Vatican tiếp tục hướng tới mục tiêu “Quốc gia xanh” vào năm 2050
Vatican tiếp tục hướng tới mục tiêu “Quốc gia xanh” vào năm 2050
Trong thời gian này, Vatican đang tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu trung hoà khí thải carbon vào năm 2050, một cam kết đã được Toà Thánh đưa ra vào năm 2020, hoàn thành nghiên cứu về lượng khí thải carbon tại Đền thờ Thánh Phêrô và các khu vực xung quanh. Cam kết được ký kết giữa Cơ quan bảo trì và quản trị Đền thờ Thánh Phêrô (Fabbrica di San Pietro) và Viện Tài nguyên Thế giới (WRI).
Trước đây, hai bên đã ký bản ghi nhớ với mục đích giảm khí thải nhà kính do khu vực Đền thờ Thánh Phêrô tạo ra và đạt được sự ổn định về môi trường. Để làm được điều này, Đức Hồng y Mauro Gambetti, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô, và là Tổng Đại diện của Đức Thánh Cha tại Quốc gia Thành Vatican đã hợp tác chặt chẽ với Viện Tài nguyên Thế giới trong một nghiên cứu chuyên sâu về lượng khí thải của khu vực Đền thờ.
Chương trình đã xem xét chi tiết về lượng khí thải carbon của Đền thờ và các toà nhà xung quanh. Viện Tài nguyên Thế giới báo cáo rằng nghiên cứu tuân theo một phương pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu được đưa ra bởi Sáng kiến Niềm tin và Bền vững của Viện Tài nguyên Thế giới và Đại học Georgetown. Nghiên cứu này là vô giá để thông tin cho nhóm về các lĩnh vực cần cải thiện cũng như tiến độ hiện tại liên quan đến tính bền vững của khu vực Đền thờ.
Đức Hồng y Gambetti giải thích tầm quan trọng của sự hợp tác của Vatican với Viện Tài nguyên Thế giới: “Hành tinh của chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng môi trường không thể so sánh với quá khứ. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm, mất đa dạng sinh học và nạn phá rừng chỉ là những ví dụ về những thách đố mà chúng ta phải giải quyết. Điều khẩn cấp là phải chuyển sang các mô hình bền vững mới, như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong các giáo huấn của ngài, bắt đầu với Thông điệp Laudato Si’”.
Tiếp theo, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô nhắc lại cam kết của Toà Thánh trong việc đạt được lượng khí thải carbon bằng không: “Những gì đang xảy ra với hành tinh, ngôi nhà chung của chúng ta, không chỉ là mối quan tâm về nhận thức môi trường nhưng còn là trách nhiệm của chúng ta đối với những người khác và các thế hệ tương lai. Tại Đền thờ này, chúng tôi đã thành lập một uỷ ban khoa học để nghiên cứu, phát triển và thực hiện các hành động cụ thể nhằm cải thiện tính bền vững về môi trường của Đền thánh trước Năm Thánh 2025. Sự hợp tác với Viện Tài nguyên Thế giới làm phong phú thêm cam kết cấp bách này.”
Ông Stientje van Veldhoven, Phó Chủ tịch và Giám đốc Khu vực của Viện Tài nguyên Thế giới tại châu Âu, cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Vatican vì sự hợp tác, đồng thời lưu ý rằng ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo có thể giúp truyền bá thực hành giảm thiểu biến đổi khí hậu trên hầu hết thế giới.
Ông nói: “Điều này có giá trị biểu tượng to lớn vì cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trở thành trọng tâm trong các hoạt động hằng ngày của Đền thờ, một trong những nơi thờ phượng quan trọng nhất của Công giáo. Khi tất cả các tổ chức dựa trên đức tin thực hiện cam kết giảm carbon này, thì chúng ta có khả năng tiếp cận 83% dân số thế giới, những người liên kết với một tôn giáo nào đó. Cũng có thể có tác động phát thải thực sự vì nhiều tổ chức dựa trên đức tin sở hữu hoặc có liên quan đến các khu phức hợp, chẳng hạn như bệnh viện, trường học, nhà hàng và căng tin.”
Mục tiêu “không phát thải” vào năm 2050 sẽ thành hiện thực
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây của Báo Quan sát viên Roma, cha García de la Serrana Villalobos, Giám đốc Hạ tầng Cơ sở và Dịch vụ của Quốc gia Thành Vatican, đã giải thích về con đường mà Vatican đang thực hiện. Theo đó, mục tiêu “không phát thải” cho Quốc gia Thành Vatican vào năm 2050 không chỉ là một giấc mơ, nhưng là một mục tiêu có thể đạt được. Vatican đang thực hiện các dự án và sáng kiến nhằm giảm tác động môi trường, chất thải và tiêu thụ năng lượng; và sử dụng nhiều tài nguyên tái tạo hơn.
Các việc làm cụ thể
Quốc gia Thành Vatican có thể đạt được những mục tiêu liên quan đến tính trung hoà về khí hậu chủ yếu thông qua việc sử dụng các tài nguyên tự nhiên, như đất và rừng, và bằng cách bù trừ lượng khí thải tạo ra ở một khu vực qua việc giảm loại khí thải đó ở một khu vực khác. Tất nhiên, điều này được thực hiện bằng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng hoặc các công nghệ sạch khác như di chuyển bằng xe điện. Và Vatican đang thúc đẩy các chính sách kinh tế xanh, nghĩa là các chính sách kinh tế tuần hoàn, như chuyển hoá chất thải hữu cơ và sinh học thành phân hữu cơ chất lượng, và chính sách quản lý chất thải dựa trên khái niệm coi nó không phải là chất thải nhưng là một nguồn tài nguyên.
Sẽ có nhiều lĩnh vực liên quan, bắt đầu với kỹ thuật năng lượng, với việc nâng cấp các hệ thống công nghệ, như các nhà máy nhiệt điện và hệ thống điều hòa không khí. Đối với nước, việc sử dụng tài nguyên nước đã được tối ưu hoá, với các mạch khép kín trong đài phun nước, làm mát các thiết bị làm lạnh và bể chứa nước mưa đầu tiên cho mục đích tưới tiêu.
Việc sử dụng điện hợp lý cũng rất quan trọng, với đèn LED và điện nhập từ các nguồn tái tạo. Hơn nữa, rác thải thông thường cũng được giảm thiểu, thông qua việc số hóa tài liệu bằng máy vi tính, sử dụng xe dịch vụ chạy bằng điện và bộ phận phân phối nước uống.
Tất nhiên, Vatican cũng không quên chương trình trồng lại rừng ở các khu vực thuộc Quốc gia nhằm bù đắp càng nhiều càng tốt cho lượng khí thải tạo ra. Các dự án nghiên cứu để thu hồi chất thải đô thị, cho phép biến chất thải thành tài nguyên, cả nhiệt và điện, cũng như chuyển chất thải bệnh viện thành nhiên liệu, do đó xử lý được chất thải nguy hại. Các đội xe ô tô cũng đang dần được thay thế bằng các loại xe chạy bằng điện hoặc hybrid, đồng thời bảo dưỡng thường xuyên đội xe để giảm mức tiêu thụ. Và nói chung, tác động đối với môi trường sẽ giảm thông qua các hoạt động xử lý, thu hồi và loại bỏ đã được phê duyệt và chứng nhận.
Những mục tiêu đã đạt được
Trong những năm gần đây, Ban Giám đốc Hạ tầng cơ sở và Dịch vụ của Quốc gia Thành Vatican đã thực hiện một loạt các sáng kiến nhằm tuân thủ quy định và nâng cấp năng lượng cho các hệ thống công nghệ; bắt đầu với việc phê chuẩn Nghị định thư Montreal vào năm 2008, với việc thay thế dần dần – từ năm 2012 đến năm 2020 – các thiết bị làm lạnh cũ sử dụng khí phi sinh thái bằng các thiết bị mới hoạt động tốt hơn về mặt hiệu quả năng lượng.
Bên cạnh đó còn có các sáng kiến quan trọng khác: xây dựng hệ thống quang điện vào năm 2008 trên mái nhà của Đại Thính đường Phaolô VI, việc lắp đặt hệ thống làm mát bằng năng lượng mặt trời vào năm 2009 để phục vụ nhà ăn của trung tâm công nghiệp, và vào năm 2010, một khu vực mới, một hệ thống máy sưởi ấm với các máy phát điện hiệu suất cao và tối ưu hóa hệ thống sản xuất và trao đổi nhiệt.
Từ năm 2012 đến năm 2020, các nhà máy điện và trạm biến áp nhiệt điện và hệ thống kiểm soát nhiệt độ của chúng cũng được nâng cấp nhằm đạt được hiệu suất cao hơn về hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm tiêu thụ khí mêtan và điện năng cũng như giảm lượng khí thải gây ô nhiễm vào khí quyển. Các hệ thống điều hoà không khí mở rộng trực tiếp đã được trang bị thêm và thay thế bằng các hệ thống có tác động môi trường thấp hơn và tiêu thụ ít năng lượng hơn. Hệ thống thông gió thu hồi nhiệt cũng được lắp đặt. Mục tiêu nhập khẩu điện được sản xuất hoàn toàn từ các nguồn tái tạo đã đạt được vào năm 2019. Việc bán các sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại siêu thị cũng đã bị loại bỏ.
Bảo vệ và chăm sóc môi trường tự nhiên
Với chương trình tái trồng rừng đã được thúc đẩy ở Quốc gia Thành Vatican, trong những năm qua hàng trăm loại cây đã được trồng. Một cột mốc quan trọng về mặt tôn trọng môi trường là năm 2020 Vatican đã đạt được mục tiêu không sử dụng các loại thuốc trừ sâu và thuốc sát trùng trong việc diệt cỏ dại; thay vào đó các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên được dùng để loại bỏ cỏ dại.
Một hệ thống tưới nước mới cho các khu vườn Vatican cũng đã được lắp đặt, giúp tiết kiệm khoảng 60% nguồn nước. Việc thu gom riêng rác thải đô thị đã được khuyến khích, tăng từ 42% năm 2016 lên 65% vào năm 2020, với mục tiêu đạt 75% trong năm nay 2023.
Chất thải đặc biệt đã được phân loại 99%, cho phép 90% chất thải được gửi đi để tái tạo, như thế mang lại giá trị cho chính sách xử lý chất thải như một nguồn tài nguyên và không còn là chất thải. Ví dụ, giấy và bìa cứng; dầu thực vật đã qua sử dụng được tái sử dụng để sản xuất dầu diesel sinh học; ắc quy, bộ pin chì đã qua sử dụng và dầu khoáng được thu hồi và tái chế. Chai nhựa PET cũng được thu hồi bằng việc phân phối các máy ép chuyên dụng trong Vatican, và chất thải hữu cơ được chuyển thành phân hữu cơ chất lượng, được sử dụng trong các vườn Vatican.
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-06/vaticna-tiep-tuc-muc-tieu-quoc-gia-xanh-2050.html