23/11/2024

Báo Quan sát viên Roma phỏng vấn Tổng thống Palestine về Hiệp định Oslo

Báo Quan sát viên Roma phỏng vấn Tổng thống Palestine về Hiệp định Oslo

Năm nay, 2023, kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp định Hoà bình Oslo giữa chính phủ Israel và Palestine. Nhân dịp này, Báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh có cuộc phỏng vấn với ông Mamud Abbas, tổng thống Palestine.

Hàng rào Bờ Tây Israel

Hàng rào Bờ Tây Israel  (ANSA)

Tổng thống là người duy nhất tham dự Lễ Giáng Sinh của cả ba Giáo hội Kitô: Công giáo Latinh, Chính thống, Công giáo Armenia. Tương quan của ông với cộng đoàn Kitô ở Palestine trong những năm gần đây như thế nào?

Ở Palestine, Kitô giáo cũng là một thực thể như Hồi giáo. Kitô giáo ở đây có một điểm khác với các nơi khác, do Palestine là vùng đất của Chúa Giêsu. Người sinh tại Bêlem, vì vậy mới có Vương cung Thánh đường Giáng Sinh, nơi Công giáo, Chính thống giáo và Công giáo Armenia bày tỏ sự tôn kính đặc biệt vào dịp Giáng Sinh. Chúng tôi rất gần gũi với những nơi thánh này. Vì thế trong những năm gần đây, chúng tôi sẵn sàng tham gia trùng tu Vương cung thánh đường Giáng Sinh và Thánh Mộ ở Giêrusalem. Chúng tôi cử hành những ngày lễ quan trọng của Kitô giáo và coi những ngày này là lễ nghỉ. Chúng tôi ý thức rằng vùng đất Palestine là nơi thánh, nơi Kitô giáo bắt đầu và lan rộng trên khắp thế giới.

Đã 30 năm trôi qua kể từ khi Hiệp định Oslo được ký kết, tiến trình hoà bình vẫn chưa có những bước tiến triển. Theo ông giải pháp “hai nhà nước vì hai dân tộc” vẫn khả thi đối với thực tế hiện nay không?

Sau Hiệp định Oslo được ký vào năm 1993, có Sáng kiến Hoà bình Ả Rập trong năm 2002, Bản đồ Lộ trình Trung Đông năm 2002 và nhiều đề xuất khác, các chính phủ tiếp theo của Israel không thực hiện các thoả thuận đã được đưa ra. Hơn nữa họ còn vi phạm luật quốc tế như xây các khu định cư trái phép, sát nhập đất đai, phá huỷ nhà cửa, trục xuất người Palestine ra khỏi đất đai của họ, vi phạm các nơi thánh của Hồi giáo và Kitô giáo. Tất cả những điều này làm cho giải pháp hai nhà nước khó thực hiện. Thay vì buộc Israel phải tôn trọng các thoả thuận trên cơ sở luật quốc tế, nhiều quốc gia tiếp tục giữ im lặng về trách nhiệm của Israel, chỉ bày tỏ sự cảm thông chung chung và hời hợt đối với các quyền hợp pháp của người Palestine. Bất chấp tất cả những điều này, Nhà nước Palestine được quốc tế công nhận đáng kính trọng, là quan sát viên tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và là thành viên đầy đủ của hơn 100 cơ quan và hiệp ước quốc tế, ký kết các thoả thuận và hưởng ứng mọi sáng kiến của cộng đồng quốc tế.

Còn Dải Gaza thì sao? Có phải hai dân tộc trong ba quốc gia?

Dải Gaza là một phần thiết yếu và quan trọng của Nhà nước Palestine độc lập và dự án quốc gia Palestine. Dải Gaza và Bờ Tây, bao gồm cả Đông Giêrusalem, đều là các lãnh thổ của Palestine bị chiếm đóng từ năm 1967, và theo các nghị quyết hợp pháp quốc tế, chúng tạo thành lãnh thổ của Nhà nước Palestine. Những gì Phong trào Hamas đã làm chống lại tính hợp pháp của Palestine không được người dân Palestine chấp nhận. Đại diện hợp pháp duy nhất của dân tộc chúng tôi là Tổ chức Giải phóng Palestine với các thể chế hợp pháp do người dân chúng tôi bầu ra, bao gồm Hội đồng Quốc gia, là quốc hội của dân Palestine, và ủy ban điều hành của tổ chức do Tổng thống Nhà nước Palestine đứng đầu. Chúng tôi đang cố gắng, với tất cả nỗ lực, để tái khẳng định sự gắn kết quốc gia và chỉ đạo hành động của chúng tôi nhằm giải quyết mối đe dọa chính đối với người dân, đó là sự chiếm đóng của Israel và nhu cầu được giải phóng khỏi Israel.

