18/11/2024

Đức Thánh Cha: Ngày nay vẫn còn nhiều người khóc thương thành Giêrusalem

Đức Thánh Cha: Ngày nay vẫn còn nhiều người khóc thương thành Giêrusalem

Sáng thứ Năm 09/3, trong buổi tiếp kiến các thành viên của nhóm làm việc chung về đối thoại của Bộ Đối thoại Liên tôn của Toà Thánh và Uỷ ban Đối thoại Liên tôn Palestine, Đức Thánh Cha khen ngợi những nỗ lực của nhóm làm việc chung và than phiền rằng ngày nay vẫn còn nhiều người khóc thương thành Giêrusalem.

Đức Thánh Cha tiếp nhóm làm việc chung về đối thoại liên tôn

Đức Thánh Cha tiếp nhóm làm việc chung về đối thoại liên tôn  (Vatican Media)

Nhóm làm việc chung về đối thoại liên tôn do Đức Hồng y Jean-Louis Tauran và ông Mahmoud Al-Habbash, cố vấn các vấn đề tôn giáo của tổng thống Palestine khởi xướng. Vì vậy trong buổi tiếp kiến, sau khi cám ơn lời chào mừng của Đức Hồng y Miguel Angel Ayuso Guixot, Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn hai vị này về sáng kiến khôn ngoan và lòng nhiệt thành cho đối thoại liên tôn.

Tiếp đến, đi từ chủ đề của buổi gặp gỡ của nhóm liên quan đến ý nghĩa thánh thiêng của Giêrusalem, Đức Thánh Cha nhắc lại những gì ngài và quốc vương Marốc đã tuyên bố vào năm 2019, kêu gọi để Giêrusalem được coi là “di sản chung của nhân loại và trên hết là của các tín đồ của ba tôn giáo độc thần, là nơi gặp gỡ và là biểu tượng của sự chung sống hòa bình”.

Trích dẫn Tin Mừng, Đức Thánh Cha giải thích Giêrusalem là nơi diễn ra nhiều giai đoạn cuộc đời Chúa Giêsu, từ thời thơ ấu, khi Người được dâng trong đền thờ, nơi hàng năm cha mẹ Người đến dự Lễ Vượt Qua. Tại Thành Thánh, Chúa Giêsu đã giảng dạy và thực hiện nhiều dấu lạ; nhất là ở đó Người chu toàn sứ vụ, với cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh, tâm điểm của đức tin Kitô giáo. Giáo hội được khai sinh tại Giêrusalem, khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ, họp nhau cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, và thúc đẩy họ loan báo sứ điệp cứu độ cho mọi người.

Nhưng theo Đức Thánh Cha, Giêrusalem có một giá trị phổ quát, đã hàm chứa trong ý nghĩa tên gọi: “Thành Hoà bình”. Và về vấn đề này, ngài muốn nhắc lại khoảnh khắc trong cuộc đời của Chúa Giêsu, trong đó, chỉ vài ngày trước cuộc khổ nạn, Người đã đến Thành Thánh và “khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Chúa Giêsu khóc thương và nói: ‘Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi’” (Lc 19,41-42).

Đức Thánh Cha nói: “Chúa Giêsu khóc thương Giêrusalem. Chúng ta không nên vội vàng lướt qua những lời này. Nước mắt của Chúa Giêsu cần phải được suy niệm trong thinh lặng. Anh chị em thân mến, biết bao người Do Thái, Kitô hữu, người Hồi giáo, đã khóc và vẫn còn khóc đến tận ngày nay cho Giêrusalem! Chúng ta cũng vậy, đôi khi nghĩ đến Thành Thánh khiến chúng ta phải rơi lệ, vì Thành như một người mẹ mà tâm hồn không tìm được bình yên trước những đau khổ của con cái.”

Đức Thánh Cha kết luận: “Đoạn Tin Mừng này nhắc lại giá trị của lòng trắc ẩn: lòng trắc ẩn của Thiên Chúa đối với Giêrusalem phải trở thành lòng trắc ẩn của chúng ta, mạnh mẽ hơn bất kỳ ý thức hệ, sự liên kết chính trị nào. Tình yêu đối với Thành Thánh phải luôn lớn hơn, như đối với một người mẹ xứng đáng được mọi người kính trọng và tôn kính.” (CSR_1032_2023)

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-03/dtc-nhieu-nguoi-khoc-thuong-gierusalem.html