23/01/2025

Chúa Nhật 4 PS A – 2023: Đức Giêsu Phục Sinh là Cửa Chuồng Chiên

Chúa Nhật 4 PS A – 2023

Đức Giêsu Phục Sinh là Cửa Chuồng Chiên

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Vào Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh, Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta nhìn vào Đức Giêsu như vị mục tử nhân lành để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Có lẽ chúng ta nên dành ít phút nhìn vào đồng cỏ nước Trời, nhìn vào cánh đồng truyền giáo nơi trần thế này để xem tình trạng các linh mục, tu sĩ Việt Nam hiện nay sống ra sao và mỗi người chúng ta có thể làm gì giúp đỡ họ.

1. Tình trạng ơn gọi linh mục, tu sĩ ở Việt Nam hiện nay

Nhìn vào Giáo hội Công giáo Việt Nam (GHCGVN), chúng ta phải cảm ơn Chúa vì có nhiều người đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Theo Thống kê hiện nay, GHCGVN có khoảng hơn 6.000 linh mục triều và dòng, 31.000 tu sĩ nam nữ, và khoảng 7 triệu tín hữu Công giáo trên tổng dân số cả nước là hơn 98 triệu người, chiếm khoảng 7%. Như thế là số linh mục tu sĩ không ngừng gia tăng trong 50 năm qua, nhưng kết quả truyền giáo lại sút giảm từ 8% dân số vào năm 1885 so với 7% lúc này.

Nhiều vấn đề đang đặt ra cho các linh mục cũng như tu sĩ sống và làm việc ở Việt Nam. GHCGVN hiện có khoảng hơn 1.000 linh mục không có xứ đạo để chăm sóc giáo dân. Nếu số linh mục cứ tăng thêm như hiện nay, tương lai sẽ thừa ra khoảng vài ngàn linh mục không có xứ đạo trong vòng 10, 15 năm nữa. Vậy các linh mục này sẽ làm gì nếu tình hình truyền giáo không có kết quả tốt hơn? Các linh mục có được chuẩn bị dấn thân vào các lĩnh vực khác thay vì chỉ chuyên trách trong lĩnh vực mục vụ giáo xứ? Nếu không dự liệu trước sẽ xảy ra tình trạng quá dư linh mục dẫn tới việc tranh giành xứ đạo lớn nhỏ hay xứ đạo gần thành phố, ngại dấn thân vào vùng sâu, vùng xa nghèo khổ. Nếu GHCGVN hướng đến việc truyền giáo cho các dân tộc thiểu số, hay cho các nước khác thì việc đào tạo trong các đại chủng viện sẽ phải chuẩn bị và thay đổi như thế nào để các linh mục Việt Nam làm việc hiệu quả tại các môi trường mới mẻ này?

Với số tu sĩ đông đảo, nhiều dòng tu nữ, dù không chuyên ngành giáo dục, vẫn phải mở trường mẫu giáo, nhà trẻ để kiếm sống. Công việc dạy học như vắt kiệt sinh lực của họ và làm cho nhiều người không còn tha thiết đến các lĩnh vực khác như dạy giáo lý, sinh hoạt hội đoàn, hoặc lĩnh vực y tế, xã hội, từ thiện… vì phải cạnh tranh khốc liệt trong cuộc sống hằng ngày. Hơn nữa, Nhà nước đang cố gắng tham gia vào lĩnh vực mẫu giáo với những trường lớp và cơ sở to lớn hơn, đầy đủ phương tiện hơn và dùng cả những sức ép của luật pháp và quyền lực để thu hút học sinh vào các trường mẫu giáo công lập. Vậy các tu sĩ sẽ sống như thế nào, cần đào tạo họ ra sao để có thể sống tốt đẹp và làm chứng nhân cho Chúa Giêsu giữa lòng xã hội?

