24/01/2025

Dư âm tin Đức nguyên Giáo hoàng lâm bệnh nặng

Dư âm tin Đức nguyên Giáo hoàng lâm bệnh nặng

Tin do Đức Thánh Cha Phanxicô loan báo trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 28/12 vừa qua về tình trạng Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI lâm bệnh nặng, giống như “sấm chớp giữa bầu trời thanh quang”, khiến cho dư luận Công Giáo thế giới xúc động và gây nhiều dư âm trong giới truyền thông.

2022.02.08 Benedetto XVI Emerito

Thực vậy, ngỏ lời với các tín hữu vào cuối buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha nói: “Tôi muốn xin tất cả anh chị em đặc biệt cầu nguyện cho Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức, trong âm thầm, ngài đang nâng đỡ Giáo Hội. Chúng ta hãy nhớ đến ngài, ngài bệnh nặng, xin Chúa an ủi, và nâng đỡ ngài trong chứng tá yêu thương đối với Giáo Hội, cho đến cùng.”

Một điều gây ngạc nhiên là hai giờ sau đó, trả lời câu hỏi của các ký giả, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, ông Matteo Bruni, nói: “Tôi có thể xác nhận trong những giờ gần đây, người ta ghi nhận bệnh trạng của Đức nguyên Giáo hoàng trở nên nặng hơn vì tuổi cao. Tình trạng hiện thời vẫn còn kiểm soát được, được các bác sĩ liên tục theo dõi. Sau buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Đan viện Mẹ Giáo Hội để viếng thăm Đức Biển Đức XVI. Chúng ta hiệp ý với ngài cầu nguyện cho Đức nguyên Giáo hoàng.”

Đức Tổng Giám mục Georg Gaenswein

Người “ngạc nhiên” về bệnh trạng trở nặng bất ngờ của Đức nguyên Giáo hoàng có lẽ là Đức Tổng Giám mục Georg Gaenswein, bí thư của ngài. Thực vậy, trong nhiều cuộc phỏng vấn trước đó, khi trả lời câu hỏi về tình trạng sức khoẻ của Đức Biển Đức XVI, Đức Tổng Giám mục Gaenswein vẫn thường nói rằng ngài rất minh mẫn và sáng suốt, nhưng cơ thể của ngài ngày càng yếu đi.

Trước Lễ Giáng Sinh vừa qua, ngài vẫn ở trong tình trạng “bình thường” như thế. Vì thế, Đức Tổng Giám mục Gaenswein an tâm đến độ tiến hành chương trình về thăm gia đình ở làng quê Ridern am Wald ở miền tây nam Đức, và dự kiến cử hành thánh lễ ngày 29 và 30/12 ở Nhà thờ Giáo xứ San Leodegar. Trước đó, ngày 22/12, người ta còn thấy Đức Tổng Giám mục tươi cười bắt tay Đức Thánh Cha Phanxicô vào cuối buổi tiếp kiến của ngài dành cho Giáo triều Roma.

Phản ứng từ Đức

Sau khi tin về bệnh già của Đức nguyên Giáo hoàng trở thành bệnh nặng, phản ứng sớm nhất người ta thấy từ phía các vị lãnh đạo Công Giáo ở Đức.

– Đức cha Georg Baetzing, GM Giáo phận Limburg, Chủ tịch HĐGM Đức, nói: “Tôi nghĩ đến Đức nguyên Giáo hoàng. Tôi kêu gọi các tín hữu tại Đức Biển Đức XVI cầu nguyện cho ngài.” Đức cha cũng soạn một kinh nguyện riêng và mời gọi các tín hữu cùng đọc.

– Đức cha Stefan Oster, GM Giáo phận Passau nơi sinh trưởng của Đức nguyên Giáo hoàng, kể lại việc hồi tháng 11 vừa qua đã đến thăm Đức Biển Đức XVI ở Vatican và thấy ngài rất tỉnh táo, nhưng cơ thể của ngài hiển nhiên là rất suy yếu. “Nay nếu ngài càng yếu hơn, thì chúng ta dễ hiểu rằng ngài đang bước vào giai doạn chót của hành trình trần thế này. Xin tất cả anh chị em cầu nguyện cho ngài, xin Chúa ban ơn củng cố và an ủi ngài.”

