Đức Thánh Cha: Tiêu thụ ít hơn nhưng sống tương quan cá nhân nhiều hơn
Đức Thánh Cha: Tiêu thụ ít hơn nhưng sống tương quan cá nhân nhiều hơn
Đức Thánh Cha đã biết tác giả cuốn sách trong nhiều năm: Carlo Petrini, nhà ẩm thực và nhà hoạt động nổi tiếng trên thế giới; và Gael Giraud, tu sĩ Dòng Tên và kinh tế gia.
“Một sự liên kết giữa cái đẹp và điều tốt” là lời nhận xét đầu tiên của Đức Thánh Cha dành cho cuốn sách. Chính điều này làm cho tác phẩm mang một “hương vị” của hy vọng, tính xác thực và tương lai.
Đức Thánh Cha khen hai tác giả mặc dù tuổi tương đối lớn nhưng đã tìm thấy trong các thế hệ trẻ lý do cho niềm tin và hy vọng. Ngài viết: “Những người lớn chúng ta hay than phiền giới trẻ. Chúng ta nhắc lại thời gian đã qua và cho rằng tốt hơn thời nay, và những người đến sau phung phí những gì người đi trước đã tạo ra. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng chính giới trẻ là những người đi đầu cho sự thay đổi điều mà tất cả chúng ta đang cần.”
Đức Thánh Cha chỉ ra những thay đổi cụ thể mà giới trẻ đang yêu cầu thế giới. Đó là thay đổi lối sống để không gây hại môi trường. Thay đổi tương quan của chúng ta với các nguồn tài nguyên của trái đất. Ngài viết tiếp: “Chúng ta hãy thay đổi thái độ của chúng ta đối với các thế hệ mới, thế hệ mà chúng ta đang đánh cắp tương lai của họ. Và giới trẻ không chỉ đang yêu cầu chúng ta, họ đang hành động: xuống đường, bày tỏ sự bất đồng quan điểm của họ đối với hệ thống kinh tế bất công với người nghèo và là kẻ thù của môi trường, tìm kiếm những con đường mới. Và họ đang làm điều đó bắt đầu từ cuộc sống hằng ngày: họ đưa ra những lựa chọn có trách nhiệm về thực phẩm, vận chuyển và tiêu dùng.”
Theo Đức Thánh Cha, khi hành động như vậy họ đang dạy chúng ta về sự thay đổi. Họ chọn tiêu thụ ít hơn và sống tương quan với người khác nhiều hơn. Khi mua các đồ dùng họ chọn sản phẩm được sản xuất theo các nguyên tắc nghiêm ngặt tôn trọng môi trường và xã hội.
Một điểm khác được Đức Thánh Cha nhấn mạnh là hai tác giả chỉ ra con đường hoạt động để phát triển kinh tế bền vững và phê bình về khái niệm hạnh phúc hiện nay, theo tổng sản phẩm nội địa. Hậu quả là coi thường con người, nhiều người phải hy sinh vì lợi nhuận kinh tế.
Trong phần kết, Đức Thánh Cha nói cuốn sách là một món quà quý giá, bởi vì nó chỉ cho chúng ta một con đường để theo. Quá trình chuyển đổi sinh thái có thể đại diện cho một lĩnh vực mà mọi người, với tư cách là anh chị em, cùng quan tâm ngôi nhà chung, đánh cuộc với thực tế rằng, bằng cách tiêu thụ ít đồ dùng hơn và sống tương quan cá nhân nhiều hơn, chúng ta sẽ bước qua cánh cửa hạnh phúc.
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-05/dtc-tieu-thu-it-tuong-quan-ca-nhan-nhieu.html