Đức Thánh Cha khích lệ Âu châu hiệp nhất hơn để có hoà bình lâu dài
Đức Thánh Cha khích lệ Âu châu hiệp nhất hơn để có hoà bình lâu dài
Đức Thánh Cha tiếp các giám mục và đại biểu của COMECE (VATICAN MEDIA Divisione Foto)
Trước hết, về sự hiệp nhất, Đức Thánh Cha nói cần phải xác định hiệp nhất chứ không phải đồng nhất, nghĩa là phải tôn trọng những khác biệt, những đặc thù văn hoá của các dân tộc. Về điểm này, ngài nhắc đến những người cha của châu Âu, những người thuộc về các nền văn hoá khác nhau nhưng đã làm cho châu Âu trở nên phong phú, nhờ biết làm cho các nguồn tư tưởng và kinh nghiệm lịch sử khác nhau hội tụ. Điều này giống như một dòng sông chảy nhờ các nhánh sông. Nếu các dòng chảy này suy yếu hoặc bị chặn lại, thì cả dòng sông sẽ bị ảnh hưởng và mất sức mạnh. Vì thế, châu Âu sẽ có tương lai nếu đại lục này thực sự là một liên minh.
Đứng trước thách đố này, Đức Thánh Cha nhắc đến vai trò nền tảng của Kitô giáo trong giai đoạn đầu của châu Âu. Và ngày nay, Kitô giáo cũng phải như vậy, nhiệm vụ đầu tiên của Giáo hội trong lĩnh vực này là đào tạo những người có khả năng đọc những dấu chỉ thời đại, biết giải thích dự án Âu châu trong lịch sử ngày nay.
Đức Thánh Cha đi đến điểm thứ hai, hoà bình. Ngài nói: “Lịch sử ngày nay cần những người nam nữ được thúc đẩy bởi giấc mơ về một châu Âu hiệp nhất để phục vụ hoà bình.”
Sau khi liệt kê những khó khăn do chiến tranh, và hậu quả là di cư và tị nạn, Đức Thánh Cha nhận xét rằng một châu Âu hiệp nhất là một thách đố rất phức tạp. Bởi vì các quốc gia thuộc Liên minh Âu châu tham gia vào các liên minh, chiến lược làm cho việc hội tụ trong một dự án duy nhất rất khó.
Theo Đức Thánh Cha, chính trong thách đố này, Uỷ ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh Âu châu có thể và phải đóng góp cho các giá trị và tính chuyên nghiệp. Bởi vì về bản chất, Uỷ ban là một “cầu nối” giữa các Giáo hội ở châu Âu và các tổ chức của Liên minh. Uỷ ban có sứ vụ xây dựng các quan hệ, gặp gỡ và đối thoại. Và điều này, theo Đức Thánh Cha, là đã làm việc cho hòa bình. Nhưng điều này là chưa đủ, còn cần có cái nhìn ngôn sứ, cái nhìn xa, cần có sự sáng tạo để thúc đẩy hoà bình.
Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn với ước mong mỗi thành viên của Uỷ ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh Âu châu, với đặc đặc sủng riêng của mình, cùng với đặc sủng của người khác, trở thành kiến trúc sư và thợ xây dựng hoà bình. (CSR_1212_2023)
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-03/dtc-khich-le-chau-au-hiep-nhat-hoa-binh.html