25/12/2024

Tiếp kiến chung 15/02/2023 – ĐTC Phanxicô: Hãy loan báo Tin Mừng cách khiêm nhường và hiền lành

Tiếp kiến chung 15/02/2023 – ĐTC Phanxicô: Hãy loan báo Tin Mừng cách khiêm nhường và hiền lành

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư, 15/2/2023, Đức Thánh Cha chia sẻ về ba khía cạnh của việc loan báo: lý do, nội dung và cách thức. Ngài mời gọi các tín hữu hãy đi loan báo Tin Mừng cách khiêm nhường và hiền lành, không dựa vào của cải vật chất và cùng đi với nhau.

Trong bài giáo lý nói về đề tài “Hoạt động tông đồ đầu tiên”, trước hết Đức Thánh Cha nhắc lại việc Chúa Giêsu thành lập Nhóm Mười hai Tông đồ, những người được Chúa Giêsu chọn để “ở với Người và được sai đi loan báo Tin Mừng” (Mc 3,14). Ngài nhấn mạnh rằng cả hai khía cạnh của ơn gọi đó đều cần thiết, vì chỉ khi gần gũi với Chúa Giêsu, chúng ta mới học cách loan báo về Người chứ không phải loan báo về chính chúng ta, loan báo lời của Người chứ không phải lời của chúng ta.

Đức Thánh Cha chia sẻ về ba khía cạnh của việc loan báo: lý do, nội dung và cách thức. Khi Chúa Giêsu sai các tông đồ đi rao giảng, Người bảo các ông hãy chia sẻ món quà mà chính các ông đã nhận được, món quà vô giá của tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa. Đây cũng là lý do chúng ta phải loan báo, chúng ta đã nhận được niềm vui là con Chúa cách nhưng không thì cũng hãy chia sẻ cách nhưng không cho những người chưa biết Chúa.

Chúng ta phải loan báo rằng nước Thiên Chúa đã đến gần, nghĩa là loan báo về sự gần gũi của Thiên Chúa và chúng ta hãy để cho mình được Người yêu thương. Thiên Chúa phải là trung tâm của lời loan báo của chúng ta và chúng ta phải để cho người khác cơ hội đón nhận Người, nhận ra Người đang ở gần.

Và Chúa Giêsu nói với các tông đồ rằng họ được sai đi như chiên giữa bầy sói, để rao giảng Tin Mừng trước hết bằng chứng tá hiền lành, trong sáng và xác tín cá nhân, loan báo Chúa Kitô bằng hành động hơn là bằng lời nói. Bên cạnh đó, Chúa còn mời gọi các ông thanh thoát với của cải vật chất để không dựa vào sự bảo đảm của chúng, và để ra đi loan báo Tin Mừng cùng với các anh chị em. Trong việc truyền giáo, Giáo hội tìm thấy sự hiệp nhất của mình.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về chủ đề chúng ta đã chọn, đó là “Lòng say mê loan báo Tin Mừng, lòng nhiệt thành tông đồ.” Bởi vì loan báo Tin Mừng không phải là nói: “Xem này, [và chúng ta nói nhiều điều] và không có gì hơn.” Có một sự đam mê thu hút toàn bộ con người của bạn: trí tuệ, tâm hồn, đôi tay, toàn thể con người tham dự vào việc loan báo Tin Mừng và vì vậy chúng ta nói về lòng say mê loan báo Tin Mừng. Sau khi đã nhìn thấy nơi Chúa Giêsu mẫu gương và bậc thầy của việc loan báo Tin Mừng, hôm nay chúng ta hãy chuyển sang các môn đệ đầu tiên, những người được Chúa chọn làm Tông đồ.

Phúc Âm nói rằng Chúa Giêsu “đã lập Nhóm Mười hai – những người mà Người gọi là tông đồ – để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3,14). Có hai hành động: để họ ở với Người và để sai họ đi rao giảng. Có một khía cạnh xem ra mâu thuẫn: Người kêu gọi họ để ở với Người và để sai họ đi rao giảng. Chúng ta sẽ nói: hoặc cái này hoặc cái kia, hoặc ở lại hoặc sai đi. Nhưng ngược lại: đối với Chúa Giêsu, không có việc ra đi mà không ở cùng và không có chuyện ở cùng mà không ra đi. Không dễ để hiểu điều này. Chúng ta hãy cố hiểu Chúa Giêsu nói điều này có ý nghĩa gì.

