25/12/2024

Tiếp kiến chung (12/4): Lòng nhiệt thành tông đồ của các tín hữu

Tiếp kiến chung (12/4): Lòng nhiệt thành tông đồ của các tín hữu

Như thường lệ, sáng thứ Tư 12/4, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi tiếp kiến chung dành cho các tín hữu với bài giáo lý tiếp theo về việc lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng, tiếp tục loạt bài giáo lý về niềm đam mê loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc phải lên đường với những sáng kiến, không thể loan báo Tin Mừng mà lại thụ động.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha về lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Sau khi nhìn thấy, cách đây hai tuần, sự hăm hở của cá nhân Thánh Phaolô đối với Tin Mừng, hôm nay chúng ta có thể suy tư sâu sắc hơn về lòng nhiệt thành đối với Tin Mừng, khi chính ngài nói về điều này và mô tả nó trong một số thư của ngài.

Qua kinh nghiệm của chính mình, Phao-lô không thể làm ngơ trước mối nguy hiểm của một lòng nhiệt thành méo mó, đi sai hướng; chính ngài đã rơi vào mối nguy hiểm này trước khi bị ngã theo sự quan phòng của Chúa trên đường đi Đamas. Đôi khi chúng ta phải cẩn thận với sự háo hức lạc hướng, nhiệt tâm tuân giữ các quy tắc thuần túy con người và lỗi thời đối với cộng đồng Kitô hữu. “Những người này – Thánh Tông đồ viết – nhiệt thành với anh em không phải vì mục đích tốt.” (Gal 4,17).

Chúng ta không thể bỏ qua lòng nhiệt thành mà một số người dấn mình vào những công việc sai trái ngay cả trong chính cộng đồng Kitô giáo; người ta có thể tự hào về một sự hăm hở truyền giáo sai lầm trong khi thực tế là người ta đang theo đuổi hư vinh hoặc sự xác tín của chính mình hoặc một chút yêu mình.

Vì vậy chúng tự hỏi: theo thánh Phao-lô, những đặc điểm của lòng nhiệt thành truyền giáo đích thực là gì? Vì lý do này, bản văn mà chúng ta đã nghe ở phần đầu có vẻ hữu ích, một danh sách các “vũ khí” mà Vị Tông đồ chỉ ra cho trận chiến thiêng liêng. Trong số những điều này có sự sẵn sàng truyền bá Tin Mừng, được một số người dịch là “lòng nhiệt thành” – đây là người nhiệt thành mang những ý tưởng tiến tới – và được gọi là “giày”. Tại sao? Tại sao lòng hăng say Tin Mừng lại liên quan đến những gì bạn mang cho đôi chân? Ẩn dụ này lấy lại một đoạn văn của Ngôn sứ Isaia: “Đẹp thay, trên đồi núi/ bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an,/ người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ,/ và nói với Xi-on rằng : “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.” ( 52,7)

Ở đây chúng ta cũng thấy nói đến bàn chân của người loan báo tin mừng. Tại sao? Bởi vì ai đi loan báo cũng phải di chuyển, phải bước đi! Nhưng chúng ta cũng lưu ý rằng trong văn bản đó, Thánh Phao-lô nói về chiếc giày như một phần của binh giáp, theo kiểu loại suy về hành trang của một người lính ra trận: trong các trận chiến, điều cần thiết là phải có sự ổn định để hỗ trợ, để tránh những nguy hiểm của địa hình, vì đối thủ thường rải đầy cạm bẫy trên chiến trường và để có sức mạnh cần thiết để chạy và di chuyển đúng hướng. Vì vậy, việc mang giày sẽ giúp để chạy và tránh những thứ cản trở.

Lòng nhiệt thành truyền giáo là chỗ dựa cho lời loan báo, và những sứ giả giống như đôi chân của thân mình Chúa Kitô là Giáo hội. Không có loan báo nếu không có chuyển động, không có “đi ra”, không có sáng kiến. Điều này muốn nói rằng sẽ không có Kitô hữu nếu không bước đi, không có Kitô hữu nêu Kitô hữu không bước ra khỏi chính mình và loan báo Tin Mừng. Và cũng không có loan báo nếu không di chuyển, không bước đi. Tin Mừng không được loan báo khi đứng yên, đóng kín trong văn phòng, tại bàn làm việc hay trước máy vi tính, bằng những tranh luận như “những sư tử bàn phím” và thay thế tính sáng tạo của lời loan báo bằng việc cắt dán các ý tưởng được lấy đây đó. Tin Mừng được loan báo bằng cách di chuyển, bước đi, tiến tới.

Thuật ngữ được Thánh Phao-lô sử dụng, để chỉ giày dép của những người mang Tin Mừng, là một từ Hy Lạp có nghĩa là sẵn sàng, chuẩn bị, sốt sắng. Nó trái ngược với sự cẩu thả, không tương thích với tình yêu. Thật vậy, ở chỗ khác, Thánh Phao-lô nói: “Anh em hãy nhiệt thành, không trễ nải ; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa” (Rm 12,11). Thái độ này là thái độ đòi hỏi trong Sách Xuất Hành để cử hành hy tế của sự giải thoát vượt qua: “Các ngươi phải ăn thế này : lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã : đó là lễ Vượt Qua mừng ĐỨC CHÚA. Đêm ấy Ta sẽ vượt qua.” (12,11-12a).

Một người loan báo thì sẵn sàng lên đường, và anh ta biết rằng Chúa vượt qua cách bất thình lình; do đó, anh phải thoát khỏi sự rập khuôn và sắp đặt trước, để thực hiện một hành động mới và bất ngờ. Hãy chuẩn bị cho điều bất ngờ. Bất cứ ai loan báo Tin Mừng thì không thể bị hóa thạch trong những chiếc lồng của sự hợp lý hay trong “mọi việc luôn được thực hiện theo cách này”, nhưng sẵn sàng đi theo một sự khôn ngoan không thuộc về thế gian này, như Thánh Phaolô nói về chính mình: “Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.” (1Cr 2,4-5).

Ở đây, điều quan trọng là phải có sự sẵn sàng đón nhận sự mới mẻ của Tin Mừng, thái độ này vốn là một sự thôi thúc, một sáng kiến, một sự đi bước trước. Không để vuột mất cơ hội để loan báo Tin Mừng bình an, thứ bình an mà Chúa Kitô biết cách trao ban nhiều và tốt hơn của thế gian.

Vì vậy, tôi khuyến khích anh chị em trở nên những người loan báo Tin Mừng di chuyển, không sợ hãi nhưng tiến bước, mang vẻ đẹp của Chúa Giêsu, điều mới mẻ của Chúa Giêsu, điều làm thay đổi tất cả. Hãy suy nghĩ một chút: chúng ta có phải là một người nhiệt thành của Chúa Giêsu không?

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-04/tiep-kien-chung-12-04-2023.html