Là những tín hữu giáo dân, chúng ta cần trợ giúp các tu sĩ và các linh mục như thế nào để họ có thể theo học tất cả các ngành khoa học, tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như các linh mục và tu sĩ Hàn Quốc đã làm và làm rất thành công để Phúc Âm hoá xã hội. Giáo Hội Hàn Quốc khuyến khích các linh mục tu sĩ tham gia vào mọi lĩnh vực xã hội bằng việc đào tạo kỹ lưỡng và giúp đỡ phương tiện để học hành cho tới nơi tới chốn các khoa học thích hợp. Hàng trăm linh mục, tu sĩ, với học vị tiến sĩ, đang giảng dạy trong các đại học công lập, trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và cả những lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Vì thế dân số Công giáo Hàn Quốc từ 1% vào năm 1949 bây giờ đã lên tới 13,1% so với dân số cả nước, và Công giáo là tôn giáo được kính trọng nhất ở Hàn Quốc hiện nay.

Khi nhìn vào đất nước và GHCG Việt Nam với nhiều vấn đề và thách đố, chúng ta thấy mình không thể sống an thân hay phó mặc cho định mệnh đẩy đưa. Đức Giêsu đã giao phó cho mỗi tín hữu nhiệm vụ làm mục tử để chăn dẫn đàn chiên Chúa, nên dù là mục tử cộng đồng như các giáo dân hay mục tử thừa tác như hàng giáo phẩm và giáo sĩ, chính chúng ta phải sống ơn gọi của mình cách tốt đẹp và trọn vẹn để có thể phục vụ dân Chúa cách hiệu quả.

2. Lời giải đáp chỉ tìm được nơi Chúa Giêsu

Chúa Giêsu hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng “Người là cửa cho chiên ra vào” (Ga,10,7), “Ai qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (Ga 10,2). Tất cả chúng ta, nhờ bí tích Rửa Tội nhân danh Đức Giêsu Kitô, nhờ bí tích Thêm Sức và tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta đều nhận được rất nhiều ân sủng để làm thành đoàn chiên Chúa như cộng đồng Giáo Hội ban đầu ở Giêrusalem. Từng tín hữu giáo dân đều được kêu gọi làm mục tử để cùng nhau chăm sóc đàn chiên của Chúa, loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người vì chúng ta gắn bó với Giáo Hội là Hiền thê của Chúa Kitô. Đó là ơn gọi làm mục tử cộng đồng như Bài đọc I (x. Cv 2,36-41) diễn tả sự kiện này.

Trang chủ | Giáo Xứ Ngọc Lâm

Hơn nữa, tất cả chúng ta đều được mời gọi để đi qua một cửa duy nhất là chính Chúa Giêsu Kitô. Chỉ đi qua cửa này chúng ta mới nhận được ơn cứu độ và chia sẻ ơn ấy cho người khác. Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Tôi là cửa, ai qua tôi mà vào sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ… Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,9-10). Cánh cửa mà chúng ta ép mình đi qua gợi ý cho chúng ta rằng Đức Giêsu là nguyên tắc, là khuôn mẫu, là cội nguồn mà chúng ta phải tuân giữ, phải noi theo, phải đến kín múc mọi ân phúc cho sự sống dồi dào Người ban như thánh Phêrô nhắc nhở trong Bài Đọc II (1Pr 2,20-25): “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người”.

Chúng ta hãy ra vào qua cánh cửa Giêsu, nghĩa là ta cần nhìn lại các nguyên tắc sống và hành động của Người để so sánh với cuộc sống của ta, nhìn lại xem mình đã tận dụng được những ân phúc của Thánh Thần ban cho để làm chứng cho sự sống dồi dào của Chúa Giêsu trong hoàn cảnh hiện nay chưa. Đối với hàng triệu người nghèo đói, Chúa Giêsu mời gọi ta hãy hoá bánh cá ra nhiều. Đối với hàng triệu người bệnh tật, Chúa Giêsu mời gọi ta hãy chữa lành. Trước hàng trăm ngàn người bị ma quỷ kiềm chế, đam mê nghiện ngập đủ loại như ma tuý, cờ bạc, rượu chè, tình dục, phim ảnh đồi truỵ, Người mời gọi ta giải thoát. Ta chỉ có thể dẫn họ vào đồng cỏ sự sống dồi dào nếu ta gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu và thở hít được Thần Khí của Người.

Kết luận

Đó là những thách đố đặt ra cho tất cả các vị mục tử hôm nay.

HKK