18/11/2024

Chúa Nhật 16.04.2023
Phục Sinh Mầm Của Hy Vọng

Chúa Nhật II Phục Sinh. Cuối tuần Bát Nhật Phục Sinh

Cv 2,42-47 • Tv 117,2-4.13-15.22-24 (Đ. c.1) • 1 Pr 1,3-9 • Ga 20,19-31

Tin Mừng và Lời Chúa ngày 05 tháng sáu 2022 - Vatican News

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Gioan

19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” 29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Phục Sinh Mầm Của Hy Vọng

Phục Sinh là ngày lễ trọng tâm của Kitô giáo. Trong tuần vừa qua, Hội Thánh sống trong ánh sáng Tình yêu được Thiên Chúa trao ban. Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá nay đã sống lại trong vinh quang để cứu chuộc nhân loại. Phục Sinh là lễ của hy vọng như mùa Xuân trở lại với muôn loài. Tạo Hóa thật là diệu kỳ, cây khô như đã chết, trơ trụi suốt mùa Đông băng giá, vậy mà chỉ sau buổi nắng xuân ấm áp, các lá non đã nhú ra trên cành cây trơ trụi.

Chúa nhật thứ hai Phục Sinh, qua các bài đọc Kinh Thánh, Hội Thánh mời gọi các tín hữu hướng đến một thực tại khác: chính họ là những mầm non hy vọng vừa chớm nở. Thực vậy, chương 21 của Tin Mừng Gioan chỉ là phụ lục, chương 20 mới thực sự kết thúc tác phẩm để mở đầu cho thời đại mới: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa…; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, …” (Ga 20, 30-31). Câu chuyện trước đó, các môn đệ đã được chính Chúa Giêsu Phục Sinh thổi thần khí của Ngài để ban tặng cho họ Thánh Thần. Một Giáo Hội vừa phát sinh trong an bình, sẽ thực hiện công việc của chính Đức Kitô: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. Bài đọc I, trích dẫn sách Công Vụ xác định ý nghĩa này một cách cụ thể: Các Kitô hữu “chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy”, họ “luôn luôn hiệp thông”, “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”… Họ “hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu”.

Karl Marx có lẽ đã cướp lấy ý tưởng của Tin Mừng nhưng loại bỏ tác giả là Thiên Chúa, vì thế các thể chế phát sinh từ đó trở nên giả hình, vô nghĩa và hiệu quả thất tín. Còn chúng ta thì sao? Con cái sự sáng, đừng che giấu ánh sáng phục sinh: hãy đi vào thế giới để làm việc cho sự biến đổi của thế giới. Chúng ta không muốn thấy thế giới mãi giữ bộ mặt vốn có. Đừng thờ ơ vì chúng ta không muốn thấy một xã hội bị xé toạc bởi công nghệ thông tin, thế giới của ích kỷ và tham lam, trong đó đạo đức bị giản lược thành tiền, bất chấp công lý và hòa bình. Kitô hữu, nếu chúng ta không làm chứng cho Đức Kitô, thì ai sẽ mang cho thế giới niềm hy vọng? Amen.

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam