22/12/2024

Giáo huấn của các Giáo hoàng về chay tịnh

Giáo huấn của các Giáo hoàng về chay tịnh

Ba yếu tố chính của hành trình Mùa Chay là cầu nguyện, ăn chay và thực hành bác ái. Đặc biệt ăn chay không chỉ được hiểu theo chiều kích hình thức. Chay tịnh có ý nghĩa thực sự, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhắc nhở, khi các tín hữu thực hành như người Samari nhân hậu. Ăn chay có giá trị nếu Kitô hữu áp dụng một lối sống điều độ, một lối sống không phung phí, không “vứt bỏ”.

Sám hối

Sám hối  (AFP or licensors)

Giáo huấn của các Giáo hoàng gần đây: Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, thánh Gioan Phaolô II, Thánh Phaolô VI và Thánh Gioan XXIII, trả lời cho những câu hỏi đương thời về kỷ luật sám hối truyền thống của chay tịnh trong Mùa Chay.

Chúa mong muốn điều gì đối với chay tịnh?

Mùa Chay là thời gian đặc biệt để ăn chay và sám hối. Nhưng Chúa muốn chúng ta chay tịnh như thế nào? Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời câu hỏi này vào ngày 16/02/2018 trong bài giảng Thánh lễ ở Nhà nguyện Thánh Marta: Chay tịnh không chỉ là vấn đề lựa chọn thức ăn, nhưng còn là một lối sống, trong đó chúng ta khiêm tốn và kiên trì nhận ra và sửa lỗi.

Đức Thánh Cha giải thích câu trả lời đến từ Kinh Thánh: “Cúi đầu như cây sậy, nghĩa là hạ mình xuống, và nghĩ về tội lỗi của mình.” Ngài nhấn mạnh rằng thái độ ăn chay mà Chúa mong muốn đó là sống sự thật và nhất quán. Và hướng đến tha nhân Đức Thánh Cha nói thêm ăn chay là “tháo bỏ xiềng xích”. Trong trường hợp này, việc xét mình tập trung vào tương quan với người khác, tự chất vấn với những câu hỏi: “Tôi đối xử với người khác như thế nào? Đối xử với những người giúp việc, người làm công như thế nào? Tôi có thái độ nào đối với những người xung quanh?”

Giảng trong Thánh lễ khai mạc Mùa Chay, thứ Tư ngày 22/02/2023, tại Nhà thờ Thánh Sabina, Đức Thánh Cha nhắc lại: “Chay tịnh không phải là một kiểu cách đơn thuần, nhưng là một cử chỉ mạnh mẽ để nhắc nhở chúng ta về những gì quan trọng và những gì sẽ qua đi”, và “ăn chay sẽ là nơi tập luyện thiêng liêng để, một cách vui vẻ, từ bỏ những gì dư thừa và làm chúng ta ra nặng nề, để nội tâm trở nên tự do hơn và trở về với sự thật về chính mình hơn.”

Giá trị của chay tịnh

Vào Mùa Chay, chúng ta có thể tự hỏi, sẽ có ý nghĩa gì đối với Kitô hữu khi “bỏ đi một điều gì đó tự nó là tốt và hữu ích cho việc nuôi sống thân xác”? Trong Sứ điệp Mùa Chay 2009, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI nhắc lại những lời dạy của Kinh Thánh và truyền thống Kitô giáo rằng “ăn chay là một trợ giúp lớn lao để tránh tội lỗi và tất cả những gì dẫn đến tội lỗi”. Ngài nói thêm: “Vì lý do này, lời mời gọi ăn chay được lặp đi lặp lại nhiều lần trong lịch sử cứu độ. Ngay trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh, Chúa truyền cho con người không được ăn trái cấm: Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết (St 2, 16-17).”

Đức Giáo hoàng nói tiếp: “Vì tất cả chúng ta đều phải mang gánh nặng tội lỗi và những hậu quả của nó, nên việc ăn chay được đề xuất cho chúng ta như một phương thế để khôi phục tình bạn với Chúa.” Và lật sang các trang của Tân Ước, ngài khẳng định chay tịnh đích thực hướng đến lương thực đích thực, nghĩa là làm theo ý Chúa Cha. Như thế, nếu Ađam đã bất tuân lệnh Chúa “không được ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác”, thì với việc ăn chay, người tín hữu có ý định hạ mình khiêm nhường trước Thiên Chúa, tin tưởng vào lòng nhân hậu và thương xót của Người.

Đức Biển Đức đưa ra những ích lợi của chay tịnh: Đối với các tín hữu, ăn chay trước hết là một “liệu pháp” để chữa trị tất cả những gì ngăn cản họ tuân theo ý Chúa. Tiếp đến, ăn chay góp phần mang lại sự hiệp nhất cho người tín hữu, thể xác và linh hồn, giúp họ tránh xa tội lỗi và lớn lên trong tình thân với Chúa. Và cuối cùng ăn chay giúp Kitô hữu ý thức hoàn cảnh khó khăn của anh chị em. Thánh Gioan viết: “ Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1Ga 3, 17). Ăn chay tự nguyện giúp Kitô hữu vun trồng lối sống của người Samari nhân hậu, cúi xuống và giúp đỡ người anh chị em đang đau khổ. Bằng cách tự do chọn bỏ đi một điều gì đó để giúp đỡ người khác, Kitô hữu chứng tỏ một cách cụ thể rằng người lân cận đang gặp khó khăn không phải là người xa lạ.

Đức Giáo hoàng kết luận: “Với tất cả những gì đã nói ở trên, có thể thấy rõ ràng rằng ăn chay thể hiện một thực hành khổ chế quan trọng, một vũ khí thiêng liêng để chống lại mọi gắn bó vô trật tự với chính chúng ta. Việc tự nguyện từ bỏ niềm vui ăn uống và của cải vật chất khác giúp người môn đệ Chúa Kitô kiểm soát được những ham muốn bản chất bị suy yếu do tội nguyên tổ, mà những tác động tiêu cực của nó ảnh hưởng đến toàn bộ nhân cách con người.”

Chay tịnh tượng trưng cho điều gì?

Do vậy, trong hành trình Mùa Chay, ăn chay không phải đơn giản là giảm bớt thức ăn. Thực tế, ăn chay tượng trưng cho “một thực tại phức tạp và sâu xa”, như Thánh Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh trong lúc nói chuyện với giới trẻ tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 21/3/1979. Ngài nói, ăn chay “là một biểu tượng, một dấu hiệu, một lời kêu gọi nghiêm túc và khích lệ để chấp nhận hoặc từ bỏ. Từ bỏ điều gì? Từ bỏ ‘cái tôi’, tức là từ bỏ những khát vọng thất thường hoặc không lành mạnh; từ bỏ những khiếm khuyết của chính mình, từ bỏ đam mê bốc đồng, những ham muốn bất chính. Ăn chay là biết nói ‘không’ dứt khoát với thói xấu, ích kỷ, để lắng nghe lương tâm, tôn trọng ích lợi của người khác, trung thành với Luật Chúa”.

Ngài nói tiếp, ăn chay “có nghĩa là đặt giới hạn cho rất nhiều ước muốn, đôi khi là những ước muốn tốt, để hoàn toàn làm chủ bản thân, học cách điều chỉnh bản năng, rèn luyện ý chí hướng thiện”.

Cuối cùng, ngài nói, ăn chay có nghĩa là từ bỏ chính mình một điều gì đó để đáp ứng nhu cầu của anh em mình, theo cách này, trở thành và thực thi lòng tốt, lòng bác ái. Việc ăn chay được hiểu, thực hiện, sống theo cách này trở thành việc sám hối, nghĩa là trở lại với Thiên Chúa, vì chay tịnh thanh tẩy tâm hồn khỏi nhiều tàn dư của sự dữ, làm đẹp linh hồn bằng nhân đức, rèn luyện ý chí làm điều thiện, mở rộng tâm hồn để đón nhận dồi dào ơn thánh. Trong cuộc hoán cải này, đức tin trở nên vững chắc hơn, hy vọng hạnh phúc hơn, bác ái tích cực hơn.

Loại chay tịnh nào được ưu tiên?

Mùa Chay là thời gian từ bỏ và sám hối. Nhưng đó cũng là “thời gian của sự hiệp thông và liên đới”. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nhấn mạnh điều này trong Sứ điệp Mùa Chay năm 1973. Trong đó ngài mời gọi các tín hữu lắng nghe những lời khuyên của Ngôn sứ Isaia: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm. Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (Is 58, 6-7)

Đức Giáo hoàng Phaolô VI nhận xét rằng những lời khuyến khích như vậy phản ánh những bận tâm của con người ngày nay để mỗi người thực sự chia sẻ những đau khổ và bất hạnh của tất cả mọi người.

Những suy tư của Đức Phaolô VI phản ánh những suy tư của Thánh Gioan XXIII. Trong sứ điệp phát thanh năm 1963 nhân dịp bắt đầu Mùa Chay, Đức Giáo hoàng nói rằng Giáo hội “không dẫn dắt con cái mình đến việc thực hành đơn giản những thực hành bên ngoài, nhưng đến một dấn thân nghiêm túc về tình yêu và lòng quảng đại vì lợi ích của anh chị em, dưới ánh sáng của lời giảng dạy xưa của các ngôn sứ”.

Giống vị tiền nhiệm, Thánh Gioan XXIII trích sách Isaia: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi” (Is 58, 6-8).

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-03/giao-huan-giao-hoang-chay-tinh.html