31/10/2024

Chúa Nhật III Mùa Chay 2023: Uống nước nhớ Nguồn

Chúa Nhật III Mùa Chay 2023

Uống nước nhớ Nguồn

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh Chúa Nhật tuần này nói về nguồn nước hằng sống mà Đức Giêsu Kitô đem đến cho loài người và vũ trụ. Nước không phải chỉ hết sức cần thiết đối với con người, nước còn là cội nguồn của tất cả các dạng sống, từ những đơn bào, cho đến thực vật, động vật. Vì thế, chúng ta muốn tìm hiểu vai trò của nước trong đời sống tự nhiên của con người và trong đời sống siêu nhiên của người tín hữu để có thái độ sống đúng đắn hơn.

1. Nhân loại khao khát nguồn nước để sống

Tháng 7 năm 2010, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu công nhận việc tiếp cận nước sạch và điều kiện sống hợp vệ sinh là một trong những quyền căn bản của con người.

Chúng ta biết rằng, nước ngọt hay nước sạch uống được chỉ chiếm có 2,5% tổng số nguồn nước trên trái đất, phần còn lại là nước mặn của các đại dương hay ở trong lòng đất. Số nước ngọt đó phần lớn là các khối băng tuyết ở Bắc cực và Nam cực, chiếm tới 68,7%, còn lại 30,1% là các dòng nước ngầm trong lòng đất, chỉ có 1,2% là ở trong các sông suối, ao hồ quanh ta.

Nuoc 1 Tuy nhiên, số nước ít ỏi đó đang bị ô nhiễm nặng nề. Chúng ta làm ô nhiễm nguồn nước vì những phân bón và thuốc trừ sâu từ sản xuất nông nghiệp, vì chất thải và nước thải từ các ngành công nghiệp như dệt nhuộm, khai thác than, khoáng sản và chế biến thực phẩm, vì chất thải sinh hoạt của dân cư thành thị đổ trực tiếp vào sông suối, hồ biển, hay ngấm xuống lòng đất. Kết quả là sức khoẻ con người bị suy giảm với đủ loại bệnh tật.

Theo nghiên cứu của Viện Nước Quốc tế Stockhohn (SIWI), nước bẩn giết chết nhiều người hơn so với động đất và chiến tranh. Ước tính mỗi ngày trên thế giới có tới 5.000 trẻ em bị chết do các bệnh liên quan đến nước bẩn (x. Wikipedia, bài Chiến tranh nước, Internet).

Ở Việt Nam, khoảng 80% phụ nữ ở Đồng bằng sông Cửu Long mắc bệnh phụ khoa vì không có nước sạch, phải dùng trực tiếp nước sông, nước kênh. Hầu hết các học sinh Việt Nam không uống đủ nước vì sợ không dám dùng nhà vệ sinh ở trường do quá dơ bẩn.

2. Vai trò của nước trong cơ thể con người

Khoảng 70% trọng lượng cơ thể chúng ta là nước. Nước xuất hiện ở tất cả các cơ quan, bộ phận trên cơ thể. Hàm lượng nước trong gan là 86%, não 85%, phổi, máu, thận là 83%, cơ bắp 75%, da 64%, thấp nhất là xương: 31%.

Nước có vai trò điều hoà nhiệt độ cơ thể. Khi nhiệt độ môi trường biến đổi, nước sẽ điều hoà thân nhiệt bằng cách toát ra mồ hôi. Nước cũng vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng đến mỗi tế bào qua hoạt động của dạ dày, ruột non. Nước thực hiện chức năng giải độc, lấy đi các chất thải độc hại ở tế bào. Nhờ nước, các thức ăn đưa vào cơ thể được chuyển hoá và được phân giải về mặt vật lý và hoá học, hệ tiêu hoá chiết xuất các chất dinh dưỡng có ích và bài tiết những thứ không cần thiết ra ngoài. Nước đóng vai trò làm dung môi trong suốt quá trình này.

Nước còn làm trơn các khớp xương để xương vận hành nhịp nhàng trơn tru, không bị tổn thương. Nước giúp làm sạch phổi bằng cách gột rửa những bụi bẩn, virus, vi khuẩn, khói thuốc. Não cần nước nhiều hơn các cơ quan khác, vì thế chúng ta cần uống nhiều nước để não làm việc ổn định, đầu óc minh mẫn. Các cơ bắp cần nước để hoạt động. Nếu thiếu nước người ta sẽ bị mỏi cơ, cảm thấy rã rời, không muốn vận động.

Hiểu được vai trò quan trọng của nước trong cơ thể, chúng ta phải tập thói quen uống đủ nước hằng ngày: như uống một ly nước ngay khi thức dậy, luôn mang theo nước bên mình khi đi xa, đặt lịch uống nước cách nhau khoảng 2 giờ trong thời gian làm việc ban ngày, uống nước trước khi ngủ để cơ thể ở trong trạng thái thư giãn, góp phần tái tạo tế bào và hỗ trợ các cơ quan hoạt động trong đêm. Nên uống nước từ từ và uống từng ngụm nhỏ.

Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo nói đến quyền có nước sạch là

quyền căn bản và phổ quát của con người (ở số 365, 485), nói đến tình trạng thiếu nước sạch, kém phát triển và nghèo đói của nhiều nước trên thế giới (ở số 447) và nhắc đến mục tiêu phổ quát của nước và của cải (ở số 484).

3. Nước trong đời sống siêu nhiên

Vì con người được tạo dựng có thể xác và tinh thần giống với Thiên Chúa, nên tầm quan trọng của nước trong đời sống siêu nhiên cũng không thua kém so với đời sống tự nhiên.

3.1. Nước theo ý nghĩa Thánh Kinh

Nước là nguồn mạch, là tiềm năng của sự sống (x. Ez 47,1-12; Tv 104; Lv 26,4; Am 4,7; Đn 11,14). Chính Đức Giêsu Kitô đã dùng hình ảnh nước hằng sống để nói về sự sống siêu nhiên do Người ban cho nhân loại (x. Ga 3,5; 4,10-14; 7,37-38).

Trong sinh hoạt hằng này, ngoài việc uống nước để sống, người ta còn dùng nước để tắm rửa, giặt giũ. Vì thế, trong đời sống siêu nhiên, nước cũng chỉ sự thanh tẩy. Người ta dùng nước đã làm phép để thanh tẩy tội lỗi con người, xua đuổi tà thần.

Nước là hình ảnh của Thần Khí (x. Ga 7,39; Tt 3,5) và sự sống do Chúa Giêsu trao ban đặc biệt qua việc Người đổ máu và nước từ vết thương ở cạnh sườn Người (x. Ga 19,34). Vì thế, nước được sử dụng nhiều trong các nghi thức bí tích và phụng vụ của Giáo hội Công giáo, tượng trưng cho việc tham dự vào cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô.

Hầu như tất cả các tín đồ của các tôn giáo và những ai tin rằng mình có tinh thần mở ra với Đấng Siêu Việt đều mơ ước tìm được nguồn nước hằng sống để được sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi qua những nghi lễ thờ phượng. Họ giống như người phụ nữ Samari nói với Chúa Giêsu: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này, còn các ông là người Do Thái lại bảo Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa” (Ga 4,20).

3.2. Đức Giêsu chỉ cho ta nguồn nước hằng sống

Câu chuyện giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari (x. Ga 4,5-42) giải đáp cho ta câu hỏi quan trọng của con người cũng như của mọi tôn giáo: đâu là nguồn nước chân thật đem lại sự sống vĩnh hằng cho con người?

Loài người chúng ta, giống như người đàn bà Samari, đi kín nước giếng mỗi ngày để nấu ăn, tắm rửa. Nhưng Đức Giêsu nói với chúng ta rằng: “Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,13-14).

Nguồn nước ấy là chính Đức Giêsu khi Người chữa lành người bị bất toại suốt 38 năm tại hồ nước Bếtdatha (x. Ga 5,1-18). Hành động đó muốn chứng tỏ cho ta biết Đức Giêsu chính là nguồn nước hằng sống chữa lành cho nhân loại. Nguồn nước ấy cùng máu chảy ra từ trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu đã rửa sạch tội lỗi loài người.

Chúa Giêsu chính là nguồn nước kỳ diệu đó khi Người nói rằng: “Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi hãy đến mà uống! Như Thánh Kinh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống. Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7,37-39). Sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết và Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, chúng ta mới hiểu được Chúa Giêsu chính là nguồn nước chuyển thông Chúa Thánh Thần để ta phát huy những ân huệ kỳ diệu mà Thần Khí ban cho ta.

Thánh Thần giúp cho ta có khả năng để yêu Thiên Chúa cách trọn vẹn và yêu anh em đến cùng như Chúa Giêsu. Bài đọc II hôm nay (x. Rm 5,1-8) nhắc nhở về Chúa Thánh Thần: “Chúa Cha đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta”. Nhờ Thánh Thần này ta mới trở thành người con thật sự của Thiên Chúa, mới trở thành chứng nhân rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ đem lại ơn cứu độ cho con người.

Nhờ Thánh Thần này, chúng ta mới thật sự tôn thờ Chúa Cha cho phải đạo làm con, vượt qua những hình thức của nghi lễ, lời kinh, phù phép mà các tôn giáo đặt nặng lên tín đồ của mình. Đức Giêsu nói với chúng ta rằng: “Hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng trong Thần Khí và sự thật”.

Lời kết

Hôm nay chúng ta được mời gọi kết hợp với Chúa Giêsu và nhận được ân huệ Thánh Thần của Người để cảm nghiệm được niềm vui, bình an, hạnh phúc. Cầu chúc anh chị em tìm được nguồn nước hằng sống Giêsu trong Mùa Chay Thánh này.

HKK