Chúa Nhật X TN A 2023, Lễ Mình Máu Thánh Chúa: Thánh Thể là lương thực ta ăn để ra đi
Chúa Nhật X TN A 2023, Lễ Mình Máu Thánh Chúa
Thánh Thể là lương thực ta ăn để ra đi
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Sau lễ Chúa Ba Ngôi Giáo Hội mừng trọng thể Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô để mời gọi chúng ta tiếp nhận sự sống kỳ diệu của Chúa Giêsu và chia sẻ sự sống ấy cho mọi người. Câu hỏi luôn đặt ra cho tín hữu chúng ta là làm sao tiếp nhận được sự sống ấy?
1. Sự sống toàn diện phi thường từ một loại lương thực mới
Bài đọc I (x. Đnl 2,2-3.14-16) kể cho chúng ta về sự sống kỳ diệu từ thứ lương thực mới là manna. Để tiến về Đất Hứa, người Do Thái đã chuẩn bị đầy đủ lương thực. Họ mang theo rất nhiều bột và bánh, dẫn theo nhiều đàn chiên và dê vì nghĩ rằng chỉ tốn ít ngày hay một vài tháng là cùng. Nhưng sự thật lịch sử đã chứng minh rằng nếu họ chiếm được Đất Hứa cách dễ dàng, họ sẽ không giữ được nó vì sự chia rẽ trong 12 bộ tộc, cộng thêm hàng trăm ngàn nô lệ đi theo họ ra khỏi Ai Cập sẽ nổi loạn. Họ cần thời gian đào tạo và tổ chức để trở thành một dân tộc hợp nhất và thống nhất, đồng thời có đủ sức mạnh để vào và giữ vững miền đất Chúa hứa ban.
Ông Môsê đã nói với dân Do Thái: “Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt 40 năm trong sa mạc” với biết bao thử thách. “Rồi Thiên Chúa đã cho anh em ăn Manna là của ăn anh em chưa từng biết để anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời từ miệng Đức Chúa phán ra”. Manna như một dấu hiệu chứng tỏ sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa: trong một sa mạc khô cằn, họ vẫn có bánh ăn hằng ngày. Niềm tin ấy giúp cho họ hướng về Chúa để hình thành một dân tộc mới.
Qua bài Phúc Âm (x. Ga 6,51-58), Chúa Giêsu đã tỏ mình là một thứ lương thực mới đem lại sự sống vĩnh hằng, hơn hẳn manna xưa kia. Bánh này được Chúa Cha ban cho một dân mới, là Giáo Hội, được Chúa Thánh Thần quy tụ từ muôn dân tộc, thuộc mọi ngôn ngữ. Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. “Bánh Thánh” và “Chén chúc tụng” sẽ giúp cho người tín hữu đón nhận Mình và Máu Chúa Giêsu để có thể kết hợp thành một thân thể duy nhất và có chung một sự sống siêu việt của chính Thiên Chúa, như thánh Phaolô nhắc đến trong Bài đọc II (x. 1Cr 10,16-17).
Ngày nay, trong ít phim khoa học giả tưởng, nhiều người mơ ước khoa học tìm ra một thứ lương thực mới tạo nên sự sống lâu dài, mang lại sức mạnh phi thường, thay vì phải dùng thứ lương thực chứa nhiều chất độc hại, nuôi sống cùng lắm một kiếp người 7-8 chục năm, và phải tốn nhiều công sức để chuẩn bị bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên Mình Máu Chúa trong bí tích Thánh Thể không phải là chuyện tưởng tượng. Biết bao phép lạ trong suốt dòng lịch sử 2000 năm qua về Thánh Thể đã chứng tỏ cho người tín hữu biết rằng mình đang có một thứ lương thực mới đem lại sự sống kỳ diệu, có thể chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, biến đổi thế giới và đem lại ơn cứu độ toàn diện vĩnh hằng.
2. Làm thế nào để có thể cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Người ban cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể?
Tuy nhiên, hầu như rất nhiều người chúng ta không cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Đức Giêsu. Chúng ta rước Mình Máu Chúa đều đặn mỗi tuần, có người mỗi ngày, nhưng không phát huy sự sống kỳ diệu như mình mong mỏi. Vậy làm thế nào để có thể cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Chúa Giêsu?