Không có việc ra đi loan báo Tin Mừng mà không ở cùng Chúa Giêsu

Trước hết, không có việc ra đi mà không ở cùng: Tin Mừng nói rằng trước khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Chúa Kitô đã “gọi các ông đến với Người” (x. Mt 10,1). Việc loan báo phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Chúa; mọi hoạt động của Kitô hữu, nhất là việc truyền giáo, bắt đầu từ đó. Họ không học trong trường lớp nhưng bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với Chúa. Trên thực tế, làm chứng cho Chúa có nghĩa là làm cho Người chiếu toả; nhưng, nếu chúng ta không nhận được ánh sáng của Người, chúng ta sẽ bị dập tắt; nếu chúng ta không thường xuyên gặp gỡ Chúa, chúng ta sẽ mang chính mình thay vì Người, và tất cả sẽ vô ích. Vì vậy, chỉ những ai ở cùng Chúa Giêsu mới có thể đem Tin Mừng của Người cho người khác. Ai không ở cùng Chúa thì không thể mang Tin Mừng cho người khác, họ sẽ mang những ý tưởng nhưng không phải là Tin Mừng.

Không có việc ở cùng Chúa Giêsumà không ra đi loan báo Tin Mừng

Cũng thế, không có việc ở cùng mà không ra đi. Thật vậy, theo Chúa Kitô không phải là một sự hướng nội: nếu không loan báo, không phục vụ, không truyền giáo, thì mối liên hệ với Người không phát triển. Chúng ta lưu ý rằng trong Tin Mừng, Chúa sai các môn đệ đi trước khi các ông chuẩn bị xong: ngay sau khi gọi họ, Người đã sai họ đi rồi! Điều này có nghĩa là kinh nghiệm truyền giáo là một phần của việc đào tạo Kitô giáo. Vậy chúng ta hãy nhớ lại hai khoảnh khắc cốt yếu này đối với mỗi môn đệ: ở cùng Chúa Giêsu và được Người sai đi.

Sau khi kêu gọi các môn đệ đến với Người và trước khi sai họ đi, Chúa Kitô đã ngỏ lời với họ trong một bài diễn văn, được gọi là “bài diễn văn truyền giáo”. Bài diễn văn này được thuật lại trong chương 10 của Phúc âm Thánh Mátthêu và giống như “bản hiến chương” của việc loan báo. Từ diễn văn đó, tôi khuyên anh chị em nên đọc, tôi rút ra ba khía cạnh: tại sao loan báo, loan báo điều gì và loan báo như thế nào.

Tại sao loan báo

Động lực nằm ở những lời của Chúa Giêsu, những lời mà chúng ta nên ghi nhớ: “Anh em đã được cho không, thì cũng hãy cho không như vậy” (c. 8). Tôi loan báo bởi vì tôi đã được cho không và tôi phải cho không. Việc loan báo không bắt đầu từ chúng ta, nhưng từ vẻ đẹp của những gì chúng ta đã nhận được nhưng không, không từ công trạng của chúng ta: nhưng từ việc gặp gỡ Chúa Giêsu, quen biết Người, khám phá ra rằng chúng ta được yêu thương và được cứu độ. Đó là một món quà tuyệt vời đến nỗi chúng ta không thể giữ nó cho riêng mình, chúng ta cảm thấy cần phải loan truyền nó; nhưng theo cùng một phong cách, đó là cách nhưng không. Nói cách khác: chúng ta có một món quà, do đó chúng ta được mời gọi trở thành quà tặng; chúng ta đã nhận được món quà và ơn gọi của chúng ta là biến mình thành quà tặng cho người khác. Trong chúng ta có niềm vui được làm con Thiên Chúa, niềm vui đó phải được chia sẻ với những anh chị em chưa biết điều đó! Đây là lý do tại sao phải loan báo. Hãy đi và mang niềm vui chúng ta đã lãnh nhận cho người khác.

Loan báo điều gì

Chúa Giêsu nói: “Hãy rao giảng rằng Nước Trời đến gần đến” (c. 7). Đây là điều cần phải nói trước hết và trong mọi sự: Thiên Chúa đang ở gần. Anh chị em đừng bao giờ quên điều này. Thiên Chúa luôn gần gũi với dân Người. Chính Chúa nói với dân Người. Người đã nói: “Hãy xem, có Thiên Chúa nào gần gũi với các dân như Ta gần gũi các ngươi?” Sự gần gũi là một trong những điều quan trọng nhất của Thiên Chúa. Có ba điều quan trọng là: sự gần gũi, lòng thương xót và sự dịu dàng. Khi rao giảng, chúng ta thường mời người khác làm một việc gì đó; điều đó tốt; nhưng chúng ta đừng quên rằng thông điệp chính là Chúa ở gần chúng ta. Đón nhận tình yêu Thiên Chúa thì càng khó hơn vì chúng ta luôn muốn mình là trung tâm, là nhân vật chính, chúng ta có khuynh hướng làm hơn là để mình được uốn nắn, nói nhiều hơn là lắng nghe. Nhưng, nếu những gì chúng ta làm chiếm vị trí trước hết, chúng ta vẫn sẽ là nhân vật chính. Ngược lại, lời loan báo phải dành ưu tiên cho Thiên Chúa, và cho những người khác cơ hội đón nhận Người, để nhận ra rằng Người đang ở gần.

Loan báo như thế nào

Đó là khía cạnh mà Chúa Giêsu chú trọng nhiều nhất; và điều này có ý nghĩa: Người nói cho chúng ta biết rằng cách thức, phong cách là điều cần thiết trong việc làm chứng tá. Chúng ta hãy lắng nghe Người muốn chúng ta như thế nào: “Thầy sai anh em đi như chiên vào giữa bầy sói” (c. 16). Người không yêu cầu chúng ta biết cách đối mặt với sói, nghĩa là biết phản bác, chống trả và tự vệ. Có thể chúng ta sẽ nghĩ như thế này: chúng ta hãy trở nên nổi bật, lôi cuốn đông đảo, có uy tín và thế giới sẽ lắng nghe và tôn trọng chúng ta và chúng ta sẽ chiến thắng các con sói. Không phải như thế. Thầy sai các con như những con chiên. Điều này quan trọng. Nếu bạn không muốn là con chiên, Chúa sẽ không bảo vệ bạn khỏi những con sói. Hãy xoay sở như bạn có thể. Nhưng nếu bạn là con chiên, hãy yên tâm rằng Chúa sẽ bảo vệ bạn khỏi bầy sói. Hãy khiêm tốn. Chúa yêu cầu chúng ta phải như vậy, hiền lành và muốn trở nên trong sạch, sẵn sàng hy sinh; trên thực tế, điều này tượng trưng cho con chiên: sự hiền lành, sự vô tội, sự tận tụy và sự dịu dàng. Và Chúa, vị Mục tử, sẽ nhận ra đàn chiên của mình và bảo vệ chúng khỏi bầy sói. Ngược lại, những con cừu đội lốt sói bị phơi bày và bị ngược đãi. Một Giáo phụ đã viết: “Bao lâu chúng ta còn là chiên con, chúng ta sẽ chiến thắng và ngay cả khi chúng ta bị bao vây bởi vô số sói, chúng ta sẽ có thể vượt qua chúng. Nhưng nếu chúng ta trở thành những con sói, chúng ta sẽ bị đánh bại, bởi vì chúng ta sẽ thiếu đi sự giúp đỡ của người mục tử. Mục tử không nuôi chó sói, nhưng nuôi chiên” (Thánh Gioan Kim Khẩu, Bài giảng 33 về Tin Mừng Thánh Matthêu). Nếu tôi muốn thuộc về Chúa, tôi phải để Người làm mục tử của tôi. Người không phải là mục tử của bầy sói, nhưng là mục tử của các chiên con, hiền lành, khiêm nhường, đáng yêu đối với Chúa.

Không dựa vào của cải

Vẫn về vấn đề loan báo thế nào, điều đáng chú ý là Chúa Giêsu, thay vì quy định những gì phải mang theo khi đi truyền giáo, thì lại nói những gì không được mang theo: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy” (cc. 9-10). Người nói đừng dựa vào những điều chắc chắn về vật chất, nhưng hãy bước vào thế giới mà không theo tinh thần thế tục. Điều này có nghĩa là tôi đi vào thế giới không theo cách của thế gian, không bằng những giá trị của thế gian, không với tinh thần thế tục, điều tồi tệ nhất nếu Giáo hội sa ngã vào. Tôi đi với sự đơn giản. Đây là cách chúng ta loan báo: bằng cách chỉ cho thấy Chúa Giêsu hơn là nói về Chúa Giêsu. Bằng chứng tá của chúng ta.

Cùng nhau

Và cuối cùng, bằng cách đi cùng nhau, trong cộng đoàn: Chúa sai tất cả các môn đệ đi, nhưng không ai đi một mình. Giáo hội thời các tông đồ hoàn toàn là truyền giáo và trong truyền giáo, Giáo hội tìm thấy sự hiệp nhất của mình. Vì vậy: hãy ra đi cách hiền lành và tốt lành như những con chiên, không theo tính thế tục, nhưng đi cùng với nhau. Đây là chìa khóa để loan báo, chìa khoá thành công của việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy đón nhận những lời mời gọi này của Chúa Giêsu: hãy để những lời của Người là điểm quy chiếu của chúng ta.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha, và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-02/truc-tiep-tiep-kien-chung-230215.html