18/11/2024

Thứ Sáu 24.02.2023
Chay Lòng Hơn Là Chay Miệng

Kitô giáo không phải là đạo của hình thức, nhưng là tâm tình trong việc cầu nguyện, bố thí cũng như ăn chay.

Thứ Sáu sau lễ Tro

Is 58,1-9a • Tv 50,3-4.5-6a.18-19 (Đ. c.19b) • Mt 9,14-15

Mến Yêu Hằng Ngày]: 7.6.2019, Mt 9,14-17 - Dòng Tên Việt Nam-Dòng Chúa Giêsu

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mát-thêu

14 Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” 15 Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Chay Lòng Hơn Là Chay Miệng

Cầu nguyện, ăn chay và bố thí là ba tập tục đạo đức làm thành nền tảng cho đời sống tôn giáo nói chung và Công Giáo nói riêng. Dân Do Thái ăn chay trong các dịp tang chế (2 Sm 1,12), khi gặp hiểm nguy đe dọa (2 Sm 12,16), trong lúc chờ mạc khải hoặc để gặp gỡ Thiên Chúa (Xh 34,28; Đn 9,3). Vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái vẫn giữ chay để chờ đón Đấng Mêssia. Vậy lúc này Người đang ở giữa họ như tân lang ở giữa tiệc cưới, sao họ lại giữ hình thức mà quên đi mục đích: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại ăn chay, khi mà chàng rể đang ở với họ?”

Isaia đã cảnh báo trong Bài đọc I: Phải, các ngươi ăn chay trong sự cãi vả, ẩu đả và đánh nhau, … Có phải đó là việc ăn chay mà Chúa mong muốn? Cách ăn chay mà Chúa ưa thích là hủy bỏ xiềng xích bất công, tháo gỡ ách nặng, trả tự do cho kẻ bị áp bức, … chia cơm bánh cho người đói, tiếp rước kẻ không nhà, cho người trần truồng áo mặc, …

Kitô giáo không phải là đạo của hình thức, nhưng là tâm tình trong việc cầu nguyện, bố thí cũng như ăn chay. Ăn chay bằng cách nhịn một phần ăn, bớt một thức uống, nếu không giúp mình thanh thoát hơn để hướng tâm về Chúa, và hy sinh tiết kiệm để hướng lòng về anh chị em đang lâm cảnh túng nghèo, thì sẽ vô nghĩa.

Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM

Sống Lời Chúa: Vượt trên hình thức mà chú trọng tâm tình trong đời sống đạo.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam