18/11/2024

ĐHY Kurt Koch: Cần phải hướng đại kết trong quan hệ Giáo hội-Nhà nước

ĐHY Kurt Koch: Cần phải hướng đại kết trong quan hệ Giáo hội-Nhà nước

Phát biểu tại hội nghị “Đức tin tôn giáo của các dân tộc vùng Baltic” diễn ra ở Roma trong tuần qua, Đức Hồng y Kurt Koch, Tổng trưởng Bộ Cổ vũ Hiệp nhất các Kitô hữu, nói rằng đối với hoạt động đại kết ngày nay cần phải quan tâm hơn đến khía cạnh quan hệ với nhà nước, đây là một thách đố.

Đức Hồng Y Kurt Koch

Đức Hồng y Kurt Koch 

Đức Hồng y cho rằng với cuộc chiến ở Ucraina, các quốc gia vùng Baltic: Estonia, Latvia và Litva ngày càng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, vì cũng có thể trở thành điểm tấn công tiếp theo của Nga. Trong lịch sử của các quốc gia này, tương quan giữa nhà nước và các Giáo hội Kitô có thể được gọi là “bản giao hưởng”, nhưng ngày nay, mô hình này đang bị mất uy tín. Vì thế, trong các cuộc đại kết cần phải xem lại vấn đề này.

Đức Hồng y khẳng định, từ các Giáo hội đã phát triển những truyền thống rất khác nhau trong quan hệ của các Giáo hội với Nhà nước. Thường khi nói về đại kết, người ta hay nói về sự hiệp thông giữa những khác biệt về thần học, giáo hội học. Trong khi đó, vấn đề quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước lại ít được đề cập đến. Vì thế, theo Tổng trưởng Bộ Cổ vũ Hiệp nhất các Kitô hữu, trong tinh thần cởi mở đại kết, mỗi Giáo hội phải chịu trách nhiệm về quan hệ với nhà nước, điều chỉnh sao cho phù hợp với nguyên tắc tự do tôn giáo.

Ngài nhấn mạnh: “Trong sự hiệp thông đại kết, các Giáo hội Kitô, thực sự có thể hoạt động một cách đáng tin cậy để ủng hộ tự do tôn giáo cho tất cả các Kitô hữu, cho tất cả các cộng đoàn Giáo hội, cũng như cho tất cả các tôn giáo, chỉ khi mối quan hệ của các Giáo hội với nhà nước phù hợp với nguyên tắc tự do tôn giáo, như Thánh Gioan Paul II đã nhấn mạnh trong chuyến tông du đến các nước vùng Baltic năm 1993, ca ngợi Litva là ‘nhân chứng thầm lặng cho tình yêu nhiệt thành đối với tự do tôn giáo’.”

Đức Hồng y kết luận, hy vọng ở các nước vùng Baltic, những bằng chứng đáng tin cậy về tự do tôn giáo sống động tiếp tục lan toả trong thế giới ngày nay, trong đó thật không may, ngoài vẻ đẹp và sự thật của tôn giáo, người ta còn chứng kiến cả những lạm dụng tôn giáo và khai thác chính trị. Cuộc chiến do Nga gây ra ở Ucraina là một thách đố cơ bản đối với các tôn giáo, là lời kêu gọi xem lại sự hiểu biết và sứ mạng của tôn giáo trong xã hội. (CSR_1280_2023)

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-03/dhy-kur-koch-dai-ket-quan-he-giao-hoi-nha-nuoc.html