21/12/2024

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn những người khởi xướng Hiệp ước Giáo dục Phi châu

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn những người khởi xướng Hiệp ước Giáo dục Phi châu

Trong buổi tiếp kiến phái đoàn những người khởi xướng Hiệp ước Giáo dục Phi châu, sáng thứ Năm 01/6, Đức Thánh Cha nhấn mạnh mọi người đều có trách nhiệm trong việc giáo dục các thế hệ trẻ, bởi vì “cần cả một ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ”.

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn những người khởi xướng Hiệp ước Giáo dục Phi châu

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn những người khởi xướng Hiệp ước Giáo dục Phi châu  (Vatican Media)

Hiệp ước Giáo dục Phi châu là kết quả của hội nghị chuyên đề quốc tế, diễn ra vào tháng 11/2022, tại Kinshasa, được tổ chức bởi Quỹ quốc tế về Tôn giáo và Xã hội, và Đại học Công giáo Congo, cùng với sự bảo trợ của Hội đồng Giám mục Congo. Tại hội nghị này, các giám mục, linh mục, khoa học gia và học giả của châu Phi đã làm cho Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu mà Đức Thánh Cha đã đưa ra vào tháng 9/2019 phù hợp với châu Phi.

Lên tiếng trong buổi gặp gỡ, trước hết, Đức Thánh Cha chúc mừng những người khởi xướng Hiệp ước này vì họ là những người đầu tiên đem áp dụng Hiệp ước cho lục địa của mình, điều này cho thấy họ đã hiểu rõ những gì ngài đã muốn với sáng kiến, nghĩa là Hiệp ước Toàn cầu phải trở thành một thực tế địa phương, kết quả của những suy tư được thực hiện bắt đầu với bối cảnh và tài nguyên văn hoá của chính lục địa, và chú ý đến nhu cầu giáo dục của khu vực.

Nhắc lại câu cách ngôn của châu Phi “Cần cả một ngôi làng để giáo dục một đứa trẻ”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh nhiệm vụ đồng hành với các trẻ em không chỉ dành riêng cho cha mẹ, nhưng tất cả mọi thành viên trong cộng đồng đều phải có trách nhiệm giáo dục các em. Vì thế, Hiệp ước Giáo dục Phi châu, ngoài việc phục hồi và củng cố chiều kích cộng đồng và chiều ngang của tương quan này, còn phải hướng đến chiều dọc đó là Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha tiếp tục bài nói chuyện với lời mời gọi mọi người nhìn Phi châu với sự tin tưởng, không chỉ liên quan đến nguồn tài nguyên, tiến bộ kinh tế trong và các tiến trình hoà bình, nhưng trước hết đến nguồn tài nguyên giáo dục: các giá trị hiếu khách, chào đón, liên đới là những giá trị được nói đến trong Hiệp ước Giáo dục.

Ngài còn nhắc đến những nhân vật vĩ đại của châu Phi, những người quan tâm đến giáo dục: Ông Nelson Mandela, người đã khẳng định rằng giáo dục là công cụ mạnh mẽ nhất có thể được sử dụng để thay đổi thế giới; tôi tớ Chúa Julius Nyerere, người được gọi là “thầy dạy” vì đã biết cách đưa ra các chính sách giáo dục cho sự phát triển trong mọi hoàn cảnh.

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-06/dtc-tiep-hiep-uoc-giao-duc-phi-chau.html