Tổng thống được biết đến là một người yêu chuộng hoà bình. Đặc biệt trong giới trẻ Palestine sinh ra và lớn lên nhưng chưa từng được hưởng tự do, cảm giác thất vọng gia tăng theo năm tháng và thường biến thành bạo lực như đã xảy ra trong thời gian gần đây. Ông muốn nói gì với những người Palestine trẻ về vấn đề này?

Chúng tôi chống bạo lực, đặc biệt đối với thường dân không vũ trang. Giới trẻ Palestine là trụ cột cơ bản trong dự án xây dựng các thể chế quốc gia Palestine của chúng tôi. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã làm việc để có các thể chế Nhà nước dựa trên pháp quyền, trao quyền cho phụ nữ và giới trẻ, truyền bá văn hoá hoà bình, sử dụng đối thoại, các phương pháp ngoại giao và chính trị cũng như phản kháng một cách hoà bình. Và tôi nói với những người trẻ Palestine, những người tự hào về vùng đất của họ, rằng bất kể khó khăn và thách đố nào mà sự nghiệp quốc gia của chúng ta phải đối diện, chúng ta phải ở lại mảnh đất của chúng ta và của tổ tiên. Bởi vì những thay đổi đang diễn ra, ở đây và trên thế giới, cho thấy rõ ràng rằng việc chấm dứt sự chiếm đóng của Israel là tất nhiên và không còn xa. Chúng tôi muốn hoà bình. Đối với chúng tôi, hòa bình sẽ đạt được là một lựa chọn chiến lược phù hợp với các nghị quyết hợp pháp quốc tế, để cuối cùng được sống độc lập trong một quốc gia có chủ quyền với Đông Giêrusalem là thủ đô, một quốc gia dựa trên nền tảng của luật quốc tế, tự do, bình đẳng và công lý. Chúng tôi kêu gọi giới trẻ và các thế hệ tương lai bảo tồn di sản nguyên thuỷ của Palestine và hoàn thành hành trình mà chúng tôi đã bắt đầu vì tự do, nhân phẩm, công lý và độc lập. Chúng tôi kêu gọi họ nghiên cứu và sử dụng các công nghệ mới nhất trong công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ y tế, giáo dục và xây dựng các thành phố bền vững. Chúng tôi là những người xứng đáng được yêu thương, được sống với phẩm giá trên mảnh đất quốc gia của mình, đó là điều đúng đắn và quan trọng đối với tất cả các dân tộc trên thế giới.

Đã chín năm kể từ khi tổng thống nhận lời mời của Đức Thánh Cha đến Vatican, nơi ông cùng với tổng thống Israel trồng một cây ô liu trong vườn Vatican. Cây này phát triển rất chậm, mặc dù Đức Thánh Cha đảm bảo tưới nước cho nó hàng ngày bằng lời cầu nguyện cho hoà bình. Làm thế nào có thể phục hồi tiến trình hoà bình một cách thực tế?

Hoà bình và ổn định là một yêu cầu cơ bản và thường xuyên trong chính sách Palestine của chúng tôi. Chúng tôi đang kiên trì cố gắng đạt được qua việc thực hiện các nghị quyết hợp pháp quốc tế, sáng kiến hoà bình Ả Rập và triệu tập một hội nghị hoà bình quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Đồng thời, chúng tôi đáp ứng tất cả các sáng kiến quốc tế nhằm tôn trọng các thoả thuận đã ký kết và chấm dứt các hành động đơn phương vi phạm tính hợp pháp quốc tế, để chuẩn bị cho việc khởi động một tiến trình chính trị, chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với đất đai của Nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Giêrusalem, trên đường biên giới năm 1967. Tôi đồng ý rằng cây ô liu mà chúng tôi đã trồng cùng với Đức Thánh Cha sẽ sớm đơm hoa kết trái, và tôi hy vọng ngài sẽ tiếp tục cầu nguyện cho hoà bình. Và chúng ta không quên lập trường của Vatican trong việc công nhận Nhà nước Palestine trên đường biên giới ngày 4/6/1967, và mong muốn mở đại sứ quán của Nhà nước Palestine cạnh Toà Thánh. Tôi đánh giá rất cao phản ứng tích cực của Đức Thánh Cha đối với sáng kiến của chúng tôi nhằm tái xây dựng những cây cầu với Al-Azhar Al-Sharif, đỉnh cao là cuộc gặp gỡ huynh đệ giữa Đức Thánh Cha và Đại Iman Sheikh Ahmed El-Tayeb của Al-Azhar và việc ký tài liệu về “Tình huynh đệ nhân loại”.

