23/12/2024

Giải thưởng Phaolô VI và Tổng thống Mattarella

Giải thưởng Phaolô VI và Tổng thống Mattarella

Năm nay, Uỷ ban Khoa học và Uỷ ban Điều hành Học viện Phaolô VI đã quyết định trao Giải thưởng Phaolô VI cho Tổng thống Mattarella vì những cống hiến của ông cho công ích qua sự dấn thân chính trị được truyền cảm hứng từ các giá trị Kitô giáo, đồng thời, kiên định trong việc phục vụ các tổ chức dân sự.

2023.05.29 Consegna del Premio Paolo VI di Brescia al Presidente della Repubblica Italiana Sergio Mattarella

Giải thưởng Phaolô VI được thành lập bởi Học viện Phaolô VI nhằm vinh danh các cá nhân lỗi lạc nổi bật trong các lĩnh vực văn hoá khác nhau và trong việc thúc đẩy sự chung sống công bằng của con người và, bằng nhiều cách khác nhau, làm chứng cho sức sống của di sản tinh thần của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI.

Học viện Phaolô VI

Học viện Phaolô VI được thành lập một ngày sau khi Đức Phaolô VI qua đời, theo sáng kiến ​​của Tổ chức Giáo dục Kitô giáo của Brescia – giáo phận nơi ngài được sinh ra và theo học những năm đầu tiên – như một Trung tâm nghiên cứu và cung cấp tài liệu của Giáo hội Công giáo về con người, công việc và giáo huấn của ngài. Mục đích của Học viện bao gồm việc tạo ra một thư viện chuyên ngành, một kho lưu trữ, thúc đẩy các cuộc gặp gỡ nghiên cứu và các ấn phẩm chuyên đề.

Trụ sở của Học viện Phaolô VI được đặt tại Concesio, cạnh nơi sinh của Thánh Phaolô VI; ngày nay nơi này đã trở thành một địa điểm hành hương. Học viện được chăm sóc bởi một cộng đoàn các nữ tu Dòng Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, ở bên cạnh và cộng tác vào các hoạt động của Học viện. Chính các nữ tu Salêdiêng chào đón du khách và hướng dẫn họ. Kể từ năm 2014, một con đường đã được chuẩn bị để hành hương đến thăm ngôi nhà được khoảng 10.000 khách hành hương lui tới mỗi năm. Học viện tổ chức các sáng kiến ​​khác nhau cho các linh mục, chủng sinh, sinh viên, cho các trường học và chào đón các cuộc họp của các nhóm thuộc Giáo hội.

Giải thưởng Quốc tế Phaolô VI 

Giải thưởng Quốc tế Phaolô VI được thành lập để tỏ lòng kính trọng đối với Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, người đã cảm nhận sâu sắc những lo lắng và hy vọng của nhân loại đương đại, cố gắng biết và hiểu những kinh nghiệm của họ để đưa họ trở lại với cuộc gặp gỡ sáng suốt và kiên quyết với sứ điệp Kitô giáo, dự định hợp nhất chiều kích tôn giáo và văn hoá trong nhân cách của Thánh Giáo hoàng.

Những người được trao giải

Giải thưởng Phaolô VI được trao lần đầu tiên vào năm 1984, cho thần học gia Hans Urs von Balthasar, một linh mục người Thuỵ Sĩ, vì những nghiên cứu thần học của ngài và được trao bởi Đức Gioan Phaolô II. Sau đó, vào năm 1988, giải đã được trao cho Olivier Messiaen về âm nhạc; năm 1993 cho Oscar Cullmann về đại kết, năm 2003 cho Paul Ricoeur về triết học và năm 2009 tạp chí “Sources Chrétiennes” – các nguồn Kitô giáo – về giáo dục.

Giải thưởng năm 2023

Năm nay, Uỷ ban Khoa học và Uỷ ban Điều hành đã quyết định trao giải thưởng này cho Tổng thống Mattarella vì những cống hiến của ông cho công ích qua sự dấn thân chính trị được truyền cảm hứng từ các giá trị Kitô giáo, đồng thời, kiên định trong việc phục vụ các tổ chức dân sự. Thông cáo của Học viện Phaolô VI viết: “Nơi ông Sergio Mattarella, người ta cũng có thể nhận ra người thừa kế truyền thống vĩ đại của các chính trị gia Công giáo, những người đã suy nghĩ và góp phần tạo ra Liên minh Châu Âu như một không gian chung sống hoà bình và dân chủ giữa các dân tộc.”

Thông báo với các nhà báo tại Phòng Báo chí Toà Thánh về lễ trao giải, Cha Angelo Maffeis, Chủ tịch Học viện Phaolô VI ở Concesio, tỉnh Brescia của Ý, đã cảm ơn Đức Thánh Cha; giống như các vị tiền nhiệm gần đây của ngài trong sáu lần trao giải trước, Đức Thánh Cha đã đồng ý trực tiếp trao giải thưởng cho Tổng thống Ý. Theo cha Maffeis, “điều này chứng tỏ lòng kính trọng của Đức Thánh Cha đối với Đức Phaolô VI, sự kính trọng đối với Tổng thống Sergio Mattarella” và cũng là sự đánh giá cao đối với công việc “mà Học viện đã thực hiện trong 44 năm để lưu giữ ký ức về vị Giáo hoàng người tỉnh Brescia và nghiên cứu việc giáo huấn cũng như hoạt động của ngài”.

Được trao cho người hoạt động chính trị

Cha Maffeis nhắc lại rằng giải thưởng đặc biệt nhắm công nhận sự phong phú về mặt văn hoá của sứ điệp Kitô giáo, có khả năng cổ vũ một chủ nghĩa nhân văn đích thực. Sau 14 năm bị đình chỉ, sau lần cuối cùng được trao cho tập san “Nguồn Kitô giáo” về giáo dục, vào năm 2009, việc trao giải thưởng cho Tổng thống Mattarella muốn nhấn mạnh, “cách thức hoạt động chính trị và việc phục vụ công ích trong việc thực hiện các chức năng khác nhau của thể chế có thể là một trong những lĩnh vực quan trọng trong đó điều này có thể xảy ra”.

Cha Maffeis cũng nhấn mạnh việc phục vụ của Thánh Phaolô VI “chắc chắn là một thừa tác vụ của giáo hội, và sẽ sai lầm nếu ngay lập tức gán cho nó một giá trị chính trị”. Nhưng cũng đúng là Thánh Phaolô VI đã “đi qua thế kỷ XX với sự tham gia tích cực vào các sự kiện của Ý và quốc tế”. Với tư cách là trợ lý giáo hội của Liên minh Đại học Công giáo Ý, “trong bối cảnh bị chế độ phát xít thống trị, ngài đã góp phần huấn luyện những sinh viên trẻ mà ngài gặp trong các trường đại học rải rác khắp nước Ý theo tinh thần tự do”. Và sau đó, với tư cách là Quốc vụ khanh, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, “ngài đã đồng hành cùng sự phát triển của nền dân chủ Ý còn non trẻ”. Với tư cách là tổng giám mục của Milano, “ngài tự đánh giá mình bằng những biến đổi sâu sắc đang diễn ra trong các lĩnh vực văn hoá và xã hội”. Và cuối cùng, với tư cách là Giáo hoàng, “ngài tiếp tục theo dõi các sự kiện của Ý, với sự tôn trọng tuyệt đối quyền tự trị của lĩnh vực dân sự, đồng thời, với sự tham gia cá nhân mật thiết, cả trong bầu không khí sôi nổi của công đồng lẫn trong những năm kịch tính đẫm máu bởi chủ nghĩa khủng bố”.

Kitô hữu phục vụ công ích

Tại sao Giải thưởng Phaolô VI được tiếp tục trao sau khi đã ngưng lại 14 năm, và tại sao năm nay người nhận giải lại được lựa chọn từ lĩnh vực chính trị, cha Maffaeis giải thích: “Giải thưởng Phaolô VI được thành lập để giới thiệu với thế giới văn hoá, với thế giới của những người nhìn vào di sản của Thánh Phaolô VI, tầm quan trọng của triều đại giáo hoàng của ngài, cũng như mẫu mực của một số cách thức mà qua đó một số người hoặc các tổ chức đã thu thập di sản và biến nó thành tư tưởng, thành sáng tạo nghệ thuật, thành sự dấn thân. Và do đó, sau khi đã xem qua các lĩnh vực thần học, triết học, nghệ thuật, đại kết, chúng tôi đã mạo hiểm bước vào lĩnh vực chính trị, một lĩnh vực chắc chắn tế nhị hơn. Nhưng có vẻ thích hợp khi nhắc lại giáo huấn của Thánh Phaolô VI có thể có ý nghĩa chính xác như thế nào trong việc truyền cảm hứng cho cả những người, với tư cách là Kitô hữu, phục vụ công ích trong các thể chế chính trị.”

Theo cha, lý do trao giải cho Tổng thống Mattarella chính là một sứ điệp Kitô giáo có khả năng thể hiện sự phong phú về văn hoá và xã hội, và cũng thông qua việc phục vụ các tổ chức. Mặt khác, khả năng này kết hợp cảm giác thuộc về một cộng đồng, điều mà Tổng thống Mattarella luôn nhấn mạnh, và cái nhìn phổ quát, trước hết là châu Âu, và rồi bao trùm toàn bộ chân trời toàn cầu.

Tổng thống Mattarella tặng số tiền thưởng cho Cộng đoàn Gioan XXIII

Nhận giải thưởng, Tổng thống Mattarella cảm ơn Học viện Phaolô VI đã quyết định trao giải thưởng cho ông và cảm ơn Đức Thánh Cha đã trao giải thưởng cho ông. Sau đó, nguyên thủ quốc gia Ý đã yêu cầu Học viện Phaolô VI phân bổ số tiền của giải thưởng cho Cộng đoàn Gioan XXIII, được thành lập ở Romagna và có những ngôi nhà đón tiếp người bất hạnh “bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt những ngày gần đây”. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng với giải thưởng, hơn cả hành động cá nhân của tôi, nó được hiểu và nhằm chỉ ra một cách diễn giải sự dấn thân trong xã hội và trong các tổ chức mà nhiều người đã thực hành và phát triển được truyền cảm hứng từ tầm nhìn của Đức Phaolô VI và những lời dạy của ngài.” Ông tin tưởng rằng các tác phẩm của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI “là những điểm định hướng cơ bản”. Ông kết luận: “Với giáo huấn của mình, Thánh Phaolô VI đã đặt và truyền đạt, trong một tầm nhìn hài hoà, rõ ràng, đầy đủ, đức tin, phẩm giá con người, tự do và hoà bình.”

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-05/giai-thuong-phaolo-vi-tong-thong-mattarella.html