Chúa Nhật 11.06.2023
Từ Bạo Lực Đến Sức Mạnh Ơn Cứu Độ
LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ – Lễ trọng
Đnl 8,2-3.14b-16a • Tv 147,12-13.14-15.19-20 (Đ. c.12a) • 1 Cr 10,16-17 • Ga 6,51-58
Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Gioan
51 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” 53 Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. 54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, 55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. 56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. 57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. 58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Suy niệm
Từ Bạo Lực Đến Sức Mạnh Ơn Cứu Độ
Chúa mời gọi mỗi chúng ta trong bậc sống khác nhau và Người muốn sử dụng con người cụ thể của chúng ta để làm công cụ truyền giáo cho Người. Người không ngần ngại dựa vào những cá tính của chúng ta để biến đổi chúng thành những phương thức hữu hiệu của ơn cứu độ. Chúa không mời gọi chúng ta một cách mông lung, xa vời và lạnh nhạt. Người đến với chúng ta trong bối cảnh “rất người” của chúng ta. Người đến với chúng ta thông qua những hành vi đời thường, thậm chỉ thông qua những khao khát mang đầy tính bạo lực. Người không lấy đi nơi chúng ta những khao khát mãnh liệt và những ý chí kiên cường. Với tất cả tình yêu thương và sự trìu mến, Người biến đổi những bản năng mang tính bạo lực thành một sức mạnh cho sự sống mới. Bí Tích Mình và Máu Thánh Chúa mà chúng ta mừng lễ hôm nay cũng được thiết lập phát khởi từ một nghi thức mang đầy tính bạo lực.
Để đánh dấu mối giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel, ông Môisen đã dùng một nửa máu của bò tơ để rảy lên chân bàn thờ và một nửa khác để rảy lên dân chúng. Máu là biểu tượng của sự sống. Mà để có máu thì phải giết động vật, một việc làm mang đầy tính bạo lực. Máu gắn liền với tính bạo lực nhưng đồng thời máu cũng gắn liền với sự sống. Rảy máu lên dân chúng là mang sự sống của Thiên Chúa cho dân Người. Sự sống này được lưu truyền từ Thiên Chúa đến con người nếu họ thực hành và tuân giữ lệnh Người truyền.
Với tư cách là Chiên vượt qua của hy lễ mới, Chúa Giêsu trao ban sự sống của Thiên Chúa cho nhân loại không phải qua máu của chiên bò. Người trao ban sự sống cho chúng ta bằng chính máu của Người. Để cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu không né tránh thực tại trần thế. Người không loại trừ tính bạo lực. Người gánh chịu sự hung tàn và tính độc đoán của nhân loại để thánh hóa nhân loại cách tận căn. Người gánh chịu mọi hậu quả của sự bạo lực để biến đổi nó thành sức mạnh của sự sống mới, sự sống của ơn cứu độ.
Mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ, chúng ta hãy mạnh dạn kín múc nguồn sống từ bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy đặt nơi chân bàn thờ tất cả những gì là bạo lực và hung tàn, những gì là ghen tương và đố kỵ, những gì là bất hòa và chia rẽ. Chúng ta hãy cố gắng để trở nên tấm bánh bẻ ra cho đời và cho người. Việc bẻ bánh tưởng chừng đơn giản ấy nhưng hàm chứa bao cố gắng và hy sinh. Qua việc bẻ bánh, chúng ta được mời gọi bẻ gãy bức tường của sự chia rẻ và tính ích kỷ, những xiềng xích của mọi hình thức nô lệ. Khi làm như vậy, chúng ta có thể trở nên chi thể của nhiệm thể Đức Kitô, một thân thể không trở nên vẹn toàn nếu một chi thể nào đó bị bỏ rơi, bị chia cách hay tự cách ly.
Lm. Giuse Nguyễn Chí Ái, AA
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam