23/12/2024

Ban lãnh đạo mới của Caritas Quốc tế và sứ vụ cho bốn năm tới

Ban lãnh đạo mới của Caritas Quốc tế và sứ vụ cho bốn năm tới

Trong Đại hội lần thứ 22 vừa kết thúc trong những ngày qua, 400 đại biểu đến từ 162 quốc gia đã bầu chọn ban lãnh đạo mới cho Caritas Quốc tế. Ban lãnh đạo sẽ phục vụ Caritas Quốc tế trong nhiệm kỳ 4 năm gồm: Chủ tịch, Đức Tổng Giám mục Tarcisius Isao Kikuchi; Phó Chủ tịch, bà Kirsty Robertson; Tổng Thư ký, ông Alistair Dutton; Thủ quỹ, ông Patrick Debucquois.

Ban lãnh đạo mói của Caritas Quốc tế

Ban lãnh đạo mói của Caritas Quốc tế 

Đức Tổng Giám Mục Tarcisius Isao Kikuchi: Chủ tịch Caritas Quốc tế

Đức Tổng Giám Mục Tarcisius Isao Kikuchi
Đức Tổng Giám mục Tarcisius Isao Kikuchi

Tân Chủ tịch Caritas Quốc tế, Đức Tổng Giám mục Tarcisius Isao Kikuchi của Tokyo, cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nhật Bản và Tổng Thư ký Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC). Ngài đã hoạt động truyền giáo tại Ghana ở Tây Phi, làm cha sở một giáo xứ miền quê trong tám năm. Và theo ngài, thời gian này là một trải nghiệm quan trọng giúp ngài thêm lòng nhiệt thành trong các hoạt động bác ái.

Năm 2004, ngài được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Niigata, Nhật Bản, và 13 năm sau làm Tổng Giám mục của thủ đô Tokyo. Ngài từng làm Giám đốc Caritas Nhật Bản trong 15 năm, từ năm 2007 đến 2022, và làm Chủ tịch Caritas Á châu từ năm 2011 đến 2019, kiêm thành viên Ban chấp hành Caritas quốc tế từ năm 1999 đến 2004, thành viên Hội đồng đại diện của Tổ chức này từ năm 2011 đến 2019.

Tuyên bố tại Đại hội sau khi được bầu chọn, Đức Tổng Giám mục Kikuchi nói với các đại biểu: “Caritas phải đi hàng đầu trong việc đón tiếp, đồng hành, phục vụ và bảo vệ những người nghèo và người dễ bị tổn thương. Sứ mạng này phải được hỗ trợ và ở tâm điểm những quan tâm của các Caritas thành viên thuộc Caritas Quốc tế, và tôi, cùng với vị Tổng thư ký, muốn hướng dẫn toàn thể Liên đoàn Caritas chu toàn sứ mạng quan trọng này. Tất cả chúng ta được mời gọi đồng hành với nhau.”

Sau khi được bầu làm Chủ tịch Caritas Quốc tế, Đức Tổng Giám mục Kikuchi nói với Vatican News rằng Caritas – tổ chức quốc tế viện trợ nhân đạo lớn thứ hai trên thế giới- cung cấp nhiều điều khác hơn là chỉ hỗ trợ từ thiện. Với tư cách là tổ chức bảo trợ cho các tổ chức bác ái địa phương của Giáo hội, Caritas mong muốn trở thành nhân chứng cho tình yêu của Thiên Chúa để mọi người thấy rằng đây là cách Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người.

Caritas tại Ucraina
Caritas tại Ucraina

Sứ vụ của Caritas là giúp mọi người biết rằng họ không bị lãng quên

Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh rằng Caritas bao gồm các tình nguyện viên cơ sở ở khắp nơi trên thế giới, những người mang đặc điểm của Caritas. Những tình nguyện viên đó là khuôn mặt tổ chức bác ái của Giáo hội Công giáo, đặc biệt là đối với những người đang mòn mỏi trong các khu vực bị xung đột tàn phá nhưng bị phần còn lại của thế giới lãng quên. Ngài nói: “Chúng tôi cung cấp sự hỗ trợ chuyên nghiệp, nhưng đồng thời chúng tôi muốn nói với họ rằng chúng tôi luôn ở bên họ. Chúng tôi luôn làm việc với họ; chúng tôi luôn nhớ đến họ. Không ai bị loại trừ; sẽ không ai bị lãng quên.”

Đồng hành để tạo ra hy vọng

Tân Chủ tịch lưu ý rằng Caritas mang đến viện trợ lương thực và các hỗ trợ nhân đạo khác, nhưng sứ vụ quan trọng nhất của tổ chức là giúp mọi người “tạo ra hy vọng để tồn tại. Hy vọng không thể được mang đến từ bên ngoài. Tuy nhiên, cùng nhau, chúng tôi có thể ở bên họ, để họ yên tâm rằng họ không bị lãng quên. Từ đó, họ có thể tạo ra hy vọng để tồn tại”.

Nhân viên và tình nguyên viện Caritas là nhân chứng tình yêu Chúa

Nhân viên Caritas
Nhân viên Caritas

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám mục còn bày tỏ mong muốn các nhân viên và tình nguyện viên của Caritas thực sự là chứng nhân tình yêu Chúa. Ngài nói: “Chúng tôi luôn nói rằng Caritas luôn là chứng nhân của tình yêu Chúa, và Caritas không chỉ gồm những người đang ở vị trí quản lý, nhưng tất cả từ cơ sở, tất cả tình nguyện viên là Caritas.”

Để chứng minh cho điều này, Tân Chủ tịch chia sẻ câu chuyện ở Nhật Bản: “Sau thảm hoạ sóng thần và động đất năm 2011, Caritas Nhật Bản đã gửi các tình nguyện viên đến với người dân ở các khu vực địa phương, và họ đã thành lập các cơ sở tình nguyện. Trong khu vực đó, không có các Kitô hữu. Sau vài năm, hầu hết các tổ chức phi chính phủ khác đều biến mất. Nhưng Caritas vẫn ở lại khu vực bị thảm họa, và mọi người bắt đầu gọi những tình nguyện viên này là: ‘Ông/bà/anh/chị Caritas’. Đây là những nhân viên Caritas thực thụ. Mọi người sẽ gọi các bạn là ‘Ông/bà/anh/chị Caritas’, bởi vì những người này đại diện cho Caritas, tình nguyện viên cơ sở của chúng tôi. Họ đại diện cho Caritas. Vì vậy, điều rất quan trọng đối với mỗi tình nguyện viên là mang đặc điểm của Caritas. Họ là Caritas. Chúng tôi là những người đang điều hành, chúng tôi không phải là Caritas đơn độc. Chúng tôi, cùng với tất cả những tình nguyện viên này, chúng tôi tạo ra Caritas.”

Ông Alistair Dutton, Tổng Thư ký

Tổng Thư ký, ông Alistair Dutton
Tổng Thư ký, ông Alistair Dutton

Tân Tổng Thư ký của Caritas Quốc tế, ông Alistair Dutton người Ecosse từng là Giám đốc Caritas Ecosse và trong ba thập niên, ông phục vụ trong tổ chức Caritas. Trước đó, ông Alistair cũng là Giám đốc dịch vụ nhân đạo thuộc Caritas Quốc tế, từ năm 2009 đến 2014. Trong trách nhiệm này, ông đã đi tới hơn 70 nước trên thế giới, những vùng chiến tranh, thiên tai và các vấn đề nhân đạo khác để phối hợp các công tác cứu trợ.

Tuyên bố sau khi được bầu chọn, tân Tổng thư ký Caritas quốc tế nói rằng: “Caritas là nhà, là gia đình và là ơn gọi của tôi. Tôi hứa khiêm tốn lắng nghe, suy nghĩ kỹ lưỡng và kiến tạo những nhịp cầu. Tôi hứa dùng quyền của Tổng thư ký để hướng dẫn Liên đoàn Caritas cùng nhau tiến bước”.

Hoạt động của Caritas
Hoạt động của Caritas

Kế hoạch chiến lược trong 4 năm tới

Về kế hoạch chiến lược trong 4 năm tới, Tân Tổng Thư ký cho biết trong cuộc phỏng vấn với Vatican News rằng, chiến lược không tập trung vào các trường hợp khẩn cấp đơn lẻ nhưng tập trung vào các cơ cấu cần thiết để có thể đáp ứng các trường hợp khẩn cấp và nhu cầu lâu dài. Bởi vì thế giới luôn thay đổi, Caritas cần thiết lập cơ cấu và khả năng mang lại sự cứu trợ và hỗ trợ cho những người đang cần giúp đỡ ở bất cứ nơi nào khủng hoảng xảy ra. Ví dụ như trường hợp ở Sudan không nhất thiết phải là ưu tiên, vì thế không nằm trong kế hoạch chiến lược, nhưng là những gì chúng tôi cần có trong cơ cấu và khả năng để khi Sudan xảy ra, chúng tôi có thể ứng phó. Cũng giống như vậy ở Ucraina.

Ông nói: “Thế giới ngày càng trở nên mong manh hơn và sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang làm tổn thương những người nghèo nhất, nhưng lại là những người ít làm hại đến môi trường. Tiếp đến là những cuộc xung đột do con người tạo ra đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.”

Tân Tổng Thư ký nhấn mạnh đến mô hình của Ucraina. Chiến lược của Caritas ở đây là hỏi người dân Ucraina cần gì. Và đôi khi là những kỹ năng đặc biệt. Khi đã biết được nhu cầu của họ, Caritas cử nhân viên đến giúp xây dựng hoặc đào tạo hoặc bất cứ điều gì, và sau đó sẽ có dòng tài chính để họ có đủ sức thực hiện những gì học phải làm.

“Cầu nguyện là một phần quan trọng của điều này”, ông Dutton nói thêm và lưu ý rằng “mỗi khi họ gặp chúng tôi, họ nói: chúng tôi cảm thấy các bạn ở bên chúng tôi. Vì vậy các thành viên của chúng tôi trên thế giới đang hỗ trợ Ucraina bằng nhiều cách khác nhau, và đó là những gì chúng tôi có thể áp dụng trong mọi tình huống.”

Ông Dutton tiếp tục nhấn mạnh đây là một cách tiếp cận quan trọng không chỉ đối với Ucraina nhưng còn cho các quốc gia nhỏ khi phải đối diện với những thách đố. Cách tiếp cận này mang lại cho các quốc gia cảm giác rằng họ là một phần của điều gì đó, có thể làm được điều đó. Họ biết rằng Caritas ở đó thay mặt họ và là một phần của điều này với tư cách là “một gia đình”.

Hoạt động của Caritas
Hoạt động của Caritas

Năm ưu tiên

Về kế hoạch chiến lược năm được bàn thảo trong Đại hội, ông Dutton nhấn mạnh năm ưu tiên: 1) Mối quan hệ với Giáo hội và sự hợp tác chặt chẽ của Caritas với tư cách là một phần của giáo hội; 2) Cách Caritas ứng phó với các trường hợp khẩn cấp; 3) Phát triển con người toàn diện; 4) Làm việc về các vấn đề khác nhau của vận động chính sách; 5) Xây dựng năng lực và cách Caritas đảm bảo rằng các tổ chức của mình có khả năng đáp ứng khi họ cần và tham gia khi họ muốn.

Sự ủng hộ của Đức thánh Cha

Trong cuộc phỏng vấn, trả lời cho câu hỏi: “Những lời cầu nguyện và sự quan tâm của Đức Thánh Cha có ý nghĩa như thế nào đối với Caritas Quốc tế?”, Tân Tổng Thư ký trả lời: “Sứ điệp của Đức Thánh Cha là một nguồn cảm hứng thực sự cho chúng tôi, và theo nhiều cách, những lời này tóm lược sứ vụ của chúng tôi và nơi tất cả chúng tôi tin rằng chúng tôi cần hiện diện: Caritas phải ở ngoại biên. Chúng tôi không thể thoải mái ở trung tâm. Chúng tôi cần phải chịu dính bẩn và bị thương tích. Chúng tôi cần phải có đôi tay dính bẩn và chúng tôi cần được loan báo Tin Mừng cho chính mình, vì những người nghèo. Chúng tôi cần đi ra và tìm kiếm nơi chúng tôi đang được Thần Khí hướng dẫn, và thực sự lắng nghe tiếng nói của những người ở bên lề, những người ở vùng ngoại vi, những người phải chịu bất công. Chúng tôi cần nghe họ nói để biết cách phản ứng với họ. Chúng tôi không thể ở lại trong những văn phòng đẹp. Chúng tôi phải ra ngoài.”

Đức Thánh Cha tiếp một nhân viên Caritas
Đức Thánh Cha tiếp một nhân viên Caritas

Caritas là tình thương

Hướng đến tất cả những ai đang ủng hộ Caritas, ông Dutton nói ở mỗi quốc gia đều có Caritas, và Caritas là tình thương. Ông nói: “Chúng tôi chỉ có thể biểu lộ được tình thương qua các tình nguyện viên và nhân viên của các quốc gia. Vì thế xin hãy hỗ trợ Caritas địa phương, qua cầu nguyện, tham gia với tư cách tình nguyện viên và trợ giúp tài chính. Hãy giúp chúng tôi mở rộng vòng tay yêu thương trong các vùng lân cận của quốc gia các bạn.”

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-05/ban-lanh-dao-moi-caritas-su-vu-bon-nam.html