Khác với chiến tranh, hoà bình không có kẻ thắng người thua. Hoà bình luôn là kết quả của thoả hiệp. Ở Oslo, chúng ta có thể nói hoà bình đã thắng không có ai thua. Các giải pháp thoả hiệp mà quý vị có thể trình bày trước bàn đàm phán hôm nay để quay trở lại các thỏa thuận đó và đạt được tiến bộ theo hướng này là gì?

Vấn đề lớn hiện nay là ở Israel thiếu một đối tác thực sự tin tưởng vào hoà bình trên cơ sở giải pháp hai nhà nước phù hợp với luật quốc tế. Ngược lại, các lãnh đạo và bộ trưởng cực đoan kích động lòng thù hận chống lại chúng tôi dường như đang thắng thế ở Israel. Nói tóm lại, trong lúc này, vấn đề là tôi không thấy những người đối thoại đáng tin cậy ở phía bên kia.

Đã ba năm trôi qua kể từ lần đầu tiên của cái gọi là Hiệp định Abraham. Điều gì đã thay đổi đối với quý vị trong ba năm qua?

Việc đạt được hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực đòi hỏi phải công nhận quyền tự do và độc lập của người dân Palestine và tất nhiên là phải chấm dứt sự chiếm đóng của Israel. Việc thực hiện Sáng kiến Hoà bình Ả Rập, như đã được khẳng định, là cách đúng đắn để đạt được điều này.

Dư luận Palestine xem cuộc chiến ở Ucraina như thế nào, và ông nghĩ gì?

Chúng tôi là những người bị chiếm đóng, chúng tôi đã sống cuộc sống tị nạn trong 75 năm và cho đến bây giờ người dân chúng tôi vẫn chưa được bồi thường. Sự chiếm đóng của Israel đối với đất đai của chúng tôi vẫn chưa kết thúc, các thoả thuận quốc tế vẫn chưa được thực hiện, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục nghe rất nhiều đánh giá sai về tình hình của chúng tôi. Tôi có thể trả lời một cách chắc chắn tuyệt đối rằng chúng tôi mong muốn chấm dứt mọi cuộc chiến tranh và đạt được hoà bình ở mọi nơi trên thế giới, để tất cả các dân tộc có thể hưởng an ninh, tự do và thịnh vượng.

Lãnh đạo các Giáo hội ở Giêrusalem lên án các cuộc tấn công lặp đi lặp lại vào các nhà thờ, nghĩa trang và giáo sĩ Kitô. Ông có cảm thấy rằng cộng đồng quốc tế đang tỏ ra đủ nhạy cảm trước những nguy hiểm đang đe doạ sự hiện diện Kitô giáo ở Thánh Địa không?

Cần phải nhớ rằng trong chuyến viếng thăm và hành hương đến Bêlem, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thinh lặng trước sự sỉ nhục từ bức tường ngăn cách, và ngài đã đặt tay lên bức tường đó để xin Đấng Toàn Năng phá bỏ những rào cản, bởi vì vùng đất này không xứng đáng xây dựng những bức tường nhưng là những cây cầu. Sự hiện diện của Kitô giáo đang gặp nguy hiểm và chúng tôi sợ rằng Thánh Địa sẽ mất đi những người con Kitô hữu tốt, những người là muối của vùng đất này. Trong bối cảnh này, chúng tôi yêu cầu Giáo hội trên thế giới ủng hộ người dân Palestine để bảo tồn các nơi thánh của cả Kitô giáo và Hồi giáo.

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2023-05/quan-sat-vien-roma-phong-van-tong-thong-palestin-hiep-dinh-oslo.html