21/01/2025

Thánh Lễ Lá 2023: Đấng Bị Bỏ Rơi không bỏ mặc ai một mình

Thánh Lễ Lá 2023: Đấng Bị Bỏ Rơi không bỏ mặc ai một mình

Lúc 10:00 sáng Chúa Nhật 2/4, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh Lễ Lá tại Quảng trường Thánh Phêrô. Đến cuối Thánh lễ, số người tham dự lên đến 60.000 người. Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong giây phút đau khổ nhất trên Thánh Giá vì chúng ta, để không ai cảm thấy bị bỏ rơi.

Bài giảng Thánh Lễ Lá của Đức Thánh Cha

“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46). Đó là lời khẩn cầu mà phụng vụ muốn chúng ta lặp lại hôm nay trong thánh vịnh đáp ca (x. Tv 22, 2), và đó là lời duy nhất được Chúa Giêsu nói ra trên thập giá trong Tin Mừng mà chúng ta đã nghe. Do đó, đây là những lời dẫn chúng ta đến tâm điểm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, đến tột đỉnh của những đau khổ Người đã chịu để cứu độ chúng ta.

Những đau khổ mà Chúa Giêsu đã trải qua thì nhiều vô kể và mỗi khi chúng ta lắng nghe câu chuyện về cuộc khổ nạn, những đau khổ ấy đi vào bên trong chúng ta. Đó là những đau khổ về thể xác: từ bị tát cho đến bị đòn, từ roi vọt cho đến đội mão gai, rồi đến tra tấn trên thập giá. Có cả những đau khổ về tâm hồn: bị Giuđa phản bội, bị Phêrô chối bỏ, bị lên án về mặt tôn giáo và dân sự, bị lính canh nhạo báng, bị sỉ nhục từ dưới thập giá, bị nhiều người khước từ, xem ra thất bại trong mọi sự, bị các môn đệ bỏ rơi. Tuy nhiên, trong tất cả nỗi đau này, có một điều chắc chắn vẫn còn ở lại với Chúa Giêsu: sự gần gũi của Chúa Cha. Nhưng bây giờ điều không tưởng đã xảy ra; trước khi chết Chúa Giêsu kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”

Đây là sự đau khổ tột cùng, đau khổ trên bình diện thiêng liêng: trong giờ bi đát nhất Chúa Giêsu cảm nghiệm sự bỏ rơi của Thiên Chúa, trước đó chưa bao giờ Người gọi Chúa Cha bằng danh xưng chung chung là Thiên Chúa, Tin Mừng cũng thuật lại câu bằng tiếng Aram; là lời duy nhất, trong số những lời Chúa Giêsu nói trên thập giá, đến với chúng ta bằng ngôn ngữ gốc. Biến cố này là có thật và đó là một sự suy sụp tột cùng, sự bỏ rơi của Cha: Chúa đến để chịu đau khổ vì yêu chúng ta, điều mà thậm chí chính chúng ta còn khó hiểu. Nhìn thấy bầu trời khép kín, trải nghiệm ranh giới cay đắng của sự sống, sự tối tăm của hiện hữu, sự sụp đổ của mọi điều chắc chắn, Chúa Giêsu thét lên “câu hỏi của những câu hỏi tại sao?”

“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”  Động từ “bỏ” trong Kinh Thánh rất mạnh mẽ; nó xuất hiện trong những lúc đau đớn tột cùng: trong những tình yêu thất bại, bị từ chối và bị phản bội; ở những đứa trẻ bị từ khước và những thai nhị bị phá bỏ; trong cảnh cơ hàn, góa bụa, mồ côi; trong những cuộc hôn nhân kiệt quệ, trong những động thái loại trừ, tước bỏ các mối quan hệ xã hội, trong sự áp bức bất công và trong sự cô độc của bệnh tật: nói tóm lại, trong những mối quan hệ bị cắt đứt nghiêm trọng nhất. Chúa Kitô đã mang điều này lên thập tự giá, gánh lấy tội lỗi của thế giới. Và ở đỉnh điểm, chính Chúa Kitô, Con Duy Nhất và Chí Ái, đã trải qua một hoàn cảnh xa lạ nhất đối với Người: sự xa cách Thiên Chúa.

Tại sao mọi sự lại đi xa đến vậy? Vì chúng ta. Không có câu trả lời khác. Chúa Giêsu đã liên đới với chúng ta đến cùng, ở bên chúng ta đến tận cùng. Chúa Kitô đã trải nghiệm tình cảnh bị bỏ rơi để không bỏ rơi chúng ta làm con tin của sự hoang vắng và Người ở bên chúng ta mãi mãi. Người đã làm như vậy vì tôi, vì anh hay vì chị; bởi vì khi tôi, mỗi chúng ta hay bất cứ ai khác thấy mình bị dồn vào chân tường, lạc lối trong ngõ cụt, chìm trong vực thẳm của sự bỏ rơi, bị hút vào vòng xoáy “tại sao và tại sao”, thì vẫn còn hy vọng. Đó không phải là điểm kết thúc, bởi vì Chúa Giêsu đã ở đó và bây giờ Người đang ở với mỗi người chúng ta: Chúa Kitô đã chịu đựng sự xa cách của sự bỏ rơi để đón nhận mọi khoảng cách của chúng ta trong tình yêu của Ba Ngôi. Để mỗi người chúng ta có thể nói: trong sự sa ngã của con, trong sự cô đơn của con, khi con cảm thấy bị phản bội, bị loại trừ và bị bỏ rơi. Ngài ở bên con; khi con cảm thấy sai lầm và lạc lối, khi con không thể chịu đựng được nữa, Chúa vẫn ở đó, Ngài ở bên con; trong khắc khoải “tại sao” chưa được giải đáp của con, Chúa đang ở bên con.

