà người ta tiếp thu từ bên ngoài, nhưng Lời Chúa đã đến gặp chúng tôi trên đường đi.”
Do sức khoẻ của cha André không được tốt, Ang Songvat và Bun Tharin tiếp tục học giáo lý với các nữ tu Thái Lan. Mặc dù hai sơ nói tiếng Khmer chưa được nhiều, nhưng Ang Songvat và Bun Tharin khẳng định: “Đức tin của chúng tôi đã được xác định và thúc đẩy, vượt ra ngoài hình thức của các bài học”. Đến một thời điểm, sơ Pelagie đã đề nghị Ang Songvat dạy may và viết vào buổi tối tại nhà của cô cho một nhóm các thiếu nữ chưa được rửa tội. Khi đó Bun Tharin cũng đến sống với họ, hai người bắt đầu nghĩ đến việc trở thành nữ tu.
Cha André ngạc nhiên trước yêu cầu của hai người nhưng cha hiểu ơn gọi của họ là chân thành: Ang Songvat và Bun Tharin đã quyết định trở thành thành viên của Dòng Mến Thánh Giá. Sơ Pelagie và sơ Xavier mang hiến pháp của dòng bằng tiếng Thái đến Campuchia, một ngôn ngữ mà Ang Songvat và Bun Tharin học để có thể dịch sang tiếng Khmer. Để chắc chắn nội dung không bị sai, hai người so sánh thêm với bản tiếng Pháp. Và đây là cách mà dòng tái sinh ở Campuchia. Trước đó, đã có các nữ tu Mến Thánh Giá, nhưng tất cả họ đều đã bị giết hoặc trốn ra nước ngoài.
Năm 2002, cả hai bắt đầu chương trình tập viện, và năm 2004 tuyên khấn lần đầu và được sai đi truyền giáo ở Prey Veng. Tại đây hai khấn sinh quản lý một số nhà dành cho sinh viên và dạy giáo lý khai tâm cho họ. Đó là những hoạt động và tới nay hai nữ tu tiếp tục thi hành. Hiện nay, sơ Songvat vẫn đang phục vụ ở Prey Veng, còn sơ Tharin thì ở Stung Treng, phía đông bắc Campuchia, cùng với 9 nữ tu khác.
Nhìn lại những gì đã trải qua, sơ Ang Songvat và sơ Bun Tharin năm nay đã ngoài 60 tuổi, kể lại rằng sau khi được rửa tội, hai người không còn cùng gia đình thực hiện các nghi lễ tôn giáo truyền thống tại các lễ hội chùa Phật giáo nữa. Và chính hai nữ tu cũng không hiểu tại sao mình lại khác như vậy. Hai người thú nhận: “Vào thời điểm đó, chúng tôi không biết làm thế nào để trả lời các câu hỏi của chính mình, nhưng nay chúng tôi hiểu rằng Lời Chúa cần được công bố chính xác trong bối cảnh cụ thể đó.”
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-08/tai-sinh-giao-hoi-campuchia-rao-giang-tin-mung-cho.html