23/12/2024

Đức Thánh Cha: Thiết kế nghệ thuật thánh phải xuất phát từ phụng vụ

Đức Thánh Cha: Thiết kế nghệ thuật thánh phải xuất phát từ phụng vụ

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến cuộc gặp gỡ lần 26 của các Hàn lâm viện Toà Thánh, mời gọi các kiến trúc sư khi thiết kế những không gian thánh phải lấy cảm hứng từ phụng vụ của Giáo hội.

Cử hành phụng vụ

Cuộc gặp gỡ lần này tập trung vào thiết kế nghệ thuật thánh, vì thế Đức Thánh Cha đề cao sự có mặt của Hàn lâm viện Toà Thánh về Văn học và Nghệ thuật, với những đóng góp liên quan đến kiến trúc thánh. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chủ đề này rất quan trọng và mang tính thời sự, vì các cuộc thảo luận với những đề xuất canh tân kiến trúc thánh ở những khu dân cư mới, cả ở ngoại ô và thành phố, để có không gian thích hợp cho các cộng đoàn cử hành theo giáo huấn của Công đồng Vatican II.

Nhắc đến Tông thư Desiderio Desideravi về đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa, Đức Thánh Cha nhấn mạnh hai khía cạnh áp dụng cho các vấn đề kiến trúc và nghệ thuật. Trước hết cần tái tìm lại ngôn ngữ biểu tượng và có thể hiểu được ngôn ngữ này: “Việc mất khả năng nắm bắt giá trị biểu tượng của thân xác và của các vật thụ tạo làm cho ngôn ngữ biểu tượng của Phụng vụ hầu như không thể tiếp cận được với não trạng hiện đại. Tuy nhiên, vấn đề không phải là từ bỏ ngôn ngữ này. Chúng ta không được từ bỏ ngôn ngữ biểu tượng vì đây là cách Chúa Ba Ngôi đã chọn để đến với chúng ta qua máu thịt của Ngôi Lời. Đúng hơn, vấn đề là khôi phục khả năng sử dụng và hiểu các biểu tượng phụng vụ” (số 44).

Một khía cạnh thiết yếu khác là cảm hứng sáng tạo nghệ thuật và kiến trúc, mà theo nhãn quan Kitô giáo phát xuất từ đời sống phụng vụ, hoạt động của Chúa Thánh Thần chứ không chỉ từ tính chủ quan của con người. Đức Thánh Cha tiếp tục trích dẫn Tông thư để tái khẳng định điều này, theo đó cần phải biết về cách thức Chúa Thánh Thần tác động trong mỗi cử hành. Nghệ thuật cử hành phải hoà hợp với hoạt động của Thánh Thần. Chỉ như vậy, nghệ thuật cử hành mới thoát khỏi tính chủ quan và sự lan tràn của các yếu tố văn hoá. Đối với một người thợ, kỹ thuật là đủ; nhưng đối với một nghệ sĩ, ngoài kiến thức kỹ thuật, cần phải có cảm hứng, đây là một dạng thức tích cực của vấn đề sở hữu. Một nghệ sĩ chân chính thì không sở hữu nghệ thuật, nhưng đúng hơn người ấy được nghệ thuật chiếm hữu.

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-03/dtc-nghe-thuat-thanh-phung-vu.html