23/11/2024

Các Giám mục Nhật Bản phản đối mạnh mẽ kế hoạch tái vũ trang

Các Giám mục Nhật Bản phản đối mạnh mẽ kế hoạch tái vũ trang

Các Giám mục Công giáo Nhật Bản lên tiếng phản đối mạnh mẽ kế hoạch tái vũ trang mới được chính phủ phê duyệt, vì cho rằng trái hiến pháp và nguy hiểm.

Vũ trang

Ngày 16/12/2022, Thủ tướng Fumio Kishida đã công bố một cuộc đại tu lớn về chiến lược quốc phòng quốc gia, theo đó nước này sẽ thực hiện kế hoạch trị giá hơn 320 tỷ USD (2% GDP) để xây dựng quân đội trong 5 năm tới. Kế hoạch này được cho là không chỉ bao gồm nâng cấp vũ khí do Nhật Bản sản xuất nhưng còn mua ít nhất 400 tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk do Hoa Kỳ sản xuất.

Nội các cũng đã thông qua hai tài liệu khác về Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Phòng thủ Quốc gia, vạch ra một chính sách mới cho phép Nhật Bản có khả năng tiến hành các cuộc phản công, mặc dù chỉ trong những trường hợp cụ thể. Thủ tướng giải thích động thái này là một phản ứng đối với các mối đe doạ trong khu vực, đồng thời viện dẫn cuộc xâm lược của Nga vào Ucraina là một yếu tố trong việc xây dựng quốc phòng.

Trong một tuyên bố được đưa ra trong tuần này, Uỷ ban Công lý và Hoà bình của Hội đồng Giám mục Nhật Bản kêu gọi chính phủ rút lại ba tài liệu và phê bình mạnh mẽ chính sách quốc phòng mới. Bởi vì điều này trái với Hiến pháp, và đánh dấu một sự thay đổi hoàn toàn đưa Nhật Bản trở thành một siêu cường quân sự. Tuyên bố cũng lưu ý rằng một quyết định quan trọng như vậy được đưa ra theo sắc lệnh của chính phủ, bỏ qua quốc hội là phi dân chủ.

Theo Hội đồng Giám mục, việc phát triển khả năng tấn công các căn cứ của kẻ thù không gì khác hơn là một “mối đe doạ vũ lực” bị Hiến pháp nghiêm cấm rõ ràng. Hơn nữa, tăng chi tiêu quân sự lên 2% GDP vào năm 2027, gần gấp đôi mức hiện tại, đồng nghĩa với việc “tuyên bố vị thế siêu cường quân sự của Nhật Bản”.

Uỷ ban Công lý và Hoà bình cũng lo ngại về việc sử dụng các cảng và sân bay dân sự cho mục đích quân sự và chỉ đạo nghiên cứu khoa học và công nghệ để phát triển vũ khí mới. Tuyên bố cũng đề cập thêm việc triển khai tên lửa tầm xa trên quần đảo Nansei, gần Đài Loan, và nguy cơ cư dân địa phương sẽ hy sinh giống như ở Okinawa trong Thế chiến thứ hai.

Trích lời của Đức Thánh Cha trong chuyến Tông du đến Nhật Bản vào năm 2019, các Giám mục kết luận khi nhắc lại rằng “Nhật Bản phải đi theo con đường hoà bình thông qua ngoại giao dựa trên Lời nói đầu và Điều 9 của hiến pháp, đóng vai trò tạo ra một khuôn khổ cho hòa bình, giải quyết các tranh chấp qua đối thoại”.

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2022-12/giam-muc-phan-doi-tai-vu-trang.html