22/01/2025

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến Đảng Nhân dân Âu châu

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến Đảng Nhân dân Âu châu

Từ Bệnh viện Gemelli, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến các thành viên của Đảng Nhân dân Âu châu (EPP), mời gọi các chính trị gia Kitô cần chăm lo tốt mối quan hệ giữa công dân và nghị sĩ, bằng cách kín múc di sản phong phú của châu Âu: học thuyết xã hội của Giáo hội.

Đức Thánh Cha gặp phái đoàn Đảng Nhân dân châu Âu năm 2022

Đức Thánh Cha gặp phái đoàn Đảng Nhân dân châu Âu năm 2022  (Vatican Media)

Lẽ ra các thành viên của Đảng Nhân dân Âu châu được Đức Thánh Cha tiếp kiến vào ngày 09/6, nhưng vì phải vào bệnh viện để thực hiện ca mổ nên buổi tiếp kiến không diễn ra được. Dù vậy, ngài vẫn bày tỏ sự quan tâm đến các chính trị gia Công giáo của Âu châu bằng cách gửi sứ điệp cho họ.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha chia sẻ một số suy tư. Trước hết, ngài viết: “Quý vị là nghị sĩ, do đó quý vị là đại diện những công dân đã giao cho quý vị một nhiệm vụ.”  Về điều này, Đức Thánh Cha giải thích khi có cuộc bầu cử vào Nghị viện Âu châu, điều đầu tiên mọi người quan tâm, đó là một cái gì đó mới mẻ, một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một châu Âu thống nhất. Nhưng, như mọi khi, khi thời gian trôi qua, sự quan tâm giảm dần; vì thế cần chăm lo tốt mối quan hệ giữa công dân và nghị sĩ. Đây là một vấn đề kinh điển của các nền dân chủ. Và nếu việc duy trì mối liên kết hiện diện trong mỗi quốc gia đã khó, thì đối với Nghị viện Âu châu, lại càng khó hơn. Nhưng mặt khác, ngày nay truyền thông có thể giúp ích rất nhiều để vượt qua khoảng cách.

Điều gợi ý thứ hai được Đức Thánh Cha đưa ra là sự đa nguyên. Ngài viết: “Rõ ràng là một nhóm nghị sĩ lớn phải tạo ra một sự đa nguyên nội bộ nhất định. Tuy nhiên, liên quan đến một số vấn đề mà các giá trị đạo đức cơ bản và những điểm quan trọng của học thuyết xã hội Kitô giáo đang bị đe doạ, thì chúng ta phải hiệp nhất.”

Ở điểm này, Đức Thánh Cha cho rằng Âu châu có một di sản rất phong phú, các nghị sĩ có thể kín múc từ đó để mang lại đóng góp ban đầu của họ cho nền chính trị châu Âu, đó là học thuyết xã hội của Giáo hội, như hai nguyên tắc liên đới và bổ trợ.

Đức Thánh Cha đề cập đến một cụm từ mà ngài thường hay nhắc đến: “tình huynh đệ”. Ngài cho rằng ngày nay các chính trị gia Kitô giáo phải nhìn nhận từ khả năng biến ước mơ vĩ đại về tình huynh đệ thành những hành động cụ thể của nền chính trị tốt đẹp ở mọi cấp độ: địa phương, quốc gia và quốc tế.

Cuối sứ điệp, nhắc đến giới trẻ, những người trải nghiệm nhiều hơn cả một châu Âu thống nhất, Đức Thánh Cha mời gọi các thành viên của Đảng Nhân dân Âu châu nhìn đến những người trẻ và nghĩ về một châu Âu và một thế giới sống theo ước mơ của giới trẻ.

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-06/dtc-su-diep-dang-nhan-dan-au-chau.html