26/12/2024

Chúa Nhật XIV TN A 2023: Học với người Thầy tuyệt vời là Chúa Giêsu

Chúa Nhật XIV TN A 2023

Học với người Thầy tuyệt vời là Chúa Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Anh chị em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh chị em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt, 11,29). Mỗi người chúng ta thường dành những năm đầu tiên trong cuộc đời để học hành. Chúng ta tốn rất nhiều công sức, thời giờ, tiền của để giáo dục và đào tạo mình hay con cháu mình, nhưng rất ít người tự hỏi: học để làm gì? Học thế nào cho hiệu quả nhất? Học với ai cho xứng đáng nhất?

Nhiều người giao phó con cháu mình hoàn toàn cho việc giáo dục ở trường lớp, mà không để ý rằng: nếu chính mình không được dạy dỗ cẩn thận, thì làm sao giáo dục ai được! Vì thế chúng ta muốn tìm hiểu đôi nét về nền giáo dục hiện nay để tìm về học với người Thầy tuyệt vời là Chúa Giêsu.

1. Tình trạng giáo dục hiện nay

Trong hơn 10 thế kỷ bị người Trung Quốc đô hộ (111 TCN – 938) và 10 thế kỷ độc lập (939-1945), người Việt học để ra làm quan, vì đó là cách tiến thân và khẳng định mình nhanh nhất trong một xã hội phong kiến với nền quân chủ chuyên chế. Nội dung học là bộ sách Tứ Thư, Ngũ Kinh của Trung Quốc, và một số kỹ năng làm bài văn, thơ phú vì nền giáo dục nước ta bị ảnh hưởng nặng nề của nền văn hoá Trung Quốc. Phương pháp học tập, cách thi cử cũng vì nội dung này mà bị hạn hẹp rất nhiều và mang tính cổ hủ, từ chương.

Bước vào thời kỳ dân chủ cộng hoà cho cả hai miền Nam Bắc từ 1945 đến nay, dù nội dung học là những kiến thức thiết thực hơn, nhưng phương pháp học, cách thi cử cũng không khác xưa bao nhiêu. Gần đây Đảng Cộng Sản, chính quyền và nhiều người dân mới nhận ra những hạn chế của nền giáo dục này và đang quyết liệt đòi phải: “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế”[1].

Lý do là vì nền giáo dục hiện nay quá chú trọng vào việc truyền đạt kiến thức, mang nặng tính cách nhồi nhét, trong khi lại coi thường việc vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề mà công việc và cuộc sống đặt ra. Thật ra, khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, kho tàng kiến thức mỗi ngày một lớn, nên một số hiểu biết ta thu nhận từ việc học cũng nhanh chóng trở thành lạc hậu, lỗi thời.

Nhất là những khám phá mới về con người, về vạn vật trong khoảng 20 năm gần đây đã thay đổi hoàn toàn những luận điệu sai lầm của hệ tư tưởng vô thần duy vật, mà giả thuyết vạn vật tự nhiên mà có của Darwin hay thuyết Big Bang tạo nên, nhưng nhiều trường ở Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn đang giảng dạy. Những khám phá mới mẻ đó càng làm cho con người tìm về Thiên Chúa và về Người Thầy Giêsu của mình hơn. Tuy nhiên hình như chính các tín hữu chúng ta, ngay cả những người lãnh đạo, lại không quan tâm đến những khám phá này. Vì thế chúng ta thấy nền luân lý suy đồi và đời sống đạo đức giảm sút ngay trong lòng Giáo hội Công giáo.

Kết quả là học sinh miệt mài học tập, mất đi tuổi thơ, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm sinh lý khiến cho năng suất làm việc của người Việt Nam gần như thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Lớp sinh viên vừa học vừa tìm cách đối phó cho đạt điểm số, hơn là thu nhận kiến thức đầy đủ. Do đó, thay vì đào tạo được những con người năng động, sáng tạo, biết phát hiện các vấn đề nảy sinh và giải quyết được chúng, thì nền giáo dục lại tạo ra những con người ham học vị, nhạy cảm với lợi ích của bản thân và tập thể nhỏ, hơn là quan tâm đến lợi ích lâu dài của dân tộc và nhân loại[2]. Vì thế, là những bậc làm cha mẹ, chúng ta cần quan tâm đến việc giáo dục hơn nữa và chúng tôi đang làm việc không ngừng để giúp đỡ anh chị em về lĩnh vực này.

2. Học để làm gì?

Nếu chúng ta có dịp hỏi các học sinh, sinh viên, thậm chí cả phụ huynh: “học để làm gì”, nhiều người sẽ trả lời rằng họ không biết học tại sao lại đi học và học để làm gì. Người ta nghĩ rằng đến tuổi thì phải đi học nhất là tiểu học; học để sau này có công ăn việc làm, và giúp đỡ gia đình cho đỡ khổ. Chỉ có một số rất ít mới biết học để mở mang kiến thức hay để hoàn thiện chính mình.

Năm 1997, Tổ chức Giáo dục Khoa học Văn hoá (Unesco) của Liên Hiệp Quốc đã công bố thông điệp mang tên: “Học tập – một kho báu tiềm ẩn” để xây dựng bốn trụ cột cho việc học và định hướng cho việc giáo dục của thế kỷ XXI: “Học để biết, học để làm, học để sống, học để khẳng định mình” (Learning to know, to do, to live together and to be).

+ Học để biết là nắm được các kiến thức cần thiết cho cuộc sống

+ Học để làm là có khả năng hành động trong môi trường sống của mình.

+ Học để sống chung là hợp tác với người khác trong mọi hoạt động.

+ Học để khẳng định mình là phát triển được hết năng lực, phẩm chất của mình để làm chủ được cuộc đời, trở thành một con người cao quý, xứng đáng trong cộng đồng nhân loại.

Bốn trụ cột này phải nối kết với nhau mới tạo nên “một con người có giáo dục, có văn hoá”. Thiếu một trụ cột nào hay yếu kém một trụ cột nào thì nền giáo dục không toàn vẹn và hoàn hảo.

Công đồng Vaticanô II, ngày 28/10/1965, đã ra tuyên ngôn “Gravissimum Educationis”, nhấn mạnh: “việc giáo dục hết sức hệ trọng”, để nhắc nhở ta rằng học không phải để biết, để làm, để sống, để khẳng định mình như một người tự nhiên, mà còn như người con cao quý của Chúa, vì ta có thể hiểu biết vô cùng, hành động phi thường, tồn tại mãi mãi và hạnh phúc vô biên.

3. Học với ai cho xứng đáng nhất?

Trong đời sống, chúng ta được học với nhiều thầy cô và cảm nghiệm rằng người nào càng yêu mến ta, càng dạy ta những điều tốt đẹp, thì ta càng quý trọng, biết ơn. Thầy cô nào càng ảnh hưởng và làm thay đổi đời người, thì càng được tôn vinh. Tuy nhiên, ta cũng nên hiểu rằng mọi tư tưởng tốt đẹp, sự khôn ngoan, tình yêu, ân huệ và những gía trị văn hoá thuộc về tinh thần đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng tạo thành con người giống hình ảnh Ngài và ban cho con người có tinh thần vượt ra khỏi những giới hạn của vật chất, không gian và thời gian.

SỐNG TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA GIÊSU | JOSEPH TRẦN NGỌC HUẤN

Vì thế, khi nhận ra Thiên Chúa là Người thầy tối cao (x. Mt 23,8-9), là nguồn của mọi tri thức và ân huệ, thì con người mới sẵn lòng chia sẻ cách quảng đại và vô vị lợi những gì mình khám phá được cho mọi người thay vì giấu nghề, giữ bí mật, đòi tác quyền, đòi lương thật cao như hiện nay.

Khi nhận ra Đức Giêsu là vị Thiên Chúa cụ thể, là Người Thầy tuyệt vời[3], con người mới cảm thấy tự hào được làm môn đệ của Người và cũng là vị Chúa của mình (x. Ga 13,13-14). Chúa Giêsu không chỉ dạy ta những mảnh sự thật rời rạc, nhưng là một sự thật toàn diện, hoàn hảo: về Thiên Chúa, về con người, về vạn vật, về chính mình. Chính Chúa Giêsu sẽ giải phóng (x. Ga 8,32) chúng ta khỏi mọi u mê lầm lạc, cho ta tự do thật sự của con cái Thiên Chúa. Vì thế, Người mời gọi ta hôm nay: “Hãy học với tôi” (Mt 11,29).

Lời kết

Đến với Chúa Giêsu chúng ta mới tìm được cho mình người Thầy xứng đáng nhất để có thể trở thành người học trò xuất sắc trong lớp học tình thương của Người. Amen.

  1. x. Nghị quyết 29 NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8, Đảng Cộng sản Việt Nam, khoá XI, ngày 4/11/2013. Xem thêm văn kiện Đại hội Đảng lần XIII 2021 về đổi mới toàn diện nền giáo dục.
  2. x. Ts Giáp Văn Dương, Học để làm gì? Tuổi Trẻ Online, 12/11/2013.
  3. x. Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr. 236-272