Chúa cứu chúng ta, từ bên trong nỗi khắc khoải “tại sao” của chúng ta. Từ đó, hy vọng mở ra. Thực vậy, trên thập giá, dù bị bỏ rơi đến tột cùng, Chúa Giêsu không để mình tuyệt vọng, nhưng cầu nguyện và phó thác. Người thét lên câu hỏi “tại sao” của mình bằng những lời của một thánh vịnh (22, 2) và phó mình trong tay Chúa Cha, ngay cả khi Người cảm thấy Chúa Cha ở xa (x. Lc 23, 46). Trong sự từ bỏ, Chúa Giêsu tin tưởng. Không những thế: trong khi bị bỏ rơi, Chúa vẫn tiếp tục yêu thương các môn đệ, những kẻ đã bỏ rơi Người, và tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người (c. 34). Ở đây vực thẳm sự dữ của chúng ta phải đắm chìm trong một tình yêu lớn lao hơn, để mọi sự xa cách của chúng ta được biến thành sự hiệp thông.

Anh chị em thân mến, một tình yêu như thế, tất cả vì chúng ta, cho đến cùng, có thể biến đổi trái tim chai đá của chúng ta thành trái tim bằng thịt, biết cảm thương, dịu dàng và trắc ẩn. Chúa Kitô bị bỏ rơi thúc đẩy chúng ta tìm kiếm Người và yêu mến Người trong những kẻ bị bỏ rơi. Bởi vì nơi họ, chúng ta không chỉ thấy những người túng thiếu, mà còn thấy chính Chúa, Chúa Giêsu Bị Bỏ Rơi, Đấng đã cứu chúng ta bằng cách xuống tận đáy thẳm thân phận làm người của chúng ta. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu muốn chúng ta chăm sóc những anh chị em giống Người nhất, cách riêng trong những đau đớn và cô đơn tột cùng. Ngày nay có nhiều “Đức Kitô bị bỏ rơi”. Có cả nhiều dân tộc bị khai thác và bỏ mặc cho khả năng xoay xở của riêng họ; có những người nghèo sống ở ngã tư đường và chúng ta không đủ can đảm để nhìn vào mắt họ; ngày nay những người di cư không còn là những khuôn mặt mà là những con số; các tù nhân bị từ chối, con người bị giản lược thành các vấn đề. Nhưng cũng có nhiều “Đức Kitô bị bỏ rơi vô hình”, bị khuất lấp, bị bỏ rơi bởi những đôi găng tay trắng: những đứa trẻ chưa chào đời, những người già bị bỏ lại một mình, những người bệnh không được thăm viếng, những người tàn tật bị quên lãng, những người trẻ cảm thấy trống rỗng bên trong mà không có ai thực sự lắng nghe tiếng kêu đầy nhức nhối của họ.

Chúa Giêsu bị bỏ rơi yêu cầu chúng ta để mắt và để tâm cho những người bị bỏ rơi. Đối với chúng ta, những môn đệ của Đấng Bị Bỏ Rơi, không ai có thể bị gạt ra bên lề, không ai có thể bị bỏ mặc tự thân xoay xở; bởi vì, chúng ta hãy nhớ rằng, những người bị từ chối và bị loại trừ là những hình ảnh sống động của Chúa Kitô, họ nhắc nhở chúng ta về tình yêu đến điên dại của Người, nhắc chúng ta rằng chính kinh nghiệm bị từ bỏ của Chúa Kitô đã cứu chúng ta khỏi mọi cô đơn và hoang vắng. Hôm nay chúng ta xin ơn này: biết yêu mến Chúa Giêsu bị bỏ rơi và biết yêu mến Chúa Giêsu trong mỗi người bị bỏ rơi. Chúng ta xin ơn để có thể nhìn thấy và nhận ra Chúa, Đấng vẫn đang thét gào nơi họ. Chúng ta đừng để tiếng nói của Chúa Giêsu lạc mất trong sự im lặng chói tai của thờ ơ. Thiên Chúa đã không bỏ mặc chúng ta một mình; phần chúng ta, hãy chăm sóc những người bị bỏ lại đơn độc. Khi đó, chỉ khi đó, chúng ta mới có được những ước muốn và tâm tình của Đấng đã “hủy mình ra không” vì chúng ta (Pl 2, 7).

Cuối Thánh lễ, Đức Thánh Cha cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và chúc mọi người một hành trình Tuần Thánh thánh thiện hướng tới Lễ Phục Sinh.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-04/le-la-tai-quang-truong-thanh-phero-2023.html