Đức Thánh Cha Phanxicô đã có bài diễn văn nổi tiếng và kể cho ta bí quyết để cảm nghiệm sự sống ấy: “Giáo Hội hiện hữu để thế giới có thể trở thành nơi Thiên Chúa cư ngụ và thế gian này có thể trở thành Vương quốc của Chúa. Nhờ Đức Giêsu, Vương quốc Thiên Chúa đã thực sự khởi đầu ở thế gian. Bất cứ nơi đâu các bí tích được cử hành, thế giới cũ của tội lỗi và sự chết bị đánh bại đến tận gốc rễ của nó và được biến đổi. Một công trình tạo thành mới khởi đầu và Vương quốc Thiên Chúa trở nên hữu hình. Tuy nhiên, nếu các Kitô hữu không chuyển đổi sự sống mới, đã được ban tặng cho họ, thành hành động đích thực, các bí tích sẽ chỉ là những dấu chỉ trống rỗng. Một người không thể nào đến nhà thờ đón nhận Thánh Thể, mà đồng thời lại chối từ không cho kẻ khác bánh ăn hằng ngày. Các bí tích đòi hỏi chúng ta một tình yêu sẵn sàng ‘ra khỏi chính mình’ để đi đến vùng ngoại vi, không chỉ về mặt địa lý, mà còn về mặt hiện sinh: đến với những con người bị chi phối bởi mầu nhiệm của tội lỗi, của nỗi đau, bất công, dốt nát, sự dửng dưng với tôn giáo, những trào lưu tư tưởng và của mọi hình thức nghèo khổ” (Bài diễn văn của Hồng y Bergolio trước thời điểm của mật tuyển viện, 2013; x. Docat, câu số 21).
Ngài giải thích lý do tại sao ta không cảm nghiệm được sự sống phi thường: đó là vì ta chưa có tình yêu dám ra đi như Đức Kitô. Manna dành người Do Thái là để giúp họ ra đi về miền Đất Hứa. Bánh sẽ không còn nếu họ không ra đi. Người tín hữu Kitô cũng vậy, bí tích Thánh Thể là để giúp ta đi về Nước Trời được thể hiện ngay trong đời sống trần thế, với một điều kiện là ta phải có một tình yêu ra đi, đến với những con người nghèo khó, tật bệnh, đói khát, đau khổ đang sống đầy rẫy quanh ta, để chia sẻ sự sống kỳ diệu mà Thiên Chúa ban qua bí tích. Mình Máu Chúa sẽ làm nên những điều phi thường để khi ta chạm đến ai thì người đó được chữa lành, gặp gỡ ai thì người đó được no đủ, tiếp xúc với ai thì người đó được nâng đỡ, gắn bó với ai thì người đó cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa Giêsu. Bánh đó sẽ vô ích nếu ta không ra đi.
Vì thế, câu hỏi đặt ra cho ta hôm nay: chúng ta có một tình yêu dám ra đi đến với những con người đó chưa? Chúng ta đã chuẩn bị chất liệu Thánh Thể như thế nào cho cuộc ra đi đó? Nhiều người đến nhà thờ mà không mang theo gì hết. Họ chỉ đến như một khán giả đến xem vở thoại kịch mang tên “Bữa tiệc ly của Chúa”. Nhiều người không làm gì cả ngoài vài câu đáp vô hồn, vài cử chỉ vô nghĩa, thì làm sao cảm nghiệm và phát huy sự sống phi thường đó? Thậm chí có người còn ngại ngùng không mở miệng cùng hát hay đáp lời cầu nguyện với anh chị em, đến muộn về sớm như bữa tiệc này không phải là của mình và cho mình.
Giáo Hội nhắc nhở ta cần chuẩn bị chất liệu Thánh Thể là bánh, rượu, nước tượng trưng cho những lao công, máu, mồ hôi, nước mắt mà con người phải đổ ra trong cuộc sống trần thế, để ta kết hợp với cuộc ra đi chịu chết và sống lại của Chúa Giêsu như bằng chứng của tình yêu trọn vẹn dành cho Chúa và con người. Nếu ta không chuẩn bị chất liệu Thánh Thể với một tình yêu ra đi như thế thì bí tích Thánh Thể cũng chỉ là dấu hiệu trống rỗng.
Lời kết
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin giúp chúng con mỗi khi đến dự thánh lễ, biết chuẩn bị chất liệu cho Mình Máu Thánh bằng những hành động cụ thể và khi rước Chúa rồi, chúng con luôn sẵn sàng cùng Chúa ra đi đến với mọi người bằng một tình yêu trong sáng và quảng đại như Chúa. Amen.
HKK