– Đức cha Rudolf Voderholzer, GM Giáo phận Regensburg, nam Đức, bày tỏ lo âu trước tin tức về tình trạng sức khoẻ của Đức Biển Đức và xin các tín hữu cầu nguyện. Regensburg là nơi ngài làm giáo sư thần học tín lý trong 7 năm từ 1969 đến 1977, khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Giáo phận Munich. Anh của ngài là Đức Ông Georg Ratzinger làm trưởng ca đoàn thiếu nhi Nhà thờ Chính toà Regensburg và được an táng tại đây hồi tháng 7 năm 2020 thọ 96 tuổi.

– Cả Đức cha Ludwig Schick, nguyên Tổng Giám mục Giáo phận Bamberg, người mới đến viếng thăm từ biệt Đức Biển Đức XVI ở Vatican ngày 16 tháng 11 vừa qua, cũng kể lại trên Facebook rằng: trong cuộc gặp gỡ ấy, “Tôi đã nói với ngài rằng đây thực là cuộc gặp gỡ cuối cùng của chúng ta trên trái đất này. Ngài không còn cử động được thân thể nữa và cũng không nói được với tôi. Nhưng tinh thần ngài vẫn tỉnh táo”.

Đức Tổng Giám mục Schick kể lại là đã quen biết Đức nguyên Giáo hoàng hồi năm 1971 và đã gặp gỡ ngài nhiều lần, và gắn bó với ngài. Trong cuộc viếng thăm vừa qua, “khi tôi nhắc lại những lần gặp gỡ ngài và nói chuyện thì ngài gật đầu và mấp máy đôi môi”.

Đức Tổng Giám mục hứa với Đức nguyên Giáo hoàng là sẽ cầu nguyện cho ngài được ơn chết lành và “tôi cũng xin ngài kéo tôi lên trời nếu thấy đó là điều quá xa đối với tôi. Tôi có thể đọc được trên môi ngài như thể ngài nói: “Chúng ta sẽ làm như vậy!”. Đó thực là một cuộc gặp gỡ cảm động cuối cùng” (KNA 30-12-2022)

Các nơi hiệp ý cầu nguyện

Đáp lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, các nơi các vị chủ chăn đã mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Đức nguyên Giáo hoàng.

– Tại Ý, ĐHY Matteo Zuppi, Tổng Giám mục Bologna, Chủ tịch HĐGM, ra thông cáo nói: “Trong lúc đau khổ và thử thách này, chúng ta liên kết với Đức nguyên Giáo hoàng. Chúng ta nhớ đến ngài trong kinh nguyện tại các giáo phận chúng ta, với ý thức rằng, như chính ngài đã nhắc nhở chúng ta” rằng dù những thử thách có cam go đến đâu, dù những vấn đề khó khăn, đau khổ nặng nề, chúng ta không bao giờ ra ngoài bàn tay của Thiên Chúa, bàn tay đã tạo dựng, nâng đỡ và đồng hành với chúng ta trong hành trình cuộc sống, vì được một hình thương vô biên và trung tín hướng dẫn.” (Sir 29-12-2022).

– Tại Á Châu, rất nhiều cộng đoàn cũng hiệp ý cầu nguyện cho sức khoẻ của Đức nguyên Giáo hoàng.

Từ Myanmar, ĐHY Charles Bo, Tổng Giám mục Yangoon, Chủ tịch Liên HĐGM Á châu, đã mời gọi tất cả các tín hữu “cầu nguyện cho con người thánh thiện này, chứng tá của ngài tiếp tục chúc lành cho Giáo Hội. Sự đóng góp của ngài cho Công đồng chung Vatican, sự hỗ trợ mạnh mẽ của ngài cho sứ mạng của Đức Gioan Phaolô II và sự nhạy bén trí tuệ của ngài là những đóng góp đáng ghi nhớ cho Giáo Hội ngày nay. Ngài đã trung thành với truyền thống và giáo huấn của Hội Thánh. Xin Đức Trinh Nữ Maria tiếp tục an ủi và chúc lành cho ngài được ơn sức khoẻ”.

– Tại Ấn độ, ĐHY Anthony Poolam Tổng Giám mục Giáo phận Hyderabad, đã gởi một sứ điệp tới các tín hữu, mời gọi họ cầu nguyện cho Đức nguyên Giáo hoàng. ĐHY viết: “Tôi ngưỡng mộ ngài vì 3 lý do. (1) Tổng hợp của ngài giữa việc nghiên cứu học hỏi và mục tử. Trong tư cách là nhà thần học, tác phẩm của ngài về Chúa Giêsu Nazareth thật là tuyệt vời. Nhưng ngài cũng có tâm hồn mục tử. (2) Lòng yêu mến của ngài đối với Giáo Hội: không hề chiều theo những thỏa hiệp về các giá trị. (3) Lòng can đảm của ngài khi rời bỏ triều đại Giáo Hoàng. Với lòng khiêm tốn sâu xa đã quyết liệt từ khước khi sứ vụ này trở nên quá nặng nề không thể tiếp tục. Hôm qua và ngày nay, với lòng quí mến, tôi nhớ đến Đức nguyên Giáo hoàng trong các thánh lễ và tôi cầu nguyên cho ngài, xin Chúa an ủi và nâng đỡ ngài” (Asia News 30-12-2022)

Giới báo chí

Cùng với những tuyên bố và lời kêu gọi của các vị chủ chăn, giới nhà báo tỏ ra chú ý hơn tới các chi tiết cụ thể.

– Ký giả Edward Pentin, người Mỹ, trích thuật nguồn tin vô danh, nói rằng Đức Biển Đức XVI bị suy thận và cách đây 1 tháng rưỡi, máy trợ tim của ngài đã được điều chỉnh lại để hợp với nhịp tim, nhưng lúc đó sự kiện này không liên hệ gì tới sự suy thận.

– Hãng tin Ansa của Ý thì nói rằng Đức Biển Đức XVI gặp vấn đề trầm trọng về đường hô hấp, theo nguồn tin “có thế giá”.

Các ký giả này cũng nhắc lại rằng săn sóc Đức nguyên Giáo Hoàng có 4 chị giáo dân thánh hiến “Memores Domini” (tưởng nhớ Chúa) thuộc Phong trào Hiệp thông và Giải phóng. Ngoài ra có một thầy y tá thuộc sở y tế của Vatican vẫn đến Đan viện Mẹ Giáo Hội nơi Đức Biển Đức cư ngụ để săn sóc ngài. Nay thì đến lượt các bác sĩ. Một nguồn báo chí ở Đức thì nói rằng Đức nguyên Giáo hoàng từ chối, không muốn được điều trị ở nhà thương.

Đi xa hơn

Cũng có những ký giả đi xa hơn và bàn đến việc an táng Đức nguyên Giáo hoàng sau khi ngài qua đời. Điều chắc chắn là chính Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ quyết định về vấn đề này: chọn nghi thức nào, huyệt mộ ở đâu. Có những câu hỏi được nêu lên vì trong những thế kỷ qua không hề có vấn đề an táng một vị nguyên Giáo hoàng.

Điều chắc chắn là Đức đương kim Giáo hoàng sẽ yêu cầu lễ an táng Đức Biển Đức XVI sẽ xứng đáng với một người đã phục vụ Giáo Hội như người kế vị Thánh Phêrô. Và ngài sẽ được an táng ở tầng hầm Đền Thờ Thánh Phêrô, có thể là nơi huyệt đã an táng Thánh Gioan XXIII trong 38 năm (1963-2001), rồi Đức Gioan Phaolô II (2005-2011) trước khi di hài các vị được dời lên Đền Thờ sau khi được phong thánh.

G. Trần Đứ c Anh, OP

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-12/du-am-tin-duc-nguyen-giao-hoang-lam-benh-nang.html