19/11/2024

Chúa Nhật 06.08.2023
Chúa Hiển Dung Để Con Được Thông Phần

CHÚA HIỂN DUNG

Đn 7,9-10.13-14 • Tv 96,1-2.5-6.9 (Đ. c.1a và 9a) • 2 Pr 1,16-19 • Mt 17,1-9

Ngày 06/08: Chúa Giêsu Hiển Dung năm B - Đến với Chúa (Mc 9,2-10)

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mát-thêu

1 Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo. Người đưa các ông đi riêng với mình lên một ngọn núi cao. 2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. 3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. 4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” 6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. 7 Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ!” 8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ thấy một mình Đức Giê-su mà thôi.

9 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Chúa Hiển Dung Để Con Được Thông Phần

Chúng ta đã nghe nhiều lần về trích đoạn Phúc Âm Chúa Giêsu hiển dung trên núi: lần đầu vào Chúa nhật thứ hai mùa Chay và hôm nay, Chúa nhật lễ Chúa Hiển Dung. Nhưng mỗi lần nghe, chúng ta luôn tự vấn về ý nghĩa của biến cố này. Ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan, sau này sẽ là trụ cột của giáo hội dân tộc; Núi cao và Ánh sáng là nơi chốn và biểu tượng của Thiên Chúa. Biến cố biến hình trên núi, là bằng chứng mạc khải về chương trình cứu độ của Thiên Chúa và hình thành bước ngoặt đức tin của Kitô giáo. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên tại sao cả ba Tin Mừng nhất lãm đều tường thuật biến cố này: Mt 17,1-9; Mc 9,2-8; Lc 9,28-36.

Hai nhân vật Môisên và Êlia cùng đàm đạo với Chúa Giêsu, ngập tràn ánh sáng, loan báo viễn cảnh Nước Thiên Chúa, như một giao ước vĩnh cửu và Ánh sáng thiên tính của Chúa Giêsu là hiển nhiên, Phêrô, có lẽ hai môn đệ kia cũng vậy, đã thoáng nhận biết hạnh phúc tương lai như họ đã từng mơ ước. “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môisên, và một cho ông Êlia”.

Môisên, người đã gặp Thiên Chúa trên núi Sinai và không ai tìm thấy ngôi mộ của ông trên dương thế (Đnl 34,6). Êlia được Thiên Chúa đưa thẳng về Trời trên cỗ xe ngựa đỏ như lửa như một cơn gió lốc (2 V 2,1.11). Hai vị ngôn sứ đang sống xuất hiện cùng Chúa Giêsu để tháp tùng Người bước vào con đường tử nạn, kết hợp mạc khải của Thiên Chúa: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.”

Trong thâm tâm của ba môn đệ, cũng như chúng ta hiện nay, niềm mơ ước ở lại Thiên Đàng là hiện thực, nhưng Chúa Giêsu đã chỉ cho họ và cho chúng ta một con đường đích thực: xuống núi và trở về với cuộc sống. “Đang khi thầy trò từ trên núi xuống. Đức Giêsu truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”.” Cuộc sống tuy mang nhiều tội lỗi, đau khổ và cái chết, nhất là những bất công và phi lý, nhưng công lý của Thiên Chúa, thể hiện qua Con Một của Ngài đã “chỉnh sửa” cho hoàn thiện nhân loại: Thập giá chính là con đường của tình yêu tuyệt đối, trao ban cho con người sự sống của Thiên Chúa, sự sống vĩnh cửu với tư cách là nghĩa tử yêu dấu nhờ Đức Giêsu Kitô.

Hãy đổ đầy hy vọng vì dù chúng ta đã “biến dạng” vì tội lỗi, bị chà đạp, dày xéo, hủy hoại nhân phẩm theo hình ảnh Thiên Chúa, nay đây, biến hình của Chúa Giêsu loan báo cho chúng ta tái sinh trong sắc đẹp mà chính Thiên Chúa đã dựng lên chúng ta: “Đây là Con yêu dấu của Ta, …”, với Chúa Giêsu, chúng ta đã trở nên nghĩa tử yêu dấu của Thiên Chúa. Amen.

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam