Trung Quốc thử nghiệm thành công kính viễn vọng ‘mắt tôm hùm’ đầu tiên trên thế giới
Kính viễn vọng không gian “mắt tôm hùm” đầu tiên trên thế giới cho phép các nhà nghiên cứu ghi lại hình ảnh tia X của vũ trụ một cách chính xác, đã trải qua quá trình thử nghiệm thành công ở Trung Quốc.
Lobster Eye Imager for Astronomy (LEIA), kính viễn vọng nặng 53kg, đã chụp được những bức ảnh chất lượng cao về các nguồn tia X của vũ trụ, theo một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí The Astrophysical Journal Letters.
Kính thiên văn LEIA đã chụp được trung tâm thiên hà của chúng ta, đám mây Magellan và chòm sao Scorpius, ở khoảng cách 500km phía trên Trái đất.
Tại sao gọi “mắt tôm hùm”?
Các nhà sinh vật học lần đầu biết cách các loài giáp xác như tôm hùm có mắt để thích nghi với môi trường sống “âm u” dưới nước vào những năm 1970.
Tôm hùm có trường nhìn vô hạn nhờ cấu trúc cho phép ánh sáng phản xạ theo mọi hướng bên trong các ống và hội tụ trên võng mạc. Nhiều ống vuông nhỏ tạo nên mắt tôm hùm đều hướng về cùng một tâm hình cầu.
Để các kính viễn vọng tia X thu được tầm nhìn rộng và sâu đồng thời, nhà thiên văn học người Mỹ Roger Angel đã đề xuất sử dụng một phương pháp tương tự.
Tuy nhiên, đến gần đây ý tưởng trên mới khả thi, nhờ những tiến bộ trong công nghệ vi xử lý và sự phát triển của kỹ thuật quang học vi lỗ.
Công nghệ “mắt tôm hùm” được nhóm của ông Weimin và các kỹ sư của North Night Vision Technology, một công ty có trụ sở tại Nam Kinh (Trung Quốc), tạo ra trong hơn 10 năm.
Einstein Probe, một kính viễn vọng lớn hơn nhiều do các nhà khoa học Trung Quốc và châu Âu tạo ra, và được phóng lên quỹ đạo vào cuối năm 2023 sẽ sử dụng công nghệ của LEIA.
Đài quan sát tia X Chandra tốt nhất do NASA điều hành, chỉ có thể chụp được những hình ảnh lớn hơn một chút so với kích thước của trăng tròn. Trong khi cấu trúc của Einstein Probe sẽ cho phép kính viễn vọng quan sát một vùng bầu trời tương đương với 10.000 Mặt trăng tròn.
Einstein Probe được dự đoán sẽ phát hiện ra nhiều sự kiện vũ trụ năng lượng cao mờ nhạt hoặc ở rất xa khi nó ở trên quỹ đạo. Nó được cho là sẽ cách mạng hóa nghiên cứu về các lỗ đen siêu lớn là hạt nhân của hầu hết các thiên hà, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Cơ quan Vũ trụ châu Âu và Viện Vật lý ngoài Trái đất Max Planck ở Đức đã cung cấp phần cứng cho dự án trị giá 111,6 triệu USD.